Âm nhạc cổ điển – phương thuốc không chỉ cho tâm hồn
“Mozart khiến bạn tin vào Chúa, bởi vì không phải ngẫu nhiên mà một nhân vật xuất chúng như vậy đến thế giới này và để lại vô số kiệt tác vô song như vậy.” — Georg Solti
Nhớ lại lần đầu tiên nghe được âm nhạc đó là vào mùa hè năm học lớp hai, khi tôi đến thăm một gia đình ở Morgantown, Tây Virginia. Lúc đó dì Veronica đang ngồi chơi đàn piano. Những giai điệu vang lên khiến tôi choáng ngợp! Tôi đã lớn lên trong âm nhạc, nhưng chưa từng thấy những điều này. Khi những ngón tay của dì tôi lướt nhanh trên bàn phím, âm nhạc của Mozart và Tchaikovsky tràn ngập không gian nhẹ nhàng và uyển chuyển khó diễn tả thành lời.
Tôi đã bị cuốn hút ngay từ giây phút đầu tiên.
Khi trở về nhà, tôi nói với mẹ rằng tôi phải học piano. Đó là điều tôi cảm thấy cần phải làm, mặc dù chúng tôi thậm chí còn chưa có một cây đàn piano vào thời điểm đó. Tất nhiên, tôi không muốn chơi bất kỳ bản nhạc nào ngoài nhạc cổ điển, điều này khiến giáo viên dạy piano của tôi, bà Rinehart, đã xúc động vì tất cả các học sinh khác đều muốn chơi nhạc pop. Nhưng nhạc pop và rock mà tôi đã quen thuộc không thể nào sánh được, không thể tạo ra cảm giác tuyệt vời và uy nghiêm giống như âm nhạc cổ điển.
Hành trình của tôi vào thế giới âm nhạc cổ điển bắt đầu như vậy.
Lay động tâm hồn
Điều gì đã khiến âm nhạc cổ điển cộng hưởng rất nhiều với chúng ta, thúc đẩy chúng ta theo cách mà không một loại nhạc nào khác có thể làm được?
Clemency Burton-Hill, tác giả cuốn Năm của Điều Kỳ Diệu: Âm Nhạc Cổ Điển để Thưởng Thức Mỗi Ngày, chia sẻ, “Tôi tin rằng những tác phẩm âm nhạc vĩ đại nhất là động lực của sự thấu cảm: Chúng cho phép chúng ta phiêu du mà không cần phải sống một cuộc đời khác, lứa tuổi khác, tâm hồn khác.” Cô ấy nói rằng âm nhạc cổ điển đã đem lại lợi ích cho cuộc sống của cô theo rất nhiều cách.
Vardinistar nói trên trang web My Story rằng, “Âm nhạc cổ điển chạm đến trái tim và tâm hồn con người, giúp họ trở nên tốt hơn, đem lại nhiều ý tưởng và sự bình yên. Tại sao các nhà thờ lại ưa chuộng nhạc cổ điển đến vậy? Bởi vì loại âm nhạc đó giúp ta tìm ra mối liên hệ với Chúa. Không phải vô cớ mà người ta nói rằng âm nhạc cổ điển mang thần tính.”
Quan điểm của người xưa về âm nhạc
Các nền văn hóa cổ đại đã nhận thức rất rõ ràng về khả năng chữa bệnh của âm nhạc.
Nhà soạn nhạc Gao Yuan của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun, giải thích tầm quan trọng của âm nhạc ở Trung Quốc cổ xưa.
“Tổ tiên của chúng tôi tin rằng âm nhạc có khả năng điều hòa tâm hồn của một người theo những cách mà y học không thể làm được. Tại Trung Quốc cổ xưa, một trong những mục đích đầu tiên của âm nhạc là để chữa bệnh. Chữ Trung Hoa về y học thực sự bắt nguồn từ ký tự cho âm nhạc.”
Điều thú vị là ký tự này cũng có liên quan đến từ hạnh phúc. Trên trang web Uplifters, Dimitrios Dermentzioglou giải thích mối quan hệ giữa hai điều này.
“Thuốc thường có đặc điểm là đắng, nhưng bệnh nhân chỉ có thể lấy lại sức khỏe và hạnh phúc sau khi chịu đựng vị đắng của nó.”
Ông lưu ý rằng vị Hoàng Đế vĩ đại, được mệnh danh là tổ tiên của người Trung Quốc, đã mở mang hiểu biết sâu sắc về sức mạnh của âm nhạc sau khi được truyền cảm hứng từ một vị thần tiên trong mơ – dùng trống để đánh bại kẻ thù trong trận chiến.
Nhà soạn nhạc Gao nói rằng chính trong thời kỳ cai trị của Hoàng Đế, “người ta đã khám phá ra mối liên hệ giữa thang âm ngũ cung, ngũ hành, với năm cơ quan nội tạng, và năm giác quan của cơ thể con người.”
