Anh thúc đẩy luật nhắm vào công ty Hikvision và nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc
LILY ZHOU
Hôm 30/11, Thượng viện Quốc hội Anh đã đưa ra một số sửa đổi luật để làm chuỗi cung ứng công cộng của Anh quốc vững mạnh hơn hầu chống lại những kẻ vi phạm nhân quyền và các mối đe dọa an ninh quốc gia.
Trong lần đọc thứ ba về Dự luật Mua sắm (Procurement Bill), Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi nhắm vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức với 191 phiếu thuận so với 169 phiếu chống.
Một sửa đổi khác – để đẩy nhanh việc loại bỏ các camera an ninh như Hikvision và Dahua – đã được thông qua với 178 phiếu thuận so với 158 chống.
Dự luật sẽ sớm được chuyển đến Hạ viện để xem xét kỹ lưỡng hơn.
Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Một sửa đổi được thông qua, nếu trở thành luật, sẽ trao cho các bộ trưởng quyền loại bỏ một nhà cung cấp nào đó nếu cơ quan ký hợp đồng xác định nhà cung cấp đó hoặc người có liên hệ bị phát hiện có tham gia – hoặc đã từng tham gia – vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức và các hoạt động phi đạo đức liên quan đến mô người.
Sửa đổi này không nêu tên bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào. Trong cuộc tranh luận, Thượng nghị sĩ Philip Hunt của vùng Kings Heath, người đưa ra bản sửa đổi, đã trích dẫn bằng chứng “rõ ràng” về hành động sát nhân “được nhà nước hậu thuẫn và phổ biến” bằng cách cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc; ông lập luận rằng có “lý do chính đáng” để đưa hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức vào danh sách loại bỏ này.
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập do luật sư kiêm thẩm phán nổi tiếng người Anh Geoffrey Nice KC chủ trì đã nhận thấy rằng các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đã và đang tiếp tục là nhóm nạn nhân chính bị sát hại để lấy nội tạng. Bằng chứng cũng chỉ ra nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong những năm gần đây.
Hồi tháng Tư năm nay, một nghiên cứu mới đã xác định 71 ấn phẩm Hoa ngữ về hoạt động cấy ghép nội tạng, trong đó các bác sĩ đã cắt tim và phổi của người để cấy ghép mà trước đó không kiểm tra xác định tình trạng chết não – cho thấy rằng bệnh nhân đã bị sát hại để lấy nội tạng của họ.
Hôm 30/11, đại diện cho chính phủ, Bộ trưởng Nội các, Nữ Nam tước Neville-Rolfe đã phản đối bản sửa đổi của ông Hunt; bà cho rằng Dự luật Mua sắm không phải là dự luật phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Bà Neville-Rolfe cho biết đề xướng này sẽ tạo thêm gánh nặng đáng kể cho các cơ quan ký kết hợp đồng. Bà cũng cho biết việc đưa vào “các hoạt động phi đạo đức liên quan đến mô người” khiến cho luật này quá rộng không thực hiện được.
Ông Hunt lập luận rằng dự luật này là phù hợp nhất trong việc “đặt định giá trị” bởi vì luật này “đặt ra các giới hạn mà theo đó hàng tỷ bảng Anh sẽ được chính phủ và các cơ quan chính phủ chi tiêu trong thập niên tới.”
Ông cũng cho biết bộ trưởng có thể đã đề nghị một phiên bản thay thế để giải quyết mối quan tâm của chính phủ về các chi tiết nhỏ nhặt.
Theo ông Hunt, trước đó Bộ trưởng đã nói với ông rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức sẽ được xem là “hành vi sai trái nghề nghiệp” để làm căn cứ loại trừ, nhưng ông Hunt lập luận rằng hoạt động này “quá kinh khủng” nên nó đáng được liệt kê cùng với các căn cứ khác để tùy ý loại trừ trong luật, chẳng hạn như hành vi thị trường lao động và hành vi sai trái về môi trường.
Năm ngoái (2021), ông Hunt đã thúc đẩy thành công một điều khoản trong Đạo luật về Thuốc và Thiết bị Y tế (Medicines and Medical Devices Act) hiện nay, đòi hỏi phải có bằng chứng đồng ý hiến tặng khi sử dụng mô người thu thập từ hải ngoại.
Ông cũng đã làm việc với chính phủ để ban hành luật chống du lịch cấy ghép nội tạng, cấm công dân và cư dân Anh Quốc mua nội tạng ở hải ngoại.
Camera an ninh
Thượng viện cũng đã thông qua một sửa đổi do Thượng nghị sĩ Alton của Liverpool đề xướng, trong đó buộc chính phủ phải công bố thời hạn để loại bỏ công nghệ vật lý hoặc thiết bị giám sát ra khỏi chuỗi cung ứng mua sắm của chính phủ khi có bằng chứng chắc chắn rằng nhà cung cấp đã tham gia vào chế độ nô lệ hiện đại, diệt chủng, hoặc tội ác chống lại nhân loại.
Ông Alton cho biết luật này nhằm cam kết rằng chính phủ phải loại tất cả các camera Hikvision và Dahua ra khỏi nguồn cung cấp cho khu vực công cộng.
Hikvision và Dahua, hai nhà sản xuất camera giám sát hàng đầu thế giới cuối cùng đã thuộc sở hữu của Trung Cộng, là nhà cung cấp camera giám sát chính ở Tân Cương, nơi Tòa án Duy Ngô Nhĩ – cũng do ông Nice làm chủ tọa – nhận thấy nạn diệt chủng đã và đang diễn ra.
Các camera này cũng bị phát hiện có cửa hậu và lỗ hổng bảo mật, làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề an ninh.
Hôm 24/11, chính phủ Anh cho biết rằng họ đã yêu cầu các bộ của mình ngừng lắp đặt camera giám sát mới của Trung Quốc tại các địa điểm nhạy cảm, với lý do về an ninh, và khuyến cáo họ nên xem xét thay thế các camera hiện có trước lịch trình bảo trì, và làm tương tự với các địa điểm không nhạy cảm.
Các bộ cũng được khuyến cáo không nên kết nối camera với mạng lưới chính của các bộ.
Ông Alton hoan nghênh quyết định của chính phủ, nhưng cho biết tiến trình này có thể mất “vài năm”. Ông cũng nói rằng bộ trưởng lúc trước đã cho ông biết ông rằng nước Anh có một triệu camera Hikvision.
Nếu đề xướng của ông Alton trở thành luật, chính phủ sẽ phải công bố một thời hạn để tháo gỡ các camera trong vòng sáu tháng.
Bà Neville-Rolfe lập luận rằng cơ sở an ninh quốc gia trong danh sách loại bỏ này và danh sách ngăn cấm tập trung mới sẽ giải quyết vấn đề camera Trung Quốc và cho biết chính phủ sẽ đánh giá rủi ro và thực hiện các bước tiếp theo nếu cần thiết.
Bà cũng cho rằng dự luật nên đề cập về việc mua sắm trong tương lai, không phải thiết bị, bộ dụng cụ, hoặc hợp đồng hiện có.
Không rõ liệu chính phủ có ý định tìm cách loại bỏ điều khoản sửa đổi này tại Hạ viện hay không.
Hai sửa đổi khác – một nhằm ghi nhãn các sản phẩm từ các quốc gia bị cáo buộc là chế độ nô lệ hiện đại hoặc diệt chủng, và sửa đổi còn lại nhằm hạn chế sự phụ thuộc của Anh Quốc vào các đối thủ của mình – đã bị rút lại hôm 30/11 và có thể được giới thiệu lại khi dự luật này được đưa ra Hạ viện.