70 năm chiếm đóng, Tây Tạng gần như đã bị quên lãng
Hôm 30/09/2021, Chính phủ Trung ương Tây Tạng (CTA), chính phủ lưu vong của Tây Tạng, đã ban hành một tài liệu với nhan đề “Tây Tạng: 70 năm bị Chiếm đóng và Áp bức”. Tài liệu này trình bày chi tiết câu chuyện lôi cuốn nhưng đầy đau thương của Tây Tạng từ ngàn xưa đến nay, nhưng tập trung vào sự chiếm đóng và áp bức tàn bạo của Trung Cộng.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã chiếm đóng Tây Tạng từ năm 1949 đến năm 1951, mặc dầu đây là một quốc gia độc lập và hội đủ mọi yếu tố của một đất nước. Khu vực này có một vùng lãnh thổ, dân cư, và một chính phủ.
Điểm qua lịch sử của Tây Tạng cho thấy về mặt lịch sử, vùng đất này chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc. Dĩ nhiên, trong chiều dài lịch sử của mình, những nhà cai trị Tây Tạng đã phát triển nhiều mối liên hệ mật thiết với các nhà cai trị kế vị của Trung Quốc (và của các quốc gia Á Châu khác).
Nhưng, không may là, Trung Cộng đã diễn giải sai lệch những mối liên hệ này như là “việc đặt nền móng vững chắc cho việc tối hậu là thành lập một quốc gia thống nhất.”
Đây là loại lập luận biện minh cho sự xâm lược và chiếm đóng của bất kỳ quốc gia nào.
Một tài liệu được Cục Thông tin và Bang giao quốc tế của Chính phủ Trung ương Tây Tạng ban hành cũng đề cập đến Thỏa hiệp ràng buộc được ký kết vào năm 1906 giữa triều đình Mãn Châu của Trung Quốc và Anh Quốc.
Hai chính phủ này đã ký kết thỏa thuận này “mà không có sự tham gia hay hiểu biết của giới chức Tây Tạng”, và thỏa thuận này công nhận sự tồn tại của “vùng đất chịu ảnh hưởng Anh Quốc tại Tây Tạng và đưa ra một khái niệm về quyền lực độc tôn của Mãn Châu đối với Tây Tạng.”
Hơn nữa, ‘Hiệp định 17-Điều’ ít người biết, được ký kết năm 1951 giữa các đại diện của Tây Tạng và nhà nước cộng sản [Trung Cộng], trên bề mặt được trình bày như một thỏa thuận chung nhưng thực chất lại là tối hậu thư do Trung Quốc vẽ ra.
Trong khi đó, tài liệu của Chính phủ Trung ương Tây Tạng này lại rất quan trọng vì một vài lý do.
Đầu tiên, tài liệu này ghi chép tỉ mỉ các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Cộng ở Tây Tạng. Thứ hai, tài liệu tiết lộ sự khinh thường không thể tưởng tượng nổi của Trung Cộng trong việc áp dụng các các quy tắc được chấp thuận trong luật quốc tế – liên quan đến chủ quyền của các quốc gia thành viên, cũng như sự bảo vệ các quyền căn bản. Thứ ba, tài liệu cho thấy mưu đồ của Trung Cộng đối với Đài Loan, quốc gia mà họ luôn tìm cách thâu tóm.
Liên quan đến nhân quyền, tài liệu do Chính phủ Trung ương Tây Tạng công bố ghi chép lại các chiến lược giám sát Orwellian của Trung Cộng ở Tây Tạng; ngôn ngữ riêng của Tây Tạng bị gạt bỏ; phá vỡ truyền thống tín ngưỡng, kể cả niềm tin về luân hồi và chuyển thế trong Phật Giáo; nguồn cung cấp thực phẩm có tạp chất và sự tồn tại của một hệ thống y tế đáng lo ngại; thông lệ tra tấn; cũng như tàn phá và làm suy thoái môi trường trên quy mô lớn.
Bên cạnh đó, đã có nhiều báo cáo về các vụ tự thiêu, đặc biệt là từ khi cuộc nổi dậy vào năm 2008 thất bại, do các tăng nhân đứng lên kêu gọi tự do cho Tây Tạng và yêu cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma được hồi hương. Cuộc biểu tình tự thiêu, được một người Tây Tạng 26 tuổi tên Shurmo đưa tin gần đây, đã diễn ra vào ngày 17/09/2015. Chính phủ Trung ương Tây Tạng ước tính đã có khoảng 155 vụ tự thiêu được biết đến.
