6 nguyên nhân khiến đường huyết không ổn định
NISHA JACKSON.
Lượng đường trong máu (nồng độ glucose trong máu) có thể ảnh hưởng đến cả bệnh nhân tiểu đường lẫn người không bị tiểu đường theo nhiều cách. Sáu nguyên nhân dẫn đến mức đường huyết không ổn định là: bị bệnh hoặc mất nước, căng thẳng quá mức, thuốc cảm cúm/cảm lạnh thông thường, thuốc tránh thai, thức uống thể thao, và uống rượu.
Không giống nhau, mỗi người phản ứng với thứ gây ảnh hưởng đến đường huyết khác nhau. Có những hợp chất mà mọi người đều nên kiểm tra xem chúng ảnh hưởng đến lượng đường huyết của mình như thế nào. Ví dụ, lượng đường huyết có thể tăng do sự hiện diện của caffeine trong cà phê, trà đen, và một số loại nước tăng lực. Nhiều thành phần, yếu tố môi trường, và bệnh tật có thể làm thay đổi mức đường huyết. Nhận thức được những yếu tố gây ảnh hưởng này sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hơn để có thể quyết định cảm giác của bạn trong suốt cả ngày.
Bị bệnh hoặc mất nước
Mất nước có thể làm tăng lượng đường huyết của bạn, vì vậy điều khôn ngoan là bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nếu bạn bị tiêu chảy và/hoặc nôn mửa trong hơn hai giờ hoặc bệnh kéo dài hơn một vài ngày, lượng đường huyết của bạn có thể thay đổi.
Ngoài ra, lượng đường huyết cũng tăng lên khi cơ thể bạn cố gắng chống lại bất kỳ loại bệnh nào. Cố gắng tỉnh táo nhận thức nhu cầu của cơ thể và luôn bổ sung đủ nước để cải thiện sức khỏe và năng lượng của bạn. Hãy gài hẹn giờ trên điện thoại của bạn, đem theo chai nước mọi lúc mọi nơi, để nước cạnh tủ đầu giường, và xem xét liệu pháp truyền tĩnh mạch hàng tuần hoặc hàng tháng. Làm bất cứ điều gì bạn cần làm để giúp cơ thể đủ nước, và bạn sẽ giúp lượng đường huyết của bạn [ổn định] suốt cả ngày!
Căng thẳng quá mức
Căng thẳng đang là một bệnh dịch trong xã hội hiện đại bận rộn của chúng ta. Từ “căng thẳng” không còn là từ chỉ dùng trong công ăn việc làm của chúng ta mà là một thuật ngữ liên quan đến mọi thứ. Người ta “căng thẳng” về những thứ được xem là để giúp chống lại căng thẳng – những điều thú vị và vui vẻ như bạn bè, gia đình, kỳ nghỉ, và chăm sóc cơ thể và sức khỏe của chúng ta! Nhiều người liên kết bận rộn với căng thẳng và để tôi nói với bạn, mọi người đều “bận!” Nhiều việc mà một thời từng đem lại cho chúng ta niềm vui, đã được thêm vào danh sách “việc cần làm”.
Điều này nghe có vẻ vô hại, nhưng việc luôn bị “căng thẳng” sẽ khiến cơ thể tiết ra hormone làm tăng lượng đường trong máu. Mặc dù điều này phổ biến hơn ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, nhưng nó cũng phổ biến ở những người không bị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, căng thẳng còn gây ra những tác dụng phụ tiêu cực khác cho tim, óc, và cơ thể của bạn! Điều quan trọng là bạn nên chú ý dành thời gian thực hành các kỹ thuật thả lỏng với hít thở sâu, và tập thể dục để giảm căng thẳng.
Thuốc cảm cúm và cảm lạnh thông thường
Thuốc cảm thường chứa pseudoephedrine hoặc phenylephrine; cũng như đường và/hoặc alcohol. Những thành phần này có thể làm tăng lượng đường huyết của bạn.
Thuốc kháng histamin không gây ra vấn đề về lượng đường trong máu. Nếu bạn mua thuốc cảm không kê đơn, hãy hỏi dược sĩ về những ảnh hưởng có thể có đối với mức đường huyết của bạn. Đồng thời, kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trong các tình huống đặc biệt để bạn có thể giúp xác định cách cơ thể bạn sẽ phản ứng với bệnh tật và phương pháp điều trị.
Kháng sinh cũng có thể có tác dụng này đối với cơ thể. Nếu bạn phải dùng thuốc kháng sinh vì nhiễm trùng, điều quan trọng là phải uống hết liều để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc, nhưng bạn cũng cần biết đến ảnh hưởng của kháng sinh đến lượng đường trong máu.
Thuốc tránh thai
Estrogen trong thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến cách phản ứng của bệnh nhân tiểu đường với insulin. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyên phụ nữ bị bệnh tiểu đường nên sử dụng thuốc tránh thai có chứa norgestimate và estrogen tổng hợp. ADA cho thấy thuốc tránh thai dạng chích và cấy que tránh thai an toàn cho phụ nữ bệnh tiểu đường, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Phụ nữ nên theo dõi lượng đường trong máu nếu họ chọn sử dụng các phương pháp ngừa thai này, đặc biệt là trong vài tuần sau khi sử dụng thuốc lần đầu. Phụ nữ bị bệnh tiểu đường nên thảo luận với bác sĩ về những lựa chọn ngừa thai.
Loại nước uống thể thao dán nhãn “Tốt cho sức khỏe”
Mặc dù thức uống thể thao được thiết kế để giúp mọi người bổ sung chất lỏng nhanh chóng, nhưng nhiều loại lại chứa lượng đường cao. Đối với các bài tập vừa phải dưới một giờ, bạn chỉ cần bổ sung nước thường là đủ. Thức uống thể thao có thể thích hợp cho việc tập luyện cường độ cao hơn, nhưng những bệnh nhân tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ để xem loại thức uống nào sẽ tốt nhất.
Uống rượu
Điều này có tác dụng như “tàu lượn siêu tốc” đối với lượng đường trong máu cao và thấp như khi tập thể dục. Mức đường huyết có thể tăng lúc đầu nhưng rồi có thể giảm và duy trì ở mức thấp trong 12 giờ sau khi uống rượu. Hiệu ứng “tàu lượn siêu tốc” giảm khi uống rượu kèm với thức ăn. Thức uống có cồn cũng có thể chứa nhiều carbohydrate. ADA đề nghị phụ nữ uống không quá một [phần] thức uống có cồn mỗi ngày (nếu họ định uống) và hai [phần] thức uống có cồn mỗi ngày đối với nam giới. Một [phần] thức uống có cồn tương đương với 5 ounce (148ml) rượu vang, 12 ounce (355ml) bia, hoặc 1.5 ounce (44ml) rượu (whisky hoặc vodka). Vì vậy, dù bạn bị bệnh tiểu đường hay đang tìm cách điều chỉnh lượng đường trong máu, điều khôn ngoan là nên tránh xa rượu.
Nisha Jackson là chuyên gia về hormone và y học chức năng được công nhận trên toàn quốc, giảng viên, diễn giả truyền động lực, người dẫn chương trình phát thanh, tác giả của “Burliant Burnout”, và người sáng lập các phòng khám y tế OnePeak ở Oregon. Trong 30 năm, cách tiếp cận y học của bà đã đảo ngược thành công các vấn đề kinh niên chẳng hạn như mệt mỏi, brain fog (chứng đờ đẫn do rối loạn chức năng nhận thức của não bộ), trầm cảm, mất ngủ, và mất sức chịu đựng.