Anh Quốc kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư
Hôm 19/11, chính phủ Anh Quốc cho biết “cuộc khủng hoảng người di cư toàn cầu” này là một vấn đề cấp bách của toàn Âu Châu và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ trên khắp châu lục này.
Tính đến thời điểm này trong năm nay có hơn 24,700 người nhập cư bất hợp pháp đã đến Anh Quốc sau khi băng qua Kênh English [người Pháp gọi là Eo biển Manche] trên những chiếc thuyền nhỏ, gần gấp ba lần con số năm 2020.
Một phát ngôn viên của số 10 Downing Street [văn phòng thủ tướng Anh] cho biết chính phủ đang làm việc “rất chặt chẽ” với các nhà chức trách Pháp để ngăn những người di cư băng qua Kênh này.
Ông nói: “Tính đến thời điểm này trong năm nay, chúng tôi cho đến nay đã ngăn chặn hơn 20,000 người di cư, nhưng chúng tôi thấy rõ là chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa, cả bản thân chúng tôi và phía Pháp; đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục hợp tác vô cùng chặt chẽ với họ.”
“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu được các nhóm tội phạm có tổ chức dàn dựng. Họ đã đưa mọi người lên những chiếc thuyền để vượt biên một cách nguy hiểm. Đây là một vấn đề cấp bách đối với toàn Âu Châu, cần sự hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng của chúng ta – Pháp, Bỉ, và Hà Lan – cũng như bạn bè của chúng ta trên khắp lục địa. Đây là một vấn đề chung, vì vậy chúng ta cần những giải pháp chung.”
Hồi tháng Bảy, Anh Quốc và Pháp đã công bố một thỏa thuận giải quyết vấn đề này, theo đó Anh Quốc sẽ trả cho Pháp 54 triệu bảng Anh (75 triệu USD) để tăng hơn gấp đôi lượng cảnh sát tuần tra các bãi biển của Pháp.
Mặc dù chính phủ hứa sẽ ngăn chặn dòng thuyền nhỏ này, tuy nhiên, con số năm nay vẫn át hẳn những năm trước, dẫn đến việc đôi khi có các cuộc trao đổi nảy lửa giữa các quan chức Anh và Pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Pháp la Voix du Nord, Tổng thống Emmanuel Macron nói Anh Quốc “dao động giữa liên hệ đối tác và sự khiêu khích” khi thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cần tăng cường hợp tác hơn nữa.”
Các quan chức Pháp cho biết bạo lực nhắm vào cảnh sát Pháp đã gia tăng trong thời gian gần đây, nổi bật là vụ một sĩ quan bị cắn đứt tai, và một vụ khác là sử dụng hơi cay để giải tán một nhóm dân di cư.
Hôm 20/11, ông Kevin Saunders, cựu giám đốc nhập cư của Lực lượng Biên phòng Anh Quốc, cho biết những người di cư qua Kênh đào này phải được giải quyết ở ngoại quốc để giúp các quan chức từ chối các đơn xin tị nạn không đủ điều kiện.
“Đó là cách duy nhất ngăn mọi người đến Anh Quốc,” ông nói với Times Radio. “Chúng ta đã chứng kiến nỗ lực thực hiện việc này cùng với Pháp trên đất liền, trên Kênh, nhưng không thu được hiệu quả.”
Ông cho biết Anh Quốc “rất thu hút” người di cư và “mọi người biết là họ sẽ không bị trục xuất” một khi đến nơi.
“Chúng ta đã trục xuất bao nhiêu người trong năm nay; có phải năm người không? Khoảng 30,000 người đã đến và chúng ta đã trục xuất năm người – không thực sự tốt lắm phải không? Họ biết rằng một khi họ đang ở Anh Quốc, thì họ đã trúng giải độc đắc.”
Trong khi đó, đại sứ Albania tại Anh Quốc đã phủ nhận thông tin đất nước của ông đang có các cuộc thảo luận với chính phủ Anh Quốc về việc tổ chức một trung tâm giải quyết cho những người di cư đến Anh Quốc.
Ông Qirjako Qirko nói với đài LBC rằng đã “không có cuộc đàm phán” nào giữa hai nước về vấn đề này.
Ông cho biết Albania đã nói “rất rõ ràng” rằng quốc gia này “sẽ không bao giờ là một trung tâm giải quyết cho những người nhập cư bất hợp pháp.”