64 chi nhánh ngân hàng đóng cửa trong vòng một tuần – quý vị có bị ảnh hưởng?
Naveen Athrappully
Các ngân hàng lớn như PNC Bank và JPMorgan Chase đã đệ đơn đóng cửa một số văn phòng chi nhánh ở nhiều tiểu bang – trong bối cảnh xu hướng đóng cửa chi nhánh ngân hàng ngày càng tăng gây lo ngại trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ Hoa Kỳ (OCC), từ ngày 12 đến 18/11, một số ngân hàng đã đệ đơn đóng cửa các địa điểm chi nhánh, trong đó PNC Bank có nhiều chi nhánh đóng cửa nhất. PNC Bank có trụ sở tại Pittsburgh đã đệ đơn đóng cửa 19 chi nhánh – năm ở Pennsylvania, bốn ở Illinois, ba ở Texas, hai ở Alabama và New Jersey, và mỗi nơi một chi nhánh ở Indiana, Ohio, và Florida.
JPMorgan Chase theo sát sau đó với 18 chi nhánh – ba ở Ohio, hai ở Connecticut và South Carolina, và ở 11 tiểu bang, bao gồm New York, Illinois, Florida, và Massachusetts, mỗi nơi một chi nhánh.
Citizens Bank đứng thứ ba với tám chi nhánh – sáu ở New York, và mỗi nơi một chi nhánh ở Massachusetts và Delaware. U.S. Bank có trụ sở tại Minneapolis đã đệ đơn đóng cửa bảy chi nhánh – ba ở Tennessee và mỗi nơi một chi nhánh ở Missouri, Wisconsin, Ohio, và Illinois.
Bank of America đã có năm chi nhánh – hai ở New York và mỗi nơi một chi nhánh ở Texas, Massachusetts, và California.
Citibank đã đệ đơn đóng cửa hai chi nhánh và Sterling, Bremer, First National Bank of Hughes Springs, Windsor FS&LA, và Aroostook County FS&LA đã đệ đơn đóng cửa mỗi ngân hàng một chi nhánh.
Tổng cộng, các ngân hàng đã đệ đơn đóng cửa 64 chi nhánh.
Các trường hợp đóng cửa gần đây là một phần của xu hướng đóng cửa chi nhánh dài hạn đã diễn ra trong nhiều năm qua. Một báo cáo từ Liên minh Quốc gia về Tái đầu tư Cộng đồng (NCRC) cho thấy từ 2017 đến 2021, có 9% tổng số chi nhánh ngân hàng đã đóng cửa. Tỷ lệ đóng cửa đã tăng gấp đôi trong đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu từ S&P, đã có 3,012 chi nhánh đóng cửa hồi năm ngoái và 958 chi nhánh được mở, dẫn đến việc đóng cửa ròng 2,054 chi nhánh. Đây là năm thứ ba liên tiếp có số lượng chi nhánh đóng cửa ròng vượt quá 2,000.
Một yếu tố chính dẫn đến số lượng chi nhánh đóng cửa tăng vọt là sự gia tăng của dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, một xu hướng đã tăng tốc trong thời kỳ đại dịch khi người dân phải ở nhà.
Một cuộc khảo sát do Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ (ABA) thực hiện hồi tháng Chín cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có tám người sử dụng thiết bị di động để quản lý trương mục ngân hàng của họ ít nhất một lần trong tháng trước.
Theo một tuyên bố ngày 03/11, bà Brooke Ybarra, phó chủ tịch cao cấp về chiến lược đổi mới của ABA, cho biết: “Các công cụ ngân hàng kỹ thuật số đã giúp người tiêu dùng quản lý tài chính của họ một cách thuận tiện và an toàn hơn bao giờ hết.”
Tiết kiệm chi phí nhưng gây ra những tác động tiêu cực
Chuyển sang kỹ thuật số thay vì mở rộng địa điểm chi nhánh cũng là một phần trong chiến lược tiết kiệm chi phí cho các tổ chức ngân hàng. Việc mở một địa điểm mới tốn hàng triệu USD và hàng trăm ngàn USD chi phí định kỳ hàng năm.
Hầu hết các hoạt động được thực hiện thông qua ngân hàng hữu hình giờ đây có thể được thực hiện trực tuyến. Giao dịch kỹ thuật số rẻ hơn chi phí phát sinh khi giao dịch qua giao dịch viên ngân hàng.
Mặt khác, việc đóng cửa các chi nhánh ngân hàng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng, đặc biệt là ở các thị trấn nhỏ. Do đóng cửa, nhiều thị trấn đã trở thành “sa mạc ngân hàng” – nơi ngân hàng gần nhất ở cách đó hơn 10 dặm (khoảng 16 km).
Báo cáo của Liên minh Quốc gia về Tái đầu tư Cộng đồng cho biết, “Khi các chi nhánh ngân hàng đóng cửa, sẽ có một số tác động tiêu cực đến cộng đồng xung quanh. Hoạt động kinh doanh và việc cho vay doanh nghiệp nhỏ trong khu vực giảm sút. Nhiều người sử dụng các dịch vụ tài chính thay thế, khiến họ có nguy cơ gặp rủi ro trước các hoạt động tài chính săn mồi và không có quy định kiểm soát. Một nhà tuyển dụng và công ty thuê địa ốc thương mại quan trọng đã không còn.”
“Mặc dù người tiêu dùng đã đón nhận dịch vụ ngân hàng di động và qua internet ở mức độ này hay mức độ khác, nhưng họ đã nói rõ rằng các chi nhánh cũng quan trọng đối với họ và nếu không có các chi nhánh gần đó, thì người tiêu dùng có thể là sẽ không có dịch vụ ngân hàng hoặc chỉ được cung cấp dịch vụ ngân hàng ở mức rất ít.”
Một cuộc khảo sát gần đây của Daily Mail cho thấy 51% người Mỹ “rất lo ngại” hoặc “hơi lo ngại” về việc các chi nhánh ngân hàng đóng cửa.
PNC Bank đóng cửa nhiều chi nhánh
PNC Bank đã ghi danh số lượng chi nhánh đóng cửa lớn nhất trong bối cảnh ngân hàng này tập trung nhiều hơn vào các biện pháp tiết kiệm chi phí. Trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý 2, Tổng Giám đốc William S. Demchak cho biết ngân hàng này “sẽ xem xét rất kỹ lưỡng” những phương diện có thể “tạo ra các khoản tiết kiệm [chi phí]… mà không cắt giảm tiềm lực tăng trưởng.”
Vào thời điểm đó, Giám đốc Tài chính Robert Q. Reilly tiết lộ rằng tổ chức này đang thúc đẩy mục tiêu của chương trình cắt giảm chi phí từ 50 triệu đến 450 triệu USD. Trong năm tới, PNC Bank đang đặt mục tiêu cắt giảm 725 triệu USDchi phí.
Trong tháng Sáu, PNC đã đóng cửa 47 chi nhánh, tiếp theo là 29 chi nhánh trong tháng Tám. Một phát ngôn viên nói với tờ The U.S. Sun vào thời điểm đó rằng ngân hàng này có ý định đóng cửa 147 địa điểm do tập trung nhiều hơn vào dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Những lượt đóng cửa này dự kiến sẽ khiến 60% hoạt động kinh doanh ngân hàng của PNC trở thành trực tuyến.
Ngân hàng cũng dự báo rằng thu nhập lãi ròng của họ – chênh lệch giữa lãi suất nhận được từ các khoản vay và lãi suất trả cho tiền gửi – sẽ giảm từ 1 đến 2% so với mức hiện tại trong quý 4. Trong quý 3, thu nhập lãi ròng đã giảm 3%.
Ông Timothy Coffey, nhà phân tích tại Janney Montgomery Scott, nói với Reuters: “Họ (PNC Bank) nhận ra rằng chắc chắn có trở ngại đối với sự tăng trưởng và thu nhập lãi ròng của họ, chủ yếu là do lãi suất tiền gửi cao hơn và chi phí vốn cao hơn.”
“Và vì vậy, họ đang cố gắng giảm bớt một chút trở ngại bằng cách làm những gì có thể để cắt giảm các chi phí ngoài lãi nợ của chính mình như một cách để duy trì thu nhập của họ.”