Ông lưu ý rằng âm nhạc cũng được sử dụng để tác động đến hành vi của một người.
“Trong thời Khổng Tử, các học giả đã sử dụng đặc tính êm dịu của âm nhạc để cải thiện và rèn giũa tính cách và hành vi của con người.”
Người ta cũng đã biết rằng âm nhạc được truyền cảm hứng từ thần vào thời Hy Lạp cổ đại. Từ “âm nhạc” xuất phát từ Muses, những nữ thần bảo hộ cho sáng tạo nghệ thuật. Âm nhạc và sự chữa lành cũng gắn liền với nhau. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng thần Apollo phụ trách cả âm nhạc và chữa bệnh, thể hiện niềm tin của họ rằng hai điều này có quan hệ mật thiết với nhau.
Hektoen International, tạp chí nhân văn thuộc Viện Y học Hektoen ở Chicago, ghi lại rằng “Odyssey kể về vết thương bị heo rừng cắn của Odysseus, chỉ ngưng chảy máu khi nghe một câu thần chú âm nhạc, và nhà thơ Pratinas vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã ghi lại việc bệnh dịch ở Sparta được dập tắt bởi âm nhạc của soạn giả Thaletas.”
Người Hy Lạp tin rằng âm nhạc phải cộng hưởng với cơ thể và tâm hồn thì mới có lợi, và xem âm nhạc là cách kết nối tâm hồn của con người với vũ trụ.
Y học hiện đại đang khám phá lại nhiều lợi ích sức khỏe của âm nhạc, và đặc biệt là của âm nhạc cổ điển.
Y học hiện đại và âm nhạc
Ngày nay, một số cơ sở y tế nổi tiếng kết hợp âm nhạc vào kế hoạch điều trị của họ.
Ví dụ, Trung tâm Âm nhạc và Y học Johns Hopkins đã thành lập một nhóm hợp xướng có tên ParkiSonics do những người bị bệnh Parkinson tham gia. Họ đã chứng minh được sự cải thiện trong cả vận động và phát âm – hai điều vốn thường bị suy giảm trong bệnh Parkinson.
Trên trang web của trung tâm, Sarah Hoover, đồng giám đốc, cho biết: “Thật thú vị và chấn động khi thấy rằng âm nhạc, thứ đã vang vọng xung quanh chúng ta bao lâu nay, xuất hiện tự nhiên trong mọi hoạt động của con người, lại được chứng minh là có tác dụng trong điều trị.”
Weill Cornell Medicine, trường y khoa của Đại học Cornell, đã phát triển một chương trình âm nhạc và y học và thậm chí thành lập dàn nhạc riêng. Trường này cũng đã hợp tác với Juilliard để tổ chức các buổi hòa nhạc nhỏ cho bệnh nhân và gia đình của họ, nhân viên bệnh viện, và cộng đồng NYC xung quanh. Họ dự kiến cung cấp một khóa học dài một học kỳ cho sinh viên y khoa về âm nhạc và y học trong tương lai.
Tiến sĩ, bác sĩ Claudius Conrad của Trung tâm Ung thư MD Anderson, là một nghệ sĩ dương cầm và bác sĩ phẫu thuật, tin vào khả năng chữa bệnh của âm nhạc. Ông viết trên trang web của trung tâm, “Vào thời Trung cổ, các bài thuốc dân gian có bao gồm sự kết hợp âm nhạc đặc hiệu. Ví dụ mà ông đưa ra liên quan đến việc xen kẽ giữa chơi sáo và đàn hạc để làm thuyên giảm bệnh gout.”
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở ICU, Conrad đã tiến hành một nghiên cứu trên các bệnh nhân của mình và tìm ra một phương pháp giảm căng thẳng mới thông qua việc thư giãn bằng âm nhạc. Ông phát hiện ra rằng một số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực có thể tránh được việc sử dụng thuốc an thần khi nghe nhạc cổ điển.
Các tác dụng chữa bệnh của âm nhạc cổ điển vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu để có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc hơn.
Giảm huyết áp và nhịp tim
Có một số nghiên cứu cho thấy rằng nhạc cổ điển có thể làm giảm cả huyết áp và nhịp tim.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Sức khỏe Tâm lý Anh đã so sánh tác động của nhạc cổ điển, nhạc pop, và nhạc jazz. Nghiên cứu cho thấy “những người tham gia nghe nhạc cổ điển có mức huyết áp tâm thu sau khi làm việc thấp hơn đáng kể so với những người tham gia không nghe nhạc. Các loại âm nhạc khác không tạo ra sự phục hồi đáng kể nào so với việc không nghe nhạc.”
Nghiên cứu năm 2015 của giáo sư Peter Sleight tại Đại học Oxford cho thấy rằng nghe những bản nhạc chậm hơn của Verdi, bản giao hưởng số 9 của Beethoven, cũng như Puccini, làm giảm huyết áp đáng kể, góp phần khẳng định những kết quả khác.
Trong một nghiên cứu khác, Hans-Joachim Trappe và Gabriele Voit đã chứng minh rằng âm nhạc của Mozart và Strauss không chỉ làm giảm rõ rệt nhịp tim mà còn làm giảm huyết áp tâm thu tới gần 5 đơn vị, tốt hơn cả một số loại thuốc. Khi thực hiện so sánh, âm nhạc của ABBA không cho thấy bất kỳ sự cải thiện nào. Bản giao hưởng số 40 của Mozart cung Sol thứ đạt hiệu quả cao nhất.
Một nghiên cứu của Itao, Komazawa và Kobayashi trên tạp chí Scientific Research Publishing cho thấy âm nhạc cổ điển cải thiện sự thay đổi nhịp tim, giảm hoạt động của hệ thần kinh tự chủ, và do đó, giảm mức độ căng thẳng. Nhạc cổ điển cũng làm tăng lưu lượng máu, cũng như nhiệt độ bề mặt cơ thể – cả hai đều là biểu hiện của trạng thái thư giãn.
Cải thiện tâm trạng, trí nhớ, và hơn thế nữa
Vậy âm nhạc cổ điển còn có thể làm gì khác cho sức khỏe của bạn?
Theo một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí The Arts in Psychotherapy, các nghiên cứu cho thấy rằng âm nhạc cổ điển không chỉ có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng, mà nghe 50 phút mỗi ngày thậm chí còn được chứng minh hiệu quả hơn cả liệu pháp tâm lý trong việc điều trị chứng trầm cảm mức độ thấp đến trung bình.
Nhạc cổ điển đã được chứng minh là giúp cải thiện sự tỉnh táo và tập trung, dẫn đến năng suất làm việc cao hơn. Trí nhớ cũng được tăng khi nghe nhạc cổ điển, một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy lợi ích trong việc cải thiện chứng sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, sự cải thiện về ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) đã được chứng minh, đặc biệt khi nghe các bản nhạc như “Water Music” của Handel hoặc “Brandenburg Concertos” của Bach. Nhạc cổ điển đưa não vào “trạng thái alpha” (sóng não chậm lại, từ 7–14 HZ, so với bình thường 14–30 HZ), do đó cải thiện khả năng tập trung và khả năng học hỏi. Thậm chí nhạc cổ điển còn được chứng minh là có khả năng điều chỉnh các gene chịu trách nhiệm về chức năng não bộ, theo nghiên cứu tại Đại học Helsinki.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng âm nhạc cổ điển cũng cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bệnh nhân cởi mở hơn (điều này hữu ích khi thảo luận về các sự kiện chấn thương tâm lý) và thậm chí làm giảm đau.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Quốc tế Khoa học về Bệnh hiểm nghèo & Thương tật cho thấy âm nhạc cổ điển giúp cho quá trình hồi phục của bệnh nhân ICU.
“Lợi ích cao nhất của âm nhạc đối với sức khỏe, và với bệnh nhân chăm sóc tích cực, được tìm thấy ở nhạc cổ điển và nhạc thiền định, trong khi nhạc kim loại nặng hoặc nhạc điện tử không có hiệu quả hoặc thậm chí đem lại nguy hiểm. Âm nhạc cổ điển có tác dụng và có thể được sử dụng như một biện pháp can thiệp hiệu quả cho những bệnh nhân bị rối loạn tim mạch, bị đau, và đang được chăm sóc tích cực,” nghiên cứu này viết.
Nhưng không phải loại nhạc nào cũng có tác dụng trị liệu. Các tác động tiêu cực của một số loại nhạc đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khác nhau. Một trong những nghiên cứu thú vị nhất được thực hiện bởi một học sinh trung học Virginia là David Merrell vào năm 1997. Thí nghiệm khoa học đoạt giải của anh ấy đã được đăng tải trên báo Virginian-Pilot, tờ nhật báo lớn nhất của tiểu bang.
“Một học sinh trung học đã giành được danh hiệu hàng đầu trong các hội chợ khoa học cấp khu vực và tiểu bang, đồng thời nhận được các giải thưởng từ Hải quân và CIA,” Pilot báo cáo.
Merrell đã xem xét tác động của âm nhạc lên chuột khi chúng di chuyển qua mê cung. Sau khi thiết lập mốc chuẩn 10 phút để tìm đường ra khỏi mê cung, cậu nhận thấy nhóm chuột không tiếp xúc với âm nhạc, có thể cắt giảm thời gian của chúng 5 phút. Thành tích đó đã bị đánh bại bởi những con chuột nghe nhạc cổ điển, với thời gian cắt giảm là 8 phút rưỡi.
