Ấn Độ cấm xuất cảng lúa mì vì lo ngại về an ninh lương thực
TOM OZIMEK
Ấn Độ đã cấm xuất cảng lúa mì, viện cớ có nguy cơ cao đối với an ninh lương thực của quốc gia này và một số quốc gia láng giềng do giá lúa mì toàn cầu tăng đột biến.
Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đưa ra một thông tri hôm 05/13 cho biết lệnh cấm xuất cảng lúa mì là để giải quyết khó khăn mà Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương khác hiện gặp phải trong vấn đề tiếp cận đủ nguồn cung lúa mì.
Trích dẫn “nhiều yếu tố” đằng sau giá lúa mì tăng vọt, đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm, cơ quan Ấn Độ này cho biết lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, với các ngoại lệ cho phép các lô hàng có thư tín dụng phát hành trước ngày 13/05 và từng trường hợp cụ thể tùy theo yêu cầu của các quốc gia để “cung ứng đủ cho nhu cầu an ninh lương thực của họ”.
Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, đã đặt mục tiêu xuất cảng 10 triệu tấn lúa mì đến năm 2023. Không rõ bao nhiêu trong số đó sẽ vẫn được xuất cảng theo các ngoại lệ của lệnh cấm lúa mì.
Lệnh cấm xuất cảng có thể có tác dụng hạ nhiệt giá lúa mì nội địa ở Ấn Độ, vốn đã tăng lên mức kỷ lục cao nhất. Đồng thời, nguồn cung giảm từ Ấn Độ có thể đẩy giá trên thị trường toàn cầu lên cao.
Một đại lý của một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai nói với Reuters, “Lệnh cấm này đã gây chấn động.” “Chúng tôi đã dự liệu xuất cảng sẽ hạn chế sau hai đến ba tháng, nhưng có vẻ như con số lạm phát đã thay đổi ý định của chính phủ.”
Lạm phát, vốn nổi lên như một hiện tượng toàn cầu, ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm.
Một trong những yếu tố có khả năng dẫn đến lệnh cấm là vụ thu hoạch lúa mì cằn cỗi ở Ấn Độ do đợt nắng nóng kỷ lục.
Một vấn đề khác là xung đột Nga–Ukraine, dẫn đến việc hải quân phong tỏa các cảng trên Biển Đen của Ukraine, một điểm trung chuyển chính cho xuất cảng ngũ cốc của Ukraine.
Lệnh cấm xuất cảng lúa mì của Ấn Độ được đưa ra vài ngày sau khi Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào cải tiến để tăng cường an ninh lương thực.
Trích dẫn dữ liệu cho thấy có tới 40% cây lương thực bị mất trắng mỗi năm do sâu bệnh hại cây trồng, FAO đã kêu gọi các chính phủ và giới học thuật nỗ lực thêm vào lĩnh vực cải tiến sức khỏe thực vật.
Các ưu tiên chính cho an ninh lương thực bao gồm thúc đẩy cải tiến trong lĩnh vực thuốc trừ sâu và quản lý sâu bệnh, cũng như sức khỏe thổ nhưỡng, hạt giống, và các loài giúp thụ phấn.
Trước đó, FAO đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang rình rập, với nguồn cung cấp các loại cây trồng chủ lực – bao gồm cả lúa mì – bị đe dọa bởi cuộc xung đột Nga–Ukraine đang diễn ra.
Nga và Ukraine là những nước xuất cảng ngũ cốc chủ chốt, cung cấp gần 30% lúa mì và gần 20% ngô cho thị trường toàn cầu.
Ông David Beasley – giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc – đã đưa ra nhận xét hồi cuối tháng Ba trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng cuộc chiến ở Ukraine đang biến “vựa lương thực của thế giới thành nơi chờ tiếp tế” của hàng triệu người dân của quốc gia này.
Ông Beasley cho biết vào thời điểm đó, Chương trình Lương thực Thế giới mua 50% ngũ cốc từ Ukraine.