Hiện tại, Tây Tạng không có quyền tự do đi lại. Trong bối cảnh này, tài liệu trên tuyên bố rằng việc di chuyển đang “bị vi phạm một cách có hệ thống bằng việc áp đặt các hạn chế rõ ràng, kể cả các lệnh cấm đi du lịch ở hải ngoại, tịch thu giấy thông hành, cũng như đe dọa người dân Tây Tạng tại Tây Tạng đòi tự do đi lại.”
Tổ chức bất vụ lợi Freedom House xếp hạng Tây Tạng là khu vực có ít quyền tự do nhất thế giới. Tất nhiên, điều này phản ánh sự ngược đãi tồi tệ đối với người dân Tây Tạng bên trong Tây Tạng.
Đây là một khu vực hoàn toàn bị cấm đối với các ký giả và những người ở bên ngoài, và vì vậy, nơi đây là một pháo đài bất khả xâm phạm.
Hiến pháp Trung Quốc, với một danh sách ấn tượng về các quyền căn bản, là vô nghĩa vì Trung Cộng quyết định mọi thứ.
Điều này thể hiện rất rõ ràng khi xem qua Điều 4 trong hiến pháp của quốc gia này, tuyên bố rằng Trung Quốc bảo vệ “các lợi ích của các dân tộc thiểu số đồng thời duy trì và phát triển mối liên hệ bình đẳng, đoàn kết, và tương trợ giữa tất cả các công dân mang quốc tịch Trung Quốc”, và cấm áp bức đối với người mang bất kỳ quốc tịch nào.
Điều này cũng quy định rằng, “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự do sử dụng và phát triển ngôn ngữ nói và viết của riêng mình, cũng như bảo tồn hoặc cách tân các phong tục và tập quán dân gian của riêng mình.”
Việc Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng cũng vi phạm Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó diễn đạt rõ ràng việc yêu cầu các quốc gia thành viên “trong mối bang giao quốc tế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào.”
Tương tự, Điều 1 (1) của Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội, và Văn hóa khẳng định rằng, “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Nhờ quyền này, họ được tự do xác định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của quốc gia mình.”
Một khía cạnh bổ ích của tài liệu này là việc giải thích các lợi ích của Trung Cộng trong việc chiếm đóng Tây Tạng. Các tác giả cho rằng các nguyên nhân là do chiến lược và địa chính trị hơn là văn hóa.
Trung Cộng luôn xem Tây Tạng là cửa hậu để vào Trung Quốc. Do đó, cuộc xâm chiếm không chỉ bảo vệ Trung Quốc mà còn cho phép nước này tiếp cận toàn bộ Á Châu. Ngoài ra, Tây Tạng rất giàu khoáng sản; đây có thể là lý do khiến Trung Quốc quan tâm đến khu vực này.
Tài liệu kết luận rằng hành vi chiếm đóng này “về bản chất hoàn toàn mang tính chiến lược và được thúc đẩy bởi tham vọng bành trướng của Trung Cộng.”
Đó là một lời nhắc nhở về những gì có thể xảy ra với một dân tộc khi cộng đồng quốc tế cho phép hoặc thậm chí dung túng cho hành vi thô bạo của một quốc gia hiếu chiến.
Sau 70 năm, rất ít người ở phương Tây nhớ về lịch sử của Tây Tạng, và bằng sự vô tri của họ, nhìn chung đã góp phần gây ra chứng mất trí nhớ trong cộng đồng.
Khi ký ức cộng đồng trở nên mờ nhạt dần sau một thời gian dài như vậy, việc nhắc nhở mọi người về sự xâm lược này trở nên rất cần thiết. Đây cũng là dấu hiệu báo trước về những gì Trung Cộng có thể đang suy tính với Đài Loan.
Trường hợp của Tây Tạng là một bài học để cộng đồng quốc tế chuẩn bị đúng cách nhằm bảo vệ một Đài Loan dân chủ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa luật tại Đại học Murdoch.