KATABELLA ROBERTS

Sáu quốc gia đã cùng với Nga bỏ phiếu phản đối nghị quyết kêu gọi quân đội Nga rút khỏi Ukraine ngay lập tức trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 23/02.

Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, cùng với Bắc Hàn, Syria, Eritrea, Mali, và Nicaragua, đều cùng với Nga phản đối nghị quyết này vào đêm trước ngày đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraine.

Nghị quyết trên kêu gọi Nga “rút ngay lập tức, toàn bộ và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân đội của mình khỏi lãnh thổ Ukraine” và kêu gọi “chấm dứt các hoạt động  thù địch”.

Belarus đã đề nghị đưa ra các sửa đổi đối với nghị quyết này vốn có thể thay đổi một số điều khoản, trong đó có việc kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc “hạn chế gửi vũ khí đến khu vực xung đột.”

Đông đảo các thành viên đã bác bỏ những sửa đổi đó.

Số quốc gia bỏ phiếu phản đối nghị quyết hôm 23/02 đánh dấu một sự gia tăng nhẹ so với lần cuối cùng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về biện pháp tương tự hồi tháng 03/2022. Trong cuộc bỏ phiếu đó, năm quốc gia – Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Nga, và Syria – đã bỏ phiếu phản đối.

Một màn hình hiển thị kết quả bỏ phiếu trong một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Thành phố New York hôm 12/10/2022. (Ảnh: Ed Jones/AFP qua Getty Images)
Một màn hình hiển thị kết quả bỏ phiếu trong một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Thành phố New York hôm 12/10/2022. (Ảnh: Ed Jones/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc, Ấn Độ bỏ phiếu trắng

Theo Liên Hiệp Quốc, Algeria, Armenia, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nam Phi, Sudan, Việt Nam, và Zimbabwe nằm trong số 32 quốc gia bỏ phiếu trắng hôm 23/02; cũng như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, tất cả những quốc gia này đều có bang giao thân thiết với Điện Kremlin.

Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin đã xác nhận rằng lãnh đạo Trung Quốc cộng sản Tập Cận Bình sẽ thăm Moscow trong những tháng tới.

Hôm 21/02, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã đến thăm Điện Kremlin và cam kết một “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” sâu sắc hơn với Nga.

Trong những diễn biến khác, tổng cộng 141 quốc gia trong số 193 thành viên của cơ quan này đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên, trong đó có Hoa Kỳ – quốc gia đã giúp soạn thảo nghị quyết – cũng như Vương quốc Anh, Đức, Canada, và Ba Lan.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, những quốc gia này đã viện trợ và trợ giúp quân sự ở mức cao nhất cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.

Cụ thể, nghị quyết hôm 23/02 “tái khẳng định cam kết đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất, và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận, mở rộng đến lãnh hải của Ukraine.”

Nghị quyết này cũng kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine và bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào vào các đối tượng dân sự, kể cả những nơi như nhà ở, trường học và bệnh viện” và “nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm trách nhiệm đối với những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế diễn ra trên lãnh thổ Ukraine thông qua các cuộc điều tra và truy tố thích đáng, công bằng và độc lập ở cấp quốc gia hoặc quốc tế, đồng thời bảo đảm công lý cho tất cả các nạn nhân và ngăn ngừa tội phạm trong tương lai,” trong số các điểm chính khác.

TT Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, đã viết trên Twitter ngay sau cuộc bỏ phiếu rằng ông “biết ơn” tất cả các quốc gia đã chọn tán thành nghị quyết này, gọi đó là một “tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ nhiệt thành của toàn thế giới” dành cho Ukraine.

Tuy nhiên, Phó Đại sứ Liên Hiệp Quốc của Nga, ông Dmitry Polyanskiy, đã bác bỏ hành động này tại Liên Hiệp Quốc, xem điều đó là “vô ích”. Ông nói thêm, “Liệu cuộc bỏ phiếu này có mang lại hòa bình không? KHÔNG! Nó sẽ khuyến khích những kẻ hiếu chiến? Đúng! Do đó kéo dài bi kịch Ukraine.”

Nghị quyết hôm 23/02 phần lớn mang tính tượng trưng và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra lúc Ukraine chuẩn bị cho cuộc chiến khốc liệt hơn khi Nga toan tính chiếm tất cả các khu vực Donetsk và Luhansk.

An Nhiên biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn