Ba đảo quốc quan trọng ở Thái Bình Dương chịu áp lực từ Trung Quốc
John Mills
Dựa vào vị trí địa lý mang tính răn đe của Tây Thái Bình Dương, “Chuỗi đảo thứ hai” đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quân đội của Hoa Kỳ và Đồng minh trong việc xây dựng, đặt căn cứ, và tạo ra năng lực để răn đe hoặc đánh bại bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc – như xâm lược công khai Đài Loan hoặc chiếm đóng lãnh thổ Philippines.
Chuỗi đảo thứ hai này bắt đầu từ phía tây nam nước Cộng hòa Palau, tiếp theo là Liên bang Micronesia và các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ là Guam và Quần đảo Bắc Marianna.
Trung Quốc cộng sản dường như đang cố gắng thực hiện chiến lược “Lưỡng đầu thọ địch” (hay lối tấn công gọng kìm) theo kiểu Clausewitz – bằng cách áp dụng các chiến dịch ác ý nhắm vào chuỗi đảo này từ hai đầu. Ở khu vực phía trên của Chuỗi đảo thứ hai, công dân Trung Quốc đã lợi dụng quy trình nhập cảnh miễn thị thực, như đã được chuyên gia về Quần đảo Thái Bình Dương Cleo Paskal nhận định.
Có lẽ thậm chí còn đáng lo ngại hơn là [sự hiện diện] của Trung Quốc xung quanh khu vực phía dưới của Chuỗi đảo thứ hai. Bắt đầu từ Palau, chế độ Trung Quốc dường như đang cố gắng thực hiện “chiến thuật ba mục tiêu” bằng cách tích cực gây bất ổn cho nội bộ chính quyền của quốc gia này. Vẽ một đường thẳng từ Palau gần như vuông góc với Chuỗi đảo thứ hai, Trung Quốc tiếp tục và đang củng cố cũng như cô lập Quần đảo Solomon – giống như Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến – và rồi tại nơi mà Nhật Bản không thể chiếm được trong Đệ nhị Thế chiến, bạo loạn đã nổ ra ở New Caledonia thuộc Pháp.
Tổng thống Palau bày tỏ mối lo ngại sâu xa, tìm kiếm sự giúp đỡ
Tháng trước tại Tokyo, Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. đã nói với Reuters về cách chế độ Trung Quốc đang gây bất ổn cho đất nước của ông. Palau vẫn kiên định trong việc công nhận Đài Loan. Hành động này đã chọc tức Trung Quốc, từ đó dẫn đến các hoạt động gây ảnh hưởng của nước này.
Theo ông Whipps, chế độ này đã đột nhập vào mạng lưới của chính phủ Palau và đánh cắp 20,000 tài liệu. Ông cũng dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ tập trung vào việc thao túng cuộc bầu cử mà đảo quốc này sẽ tổ chức vào cuối năm nay. Đại sứ Nathaniel Fike là đại sứ lưu động (Ambassador at Large) chuyên phụ trách về an ninh mạng tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người đứng đầu trong việc cung cấp Trợ giúp an ninh mạng trong những tình huống như vậy.
Palau là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới. Nếu xét đến tổng dân số chỉ có 18,000 người, thì Ngũ Giác Đài ở Arlington, Virginia, còn đông hơn. Phần diện tích nhỏ bé của Palau nằm ở góc dưới bên phải của Philippines và ngay phía trên quần đảo Indonesia. Palau đã trở thành trọng tâm của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với công trình Radar Di động Chiến thuật Vượt đường Chân trời mạnh mẽ, có thể thấy rõ nội địa Trung Quốc. Một vụ kiện tại địa phương đã được đệ trình để thách thức công trình radar này vào năm ngoái. Gần đây hơn, cụ thể là tháng 05/2024, Hoa Kỳ đã thông báo về sự hiện diện rộng lớn hơn của mình với dự án xây dựng căn cứ không quân và mở rộng các cơ sở căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại đảo quốc nhỏ bé này.
