Có nên đặt giới hạn cho ‘Tự do ngôn luận’?
Câu hỏi “Có nên đặt giới hạn cho tự do ngôn luận?” không phải vấn đề gây tranh cãi. Lý do là hầu hết những người nhận thức được tầm quan trọng của tự do ngôn luận trong xã hội, đều nhận thức được sự nguy hại mà tự do ngôn luận không giới hạn có thể gây ra cho những nạn nhân vô tội.
Sau cả đời giảng dạy, nghiên cứu, đọc và viết, phản ứng theo bản năng của tôi đối với câu hỏi đó là: nói một cách lý tưởng thì tự do ngôn luận nên được tự do.
Quan điểm này dựa trên ý tưởng rằng một xã hội hạn chế tự do ngôn luận thì mặc nhiên thừa nhận những điểm yếu của mình và sợ thảo luận hoặc dung túng những ý tưởng gây tranh cãi và thách thức – những thứ có thể ảnh hưởng đến sự hài hòa của xã hội.
Mặc dù mọi người có thể thừa nhận tầm quan trọng của “tự do ngôn luận” trong một nền dân chủ, nhưng chính nhờ các phương tiện dân chủ mà Nghị viện hạn chế quyền tự do ngôn luận và không bãi bỏ các luật hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Một ví dụ điển hình ở Úc là chính phủ Liên minh không đủ năng lực bãi bỏ mục 18C (1) của Đạo luật Phân biệt chủng tộc 1975 – điều làm cho “một người thực hiện một hành vi bị xem là bất hợp pháp, ngoại trừ hành động khi ở một mình, nếu: (a) Trong mọi trường hợp, hành động theo một cách hợp lý có vẻ như xúc phạm, lăng mạ, làm nhục hoặc đe dọa người khác hoặc một nhóm người; và (b) hành động được thực hiện vì chủng tộc, màu da hoặc gốc gác của quốc gia hoặc dân tộc của người kia, hoặc của một số trong đó hoặc tất cả những người trong nhóm.”
Phần gây tranh cãi này – vốn là chủ đề của các cuộc phê bình học thuật lớn – dựa vào cảm xúc chủ quan của những người cảm thấy mình là nạn nhân của ngôn luận từ người khác mà đạt đủ điều kiện của phần đầu tiên của điều luật này.
Phần thứ hai của điều luật này kích hoạt các cuộc điều tra do cơ quan quản trị nhân quyền Úc tiến hành để xác định chủ ý của người bị cáo buộc. Và chắc chắn rằng mục 18C hạn chế thảo luận ở Úc về các vấn đề nhạy cảm nhưng quan trọng.
Thật là mỉa mai khi cơ quan quản trị nhân quyền đã sử dụng điều luật này để bịt miệng mọi người và làm nhục họ, vì đó chính điều mà điều luật này lẽ ra phải bảo vệ.
Tự do ngôn luận cho phép thảo luận công khai về sự thất vọng của mọi người, thay vì để nó “mưng mủ” và lây lan, hay sôi âm ỉ như trong lòng một ngọn núi lửa, và bùng nổ sau đó với những hậu quả tàn khốc.
Tuy nhiên, quan điểm quê mùa về tự do ngôn luận này – lý tưởng thì ngôn luận nên được tự do – bị thách thức khi các nhà bình luận tấn công vào tính cách và danh tiếng của những người viết chuyên mục thay vì đánh giá và thẩm định nội dung của bài viết.
Khi làm như vậy, họ sử dụng phương pháp công kích cá nhân, tìm cách chế nhạo những người viết chuyên mục, những người đã viết ra các ý kiến một cách thiện chí, từ đó tìm cách hạn thấp nhân phẩm của họ.
Cả những người thiên tả và hữu khuynh đều đắc tội vì cách làm thấp hèn này. Những người viết chuyên mục có thể bị tấn công cá nhân nếu lập luận của họ không bắt chước một cách tôn kính quan điểm của những người bình luận.
Vì vậy có việc xảy ra là, thỉnh thoảng, những người đọc các mẩu ý kiến của tôi đã đưa ra nhận xét, những điều mà tôi không nên nhắc lại ở đây vì chúng thấp hèn và thiếu văn minh. Nhưng chắc chắn rằng, chúng khó có thể được mô tả như là biểu hiện của sự thân ái!
Điều quan trọng là nên phân tích các lập luận được đưa ra trong các bài viết thay cho việc tìm cách lăng mạ người đưa ra chúng.
