Anh quốc cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
ALEXANDER ZHANG
Tân chính phủ của Thủ tướng Anh Liz Truss đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế lớn nhất trong nửa thế kỷ nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể đã rơi vào suy thoái của Anh.
Hôm 23/09, tân Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đã công bố ngân sách ngắn hạn tại Hạ nghị viện, trong đó ông xác nhận rằng việc tăng thuế doanh nghiệp và bảo hiểm quốc gia theo kế hoạch dưới thời chính phủ cựu Thủ tướng Boris Johnson đã bị hủy bỏ.
Sử dụng hơn 70 tỷ bảng Anh (77 tỷ USD) tiền vay tăng thêm, ông cũng dỡ bỏ mức thuế thu nhập ở mức cao nhất (top rate) cho nhóm người có thu nhập cao nhất, đưa ra kế hoạch cắt giảm mức thuế thu nhập căn bản xuống còn 19% vào tháng Tư 2023, sớm hơn một năm [so với dự tính ban đầu], và giảm thuế giấy tờ cho người mua nhà.
Ông đã xác nhận các kế hoạch cắt giảm giới hạn tiền thưởng cho những người làm trong ngành ngân hàng, đồng thời bổ sung các hạn chế lên hệ thống phúc lợi.
Gói này được công bố một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo Vương quốc Anh có thể đã rơi vào suy thoái và nâng lãi suất lên 2.25% – mức cao nhất trong 14 năm qua.
Bộ trưởng Tài chính lập luận rằng tầm nhìn kinh tế của ông sẽ “biến vòng trì trệ luẩn quẩn thành một chu kỳ tăng trưởng tốt đẹp”.
Ông nói: “Tăng trưởng không cao như mong đợi. Điều này đã khiến việc chi trả cho các dịch vụ công khó khăn hơn, đòi hỏi phải tăng thuế. Thế nhưng, thuế cao hơn đối với vốn và lao động đã làm giảm lợi tức trong đầu tư và công việc, làm giảm các động lực kinh tế và cản trở tăng trưởng hơn nữa.”
Ông nói thêm: “Chúng ta quyết tâm phá vỡ chu kỳ đó. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới cho một kỷ nguyên mới, tập trung vào tăng trưởng.”
‘Canh bạc lớn’
Ông Paul Johnson, giám đốc của tổ chức cố vấn tên Institute for Fiscal Studies (Viện Nghiên cứu Tài khóa), gọi gói này là “sự kiện cắt giảm thuế lớn nhất kể từ năm 1972”.
Ông nói với BBC News: “Đây là một canh bạc lớn. Có khả năng được đền đáp xứng đáng.”
Nhưng ông cho biết ông lo ngại việc “chính phủ đang đưa hàng chục tỷ [bảng Anh] vào nền kinh tế đúng thời điểm lạm phát đang ở mức rất cao.”
Đảng Lao Động đối lập chính đã gọi kế hoạch này là thừa nhận “thất bại kinh tế” của chính phủ Đảng Bảo Thủ.
Bộ trưởng Tài chính đối lập Rachel Reeves của Đảng Lao Động đã ví bà Truss và ông Kwarteng như “hai con bạc liều lĩnh đang lao đi một cách mất tự chủ trong một sòng bạc.”
Khởi đầu mới
Nhưng các nhóm doanh nghiệp đã hoan nghênh phương hướng kinh tế mới của chính phủ.
Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) gọi đây là “bước ngoặt đối với nền kinh tế của chúng ta.”
Tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) Tony Danker cho biết: “Hôm nay là ngày của một trong những cách tiếp cận tăng trưởng mới ở Vương quốc Anh. Bây giờ chúng ta phải tận dụng cơ hội này để khiến nó có ích nhất và đem lại sự phát triển đến mọi ngõ ngách của Vương quốc Anh.”
Bà Shevaun Havilland, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Anh cho biết, “Các doanh nghiệp trên khắp Vương quốc Anh sẽ nồng nhiệt chào đón cam kết của thủ tướng là tập trung vào tăng trưởng kinh tế và tăng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng mới.”
Viện Adam Smith, một tổ chức cố vấn về thị trường tự do, cho biết họ “cảm thấy được khích lệ vô bờ khi chứng kiến nhiều chính sách ủng hộ tăng trưởng như vậy.”
Viện Các vấn đề Kinh tế (IEA) có trụ sở tại London cũng gọi đây là một “khởi đầu rất đáng khích lệ”.
Tổng giám đốc IEA Mark Littlewood cho biết, “Thật sảng khoái khi nghe một thủ tướng say sưa nói về tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế và những cải tổ về cung ứng, thay vì huyên thuyên về một loạt các cam kết chi tiêu của nhà nước và áp thuế cao hơn.”