Quần đảo Solomon đang trên bờ vực sụp đổ sau bức màn sắt của Trung Quốc
Quần đảo Solomon đang trải qua một khuynh hướng đáng lo ngại bắt đầu dưới thời chính quyền tiền nhiệm của Thủ tướng Manasseh Sogavare – người đã ký hiệp ước “đào tạo cảnh sát” với Bắc Kinh sau khi người dân biểu tình một cách bạo lực để phản đối sự thân thiết mà chính phủ của ông dành cho Trung Cộng. Kịch bản đào tạo cảnh sát này giống một cách kỳ lạ với chiến lược Hồng Kông. Bắc Kinh từng đưa lực lượng quân cảnh trang bị vũ khí hạng nặng vào Hồng Kông, thay thế lực lượng Cảnh sát Hồng Kông truyền thống.
Ông Sogavare cũng đã bắt đầu ngăn chặn các chuyến thăm của hải quân và lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ, dường như là đang bế quan tỏa cảng quần đảo Solomon với thế giới bên ngoài, trong khi lại cho Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại đây.
Hoa Kỳ có một đại sứ được bổ nhiệm để đại diện tại ba quốc gia, trong đó có quần đảo Solomon, nhưng hứa hẹn sẽ mở một Đại sứ quán Hoa Kỳ hoàn chỉnh cũng như bổ nhiệm một đại sứ chính thức ở quốc gia này vào năm 2025.
Thủ tướng mới của quần đảo Solomon, ông Jeremiah Manele, được cho là thân Trung Cộng, đã tuyên bố ý định xem xét lại những chính sách nhượng bộ Trung Quốc do ông Sogavare đưa ra. Ông Sogavare hiện là bộ trưởng tài chính, một vị trí quan trọng có thể ảnh hưởng đến chính sách và chi tiêu của tân chính phủ Solomons.
New Caledonia thuộc Pháp rơi vào hỗn loạn
Điểm cuối trong “nhóm ba mục tiêu” nằm ở phần dưới cùng của Chuỗi đảo thứ hai là New Caledonia. Đây là vùng lãnh thổ thuộc Pháp ít người biết hoặc nghe đến từ thời kỳ thuộc địa. Gần đây vùng này lại đột ngột rơi vào cảnh bất ổn bạo lực.
Nga và Azerbaijan được cho là có liên quan đến việc khơi mào các căng thẳng âm ỉ qua các phương pháp tấn công mạng. Căn cứ vào tình trạng bạo lực tương tự xảy ra ở Haiti (trùng hợp là một trong vài quốc gia bác bỏ chế độ Trung Quốc và duy trì mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan), Bahamas, và những nơi khác, thì mối lo ngại cho rằng bùng phát bạo lực đột ngột ở New Caledonia thuộc Pháp có liên quan đến chiến dịch “đối tác không giới hạn” – do Trung Quốc dẫn đầu để làm suy yếu vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ – không phải là không có cơ sở.
Cuộc càn quét của Trung Quốc quanh khu vực dưới cùng hay nói cách khác là sườn trái của Chuỗi đảo thứ hai này dường như đang diễn ra. Chiến dịch này có thêm đặc điểm là không chỉ đe dọa những nỗ lực của Hoa Kỳ tại Chuỗi đảo thứ hai mà còn chia cắt Úc với Hoa Kỳ.
Chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc Bradley Thayer đã nói với tác giả [bài viết này] như sau: “Trong Đệ nhị Thế chiến, người Nhật đã cố gắng cắt SLOC [đường liên lạc trên biển] giữa Hoa Kỳ và Úc/New Zealand. Rất may, họ đã bị ngăn chặn. Giờ đây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang cố gắng đạt được mục tiêu chiến lược tương tự bằng các phương pháp khác nhau. Cho đến nay, họ đã thành công trong việc tạo ảnh hưởng với các chính phủ này và do đó tạo nền tảng cho chiến thắng ở những nơi mà người Nhật đã thất bại. Hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải bị đảo ngược ngay lập tức.”
Đại tá (đã về hưu) John Mills là chuyên gia an ninh quốc gia phục vụ trong năm thời kỳ: Chiến tranh Lạnh, Lợi ích Hòa bình, Chiến tranh chống khủng bố, Thế giới Hỗn loạn, và hiện tại – Cuộc cạnh tranh giữa các Đại cường. Ông là cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược, và các vấn đề quốc tế tại Bộ Quốc phòng. Ông John là thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.