7 món ăn bổ dưỡng và ngon mắt từ cà tím
TẠ THI ÂN
Cà tím được trồng ở khắp nơi trên thế giới. Hình dạng của trái cà tại mỗi nơi cũng rất khác nhau, từ dài đến tròn, hương vị cũng không giống nhau, thế nhưng đều có thể nấu thành các món ăn mỹ vị và đẹp mắt.
Cà tím nói chung có vị thanh đạm, có thể kết hợp với các nguyên liệu khác và nấu thành những món ăn có hương vị đặc trưng khác nhau. Ví dụ như các món ăn Địa Trung Hải hoặc món cà ri Ấn Độ.
Các loại cà tím
Cà tím có rất nhiều loại, được chia thành ba loại về mặt thực vật học: cà tím tròn, cà tím dài, và cà tím lùn. (Ảnh: Shutterstock)
Dưới đây là 9 loại cà tím phổ biến:
- Cà tím Trung Quốc (Chinese Eggplant): Tương đối dài mảnh, kết cấu mềm, ít hạt và nấu chín khá nhanh.
- Cà tím Nhật Bản (Japanese Eggplant): Ngắn hơn một chút so với cà tím Trung Quốc với màu tím đậm hơn.
- Cà tím Ý: Có bề ngoài tương tự như cà tím Trung Quốc / Nhật Bản, nhưng ngắn và to hơn. Thích hợp cho món Caponata.
- Cà tím Graffiti (Graffiti Eggplant): Có các sọc màu tím và trắng với vị khá ngọt. Các sọc này sẽ biến mất khi nấu nướng, phù hợp với các món ăn nào từ cà tím.
- Cà tím cổ tích (Fairytale Eggplant): Có các sọc màu tím và trắng, to bằng lòng bàn tay. Hoàn hảo cho bất kỳ món cà tím nào, đặc biệt là món nướng.
- Cà tím trắng: Đúng như tên gọi, vỏ của nó có màu trắng. Phần vỏ khá dày, tốt nhất bạn nên gọt vỏ trước khi nấu, còn lại cũng giống như cách nấu cà tím thông thường.
- Cà tím Ấn Độ (cà tím baby, cà tím mini): Hình dáng rất nhỏ, vỏ màu đỏ tím, thường được sử dụng trong các món cà ri Ấn Độ. Cũng tuyệt vời khi nướng hoặc làm nhân bánh.
- Cà tím xanh (Little Green Eggplant): hình dạng đầy đặn và tròn trịa, có một chút màu xanh lá cây nhạt. Vị ngọt hơn và ít đắng hơn, phù hợp với bất kỳ món ăn nào từ cà tím.
- Cà tím Thái: Nhỏ, tròn, màu trắng xanh, khá giòn. Không dễ mua. Thường được sử dụng trong các món cà ri Thái Lan.
Một số món ăn từ cà tím
Cà tím được trồng ở các nơi khác nhau thì cũng sẽ có thể chế biến thành các món ăn với hương vị đặc trưng khác nhau. Ví dụ, cà tím Nhật Bản có vỏ mỏng, khi hấp với miso sẽ rất ngon; món cà ri xanh của Thái thêm cà tím Thái giòn thì sẽ rất vừa miệng…
1. Món cà tím Nhật Bản
Vỏ của cà tím Nhật Bản mỏng và mềm, có thể hấp thụ nước sốt một cách dễ dàng, hương vị sẽ thấm rất nhanh. Thêm miso, nước tương và gừng sẽ mang lại vị ngọt thanh đạm. Bạn có thể thử món cà tím hấp với miso, hoặc cà tím nướng với miso và rắc hạt mè.