Một người không nên xem xét tính hợp lý của các lập luận bằng cách bôi nhọ nhân cách của người nêu ra các lập luận đó, hoặc bằng cách đưa ra các giả định dễ bị bác bỏ.
Là một học giả, tôi đã giảng dạy về tranh luận và biện hộ ở nhiều trường đại học khác nhau. Tôi đã nói với các sinh viên học biện hộ của mình rằng cần luôn xem xét các lập luận của các học giả và thường dân, và không bao giờ công kích cá nhân.
Tôi nhấn mạnh rằng các lập luận theo cách tấn công cá nhân phản tác dụng ở chỗ chúng không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Ngoài ra, tôi cũng kêu gọi các sinh viên của mình đánh giá và kiểm chứng những lập luận mạnh mẽ nhất của đối thủ, vì chỉ trong trường hợp đó, bản thân mình mới được xem là mạnh mẽ.
Thật vậy, việc phê bình những lập luận yếu là không hiệu quả vì những lời chỉ trích như vậy sẽ không chứng minh được sức mạnh của nhà phê bình.
Tuy nhiên, đây là những gì môi trường văn hóa xóa sổ của chúng ta đã dẫn đến. Còn buồn hơn khi biết rằng điều đó xảy ra ngay tại các tòa báo trung tâm lớn nhất, nơi bạn mong đợi mọi người quan tâm đến các cuộc thảo luận khách quan và công bằng về các vấn đề.
Ví dụ: một trong những bài bình luận của tôi được công bố trên trang web này, tôi lập luận rằng việc kiểm tra y tế bắt buộc đối với 13 người phụ nữ Úc trong độ tuổi thành niên tại Sân bay Quốc tế Hamad của Qatar vào năm 2020 là một ví dụ về lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng.
Tôi cũng cho rằng cần phải xem xét bối cảnh mà sự lạm dụng diễn ra để tạo cơ sở cho việc hòa giải và giải quyết tranh chấp được các bên chấp nhận.
Thật vậy, nếu người ta khăng khăng một cách giáo điều rằng, về nguyên tắc, sự lạm dụng là sai (thực sự đã xảy ra); tuy nhiên, nếu không xét theo động cơ của phía bên kia, thì không thể tìm ra giải pháp nào.
Thương lượng dựa trên quan điểm không bao giờ có hiệu quả, vì các bên sẽ đơn giản đứng trên quan điểm của họ và không hề nhượng bộ, trong khi một giải pháp nhanh chóng và có thể chấp nhận được luôn phải suy xét lợi ích của tất cả các bên – bao gồm cả lợi ích của bên đã lạm dụng.
Do đó, việc sử dụng ngôn ngữ thấp hèn để nhận xét về một bài bình luận là vô nghĩa, bởi vì một nhận xét như vậy chỉ nhằm làm tổn hại nhân cách của nhà bình luận mà không đánh giá được các lập luận họ trình bày.
Điều này dẫn tôi đến câu hỏi đã được nêu: “Có nên đặt giới hạn cho tự do ngôn luận không?” Tốt nhất là ngôn luận nên được tự do. Tuy nhiên, khi chúng ta sống trong một xã hội, quyền tự do của một người không thể bãi bỏ quyền tự do của người khác.
Trong bối cảnh này, trong bài luận nổi tiếng Về tự do (On Liberty), ông John Stuart Mill nhắc nhở chúng ta rằng chỉ nên hạn chế quyền ngôn luận nếu điều đó cần thiết để ngăn ngừa tổn hại cho người khác: “Mục đích duy nhất mà quyền lực có thể được thực thi một cách chính đáng đối với bất kỳ thành viên nào của một cộng đồng văn minh, trái ngược với ý muốn của người đó, là để ngăn ngừa tổn hại cho người khác. ”
Trong bối cảnh này, trong vụ kiện ‘Chaplinsky v New Hampshire’, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã quyết định rằng Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ – vốn quy định về quyền tự do ngôn luận của Hiến pháp – không bảo vệ các ngôn từ “chiến đấu”. Đây là những ngôn từ “bằng cách phát âm chúng, gây thương tích, hoặc có xu hướng kích động ngay lập tức làm mất hòa bình.” Điều luật này cũng không bảo vệ các nội dung tục tĩu, khiêu dâm nhắm vào trẻ vị thành niên.
Việc duy trì một xã hội văn minh đòi hỏi quyền tự do ngôn luận nhiều nhất và ít hạn chế nhất là cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của xã hội và người dân.
Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và hiệu trưởng tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng Úc trao tặng Huân chương Thế kỷ cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Time.