Trong khi đó, những con chuột được tiếp xúc với nhạc rock nặng mất 20 phút để tìm được đường ra mê cung.
Merrell cho biết: “Tôi đã phải rút ngắn thử nghiệm của mình vì tất cả những con chuột nghe nhạc rock nặng đã giết chết lẫn nhau,” và “Không có con chuột nghe nhạc cổ điển nào làm điều đó cả.”
Merrell không phải là nhà nghiên cứu duy nhất nhận thấy rằng âm nhạc cổ điển cải thiện thời gian tìm đường trong mê cung của những con chuột. Trên thực tế, trong một nghiên cứu được công bố trên Neurological Research năm 2005, hiệu ứng này được mô tả là “hiệu ứng Mozart tổng quát.”
Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng, “Nhóm chuột nghe nhạc Mozart thể hiện những cải thiện đáng kể so với nhóm chuột đối chứng.”
Tuy nhiên, có vẻ như những người khác không thực hiện lại sự so sánh với nhạc rock nặng như Merrell đã làm.
Hãy để âm nhạc cổ điển thắp sáng cuộc sống của bạn
Với rất nhiều lợi ích cho trí óc, cơ thể, và tâm hồn, thật đáng tiếc khi chúng ta không tiếp xúc nhiều hơn với âm nhạc cổ điển. Con trai tôi cho biết một giáo viên đã nói với lũ trẻ rằng âm nhạc cổ điển thật “nhàm chán.”
Thật đáng tiếc! Tôi đoán là cô ấy chưa được tiếp xúc với nhạc cổ điển đủ mức để có thể đưa ra một sự đánh giá đúng đắn.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể nâng cao nhận thức về âm nhạc cổ điển?
Đầu tiên, hãy ghé thăm dàn nhạc giao hưởng địa phương của bạn, dù trực tiếp hay trực tuyến. Tôi đã đưa con trai mình đến với dàn giao hưởng Richmond từ khi cháu 5 tuổi, và cháu đặc biệt thích các tiết mục LolliPops, giới thiệu âm nhạc cổ điển cho trẻ em theo cách thú vị và có tính giải trí.
Có nhiều loại sách và phim về nhạc cổ điển và các nhà soạn nhạc. “Beethoven Lives Upstairs,” được LolliPops chuyển thể từ bộ phim gốc của HBO năm 1992, là một trong những bộ phim yêu thích của con trai tôi.
Ngoài ra còn có nhiều khóa học. Coursera đem đến một trong những điều kỳ diệu của âm nhạc cổ điển, trong khi Udemy cung cấp các lớp học về luyện thính và những cuộc phiêu lưu trong âm nhạc cổ điển. Và để khám phá một số tác phẩm hay nhất của nhạc cổ điển, Classic FM đã tổng hợp một danh sách các tác phẩm “sẽ thay đổi 100% cuộc đời bạn.”
Và đừng quên tìm hiểu các thư viện và bảo tàng địa phương của bạn để biết về các buổi nói chuyện và biểu diễn trực tiếp.
Để giúp trẻ phát triển sự yêu thích đối với âm nhạc cổ điển, hãy xem cuốn sách của Charlene Habermeyer, “Good Music Brighter Children” và trang web Good Parenting, Brighter Children của cô ấy. Cô ấy mở một khóa học âm nhạc với lộ trình dành cho trẻ em, từ cấp tiểu học đến đại học.
Habermeyer công nhận sức mạnh của âm nhạc cổ điển trong việc giúp trẻ em nghiên cứu và học tập. Cô cho biết rằng “Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) đã tìm thấy trong 20 nghiên cứu khác nhau rằng trẻ em ở độ tuổi tiểu học lắng nghe, tập trung, và học tốt hơn khi nghe một số bản nhạc cổ điển.”
Âm nhạc cổ điển có thể đem lại rất nhiều điều cho cuộc sống của chúng ta. Ngay cả các nhà soạn nhạc cũng nhận ra rằng âm nhạc của họ chứa đựng nhiều thứ hơn những gì nhìn thấy bằng mắt thường. Như Johann Sebastian Bach đã nói, “Tôi chơi với các nốt nhạc khi viết chúng, nhưng Chúa tạo ra âm nhạc.”
Ludwig van Beethoven cũng đồng tình khi nói, “Âm nhạc là ngôn ngữ của Chúa.”
Vậy tại sao không đón nhận nguồn vui được gửi đến từ thiên thượng? Âm nhạc có thể thay đổi cuộc sống của bạn theo những cách bạn chưa bao giờ tưởng tượng!
Tác giả Tatiana Denning là một bác sĩ gia đình, người tập trung vào sự khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh tật. Cô tin tưởng vào việc trao cho bệnh nhân kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ.