Ấn Độ thử nghiệm hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân
NEW DELHI — Ấn Độ đã bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 5,000 km (3,125 dặm) từ một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông nước này trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc gia tăng.
Theo một tuyên bố của chính phủ, vụ phóng thử thành công hôm 27/10 phù hợp với “chính sách của Ấn Độ nhằm răn đe tối thiểu và làm rõ thêm cam kết không sử dụng đầu tiên”.
Hỏa tiễn Agni-5 đã bắn xuống Vịnh Bengal với “mức độ chính xác rất cao”, tuyên bố tối ngày 27/10 cho biết.
Kho vũ khí hỏa tiễn hùng hậu của Bắc Kinh đã thúc đẩy New Delhi cải tiến các hệ thống vũ khí của mình trong những năm gần đây, với hỏa tiễn Agni-5 được cho là có thể tấn công gần như toàn bộ Trung Quốc.
Ấn Độ đã có thể tấn công bất cứ nơi nào bên trong đất nước láng giềng Pakistan, địch thủ chính mà họ đã có ba cuộc chiến tranh chống lại kể từ khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh vào năm 1947.
Ấn Độ đã và đang phát triển các hệ thống hỏa tiễn và hạt nhân tầm trung và tầm xa kể từ những năm 1990 để đẩy mạnh năng lực quốc phòng của đất nước giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ngày càng tăng.
Căng thẳng giữa hai nước bùng lên vào năm 2020 trên một đoạn biên giới tranh chấp kéo dài ở khu vực miền núi Ladakh. Ấn Độ cũng ngày càng ngờ vực những nỗ lực nâng cao ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương của Bắc Kinh.
Các cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc để điều bớt quân khỏi những khu vực quan trọng dọc theo biên giới của hai nước đã kết thúc trong bế tắc hồi đầu tháng này, không làm dịu được tình trạng bế tắc kéo dài 17 tháng mà đôi khi dẫn đến các cuộc đụng độ gây thương vong. Giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra một cuộc chiến đẫm máu năm 1962.