2. Món cà tím kiểu Trung Quốc
Điểm khác biệt lớn nhất của cà tím Trung Quốc so với các loại cà tím khác là hầu như không có hạt, do đó cà có vị ngọt thanh và ít đắng hơn, thường được dùng để nướng và chiên. Chẳng hạn như món cà tím xào với đậu hũ chiên:
Chiên đậu hũ cho đến khi hơi vàng và để ra đĩa;
Sau đó lấy chảo dầu khác, cho tỏi, cà tím và ớt ngọt vào xào khoảng 8–10 phút cho chín mềm;
Tiếp đó cho đường, xì dầu và dầu hào vào nấu khoảng 2 phút, cho đậu hũ vào đun cho đến khi ngấm vị, cuối cùng cho húng quế vào.
3. Món cà tím kiểu Pháp
Để làm món Ratatouille (rau củ hầm kiểu Pháp), đầu tiên nêm muối và tiêu cho cà tím và bí ngòi, xào riêng ở lửa vừa trong khoảng 2 phút;
Sau đó lại lấy chảo dầu, dùng muối và tiêu để nêm nếm, cho hành tây vào xào trên lửa vừa trong khoảng 6–8 phút cho đến khi hành hơi vàng và mềm;
Tiếp đó cho tỏi, húng tây (thyme) và lá thơm (bay leaf) vào xào cho thơm;
Cuối cùng cho cà chua, ớt ngọt, cà tím và bí vào đun ở lửa nhỏ trong khoảng 20 phút đến 1 tiếng rưỡi.
4. Món cà tím kiểu Ý
Để làm món cà tím áp chảo đặc trưng của Ý, trước tiên cần chiên cà tím trên lửa vừa đến lửa lớn trong khoảng 10 phút cho đến khi mềm;
Sau đó thêm cà chua, húng basil, tỏi, muối và tiêu, nấu trong 2 phút;
Cuối cùng rắc phô mai lên.
Món hầm truyền thống Caponata của người Sicily là một món khai vị chua ngọt, trong đó cà tím được muối trước khi chiên, lọc bỏ dầu và để nguội. Sau đó xào hành tây và bí ngòi cho đến khi mềm;
Tiếp đó cho cà chua xay nhuyễn, ô liu xanh, nụ bạch hoa (capers), hạt tiêu và muối vào nấu khoảng 30 phút;
Cuối cùng cho cà tím vào nấu khoảng 30 phút.
Món hầm này có thể dùng như một món ăn kèm hoặc dùng để ăn lạnh với bánh mì hoặc bánh bích quy giòn.
5. Món cà tím Ấn Độ
Đầu tiên xào thì là, hạt mù tạt và rau mùi trong chảo dầu ở lửa lớn cho đến khi có mùi thơm.
Sau đó cho hành tây vào và xào cho đến khi chín vàng, rồi lại cho cà tím Ấn Độ (cũng có thể dùng cà tím Nhật Bản, sẽ mềm hơn) vào tiếp tục xào cho đến khi hơi cháy vàng;
Cuối cùng thêm đậu chickpeas, cà chua, muối và bột garam masala, đun ở lửa vừa–nhỏ trong khoảng 5 phút cho đến khi cà tím mềm.
6. Món cà tím kiểu Hàn Quốc
Xào hành trong khoảng 5 phút, sau đó đổ cà tím đã cắt khúc dài và nước sốt đã chuẩn bị vào, nấu cho đến khi cà tím thấm hoàn toàn nước sốt;
Cuối cùng rắc mè trắng, ngò băm, và hành lá cắt nhỏ lên trên.
Nước sốt gồm nước, xì dầu, đường nâu, tỏi băm, gừng băm, dầu mè, bột bắp và ớt khô.
7. Món cà tím Thái
Cho cà ri xanh vào xào từ từ, đổ nước cốt dừa và sữa vào nấu khoảng 5 phút;
Sau đó cho ức gà đã sơ chế, cà tím thái chỉ, nấm, bắp non (baby corn), ớt bào sợi vào.
Nêm nước mắm, đường dừa vào nấu cho đến khi chín. Cuối cùng cho thêm húng quế trước khi dùng.