Ba Lan kêu gọi EU trừng phạt nông sản của Nga và Belarus
Ella Kietlinska
Hôm 04/03, trong chuyến thăm Vilnius, thủ đô của Lithuania, Thủ tướng Donald Tusk nói rằng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của những nông dân đang biểu tình, Ba Lan dự định yêu cầu Liên minh Âu Châu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nông sản của Nga và Belarus.
Giống như phần lớn Âu Châu, Ba Lan đã vấp phải các cuộc biểu tình trong những tuần gần đây khi nông dân biểu tình phản đối các quy định của EU để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cạnh tranh không công bằng từ Ukraine – sau khi EU miễn thuế cho thực phẩm nhập cảng từ Ukraine để giúp nước này.
“Tôi muốn thông báo với quý vị rằng hôm nay tôi sẽ bắt đầu làm việc với Chủ tịch Quốc hội [Ba Lan] về việc đề xướng nghị quyết kêu gọi Ủy ban Âu Châu áp đặt các lệnh trừng phạt hoàn toàn đối với các nông sản và thực phẩm từ Nga và Belarus,” ông Tusk cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte.
Ông cho biết các quyết định chung của EU sẽ hiệu quả hơn các biện pháp do từng quốc gia đưa ra. Bà Simonyte cho biết Vilnius sẽ ủng hộ sáng kiến này.
Hôm 29/02, ông Tusk nói rằng những gián đoạn trong thị trường cũng là do các nông sản từ Nga và Belarus gây ra và không loại trừ việc đưa ra một lệnh cấm. Ông nói trong buổi họp báo: “Chúng tôi mong muốn bằng cách nào đó hạn chế việc ngũ cốc và nông sản của Ukraine xuất cảng sang Ba Lan,” nhưng đồng thời, các nông sản của Nga và Belarus không nên được bán trên thị trường Ba Lan mà không có hạn chế nào.
Ông Tusk giải thích đề xướng của mình bằng cách nói rằng cơ cấu nông nghiệp và công nghệ ở Ukraine, Nga, và Belarus hoàn toàn khác với cơ cấu ở Âu Châu.
Ông nói rằng, ở những nơi đó, các tiêu chuẩn sản xuất đều thấp hơn, không có quy định về khí hậu, còn thuốc trừ sâu và phân bón thì rẻ đến mức khó tin.
“Ở Nga và Belarus, đặc biệt là khi họ gặp khó khăn trong việc bán khí đốt, họ biến loại khí này thành phân bón,” ông Tusk nói. “Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng bất kỳ ai ở Âu Châu cũng có thể cạnh tranh với thực phẩm và sản phẩm của Nga, Belarus, cũng như của Ukraine.”
Gặp gỡ nông dân Ba Lan
Hôm 29/02, ông Tusk đã gặp đại diện của các tổ chức nông dân và nghiệp đoàn Ba Lan để thảo luận về những yêu cầu và bất bình của nông dân.
Ông nói với các phóng viên rằng những vấn đề mà nông dân ở Ba Lan phải đối mặt là “đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo ông Tusk, hơn một năm trước, nông dân Ba Lan có thể bán lúa mì họ sản xuất với giá khoảng 300 EUR (326 USD) mỗi tấn, nhưng hiện nay nông dân Ba Lan chỉ có thể kỳ vọng mức giá khoảng 150 EUR (163 USD) mỗi tấn, miễn là họ tìm được người mua.
Chi phí sản xuất, chẳng hạn như chi phí phân bón nhân tạo, đã tăng lên trong hai hoặc ba năm qua, và chi phí năng lượng tăng gấp đôi.
“Và đột nhiên, thỏa thuận xanh cùng các hạn chế khác được áp đặt lên,” ông nói.
Những đại diện nông dân tại cuộc họp đặt nhiều hy vọng vào việc ông Tusk có thể đàm phán được một giải pháp với EU, nhưng Thủ tướng Ba Lan cho rằng đó “không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.”
Theo Bộ Nông nghiệp Ba Lan, mức giá mà nông dân có thể bán lúa mì vào tháng 01/2022 là 309 EUR (336 USD) mỗi tấn. Khoảng một năm sau, giá đã giảm xuống còn 196 EUR (213 USD) mỗi tấn. Cổng thông tin nông nghiệp Ba Lan Cenyrolnicze.pl đưa tin giá lúa mì trung bình hôm 04/03 đã giảm xuống còn 170 EUR (185 USD) mỗi tấn.
Ủng hộ Ukraine
Trình bày tại cuộc họp báo sau khi gặp gỡ những đại diện nông dân hôm 29/02, ông Tusk bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhưng cho rằng sự ủng hộ này không thể gây phương hại đến nông dân Ba Lan. Tuy nhiên, “Phải giữ an toàn tuyệt đối và thông thoáng cho các cửa biên giới [với Ukraine] để tạo thuận tiện cho các phương tiện vận tải quân sự, thiết bị quân sự, [và] viện trợ nhân đạo cho Ukraine.”
Ông cho biết các quy định về khí hậu của EU phải linh hoạt hơn và không nên ép buộc nông dân phải tuân thủ bằng cách đe dọa tước trợ cấp.
Ông Tusk cũng cho biết ông tán thành yêu cầu của nông dân rằng EU phải tài trợ cho việc mua và vận chuyển ngũ cốc từ những thị trường ở Âu Châu đến những nước nào có nhu cầu, đồng thời lưu ý rằng lượng ngũ cốc thặng dư ở Âu Châu là gần 30 triệu tấn.
Ông nói: Mặc dù Ukraine chắc chắn xứng đáng được nhận sự ủng hộ, nhưng “lợi ích của hàng chục công ty lớn, được gọi là các công ty cổ phần nông nghiệp của Ukraine, không thể quan trọng hơn lợi ích của Âu Châu và nông dân của chúng ta.”
Ông Tusk nói: “Điều này không liên quan gì đến an ninh của Ukraine.”
Ông Jakub Piecuch, giáo sư kinh tế tại Đại học Nông nghiệp ở Krakow, Ba Lan, nói với hãng truyền thông Ba Lan Onet rằng “việc cho phép ngũ cốc [Ukraine] vào Ba Lan không có nghĩa là giúp đỡ người Ukraine.”
Theo ông Piecuch, hơn một chục đại công ty sản xuất nhiều loại thực phẩm khác nhau, gồm cả ngũ cốc, đang hoạt động ở Ukraine không thuộc sở hữu của người Ukraine mà thuộc sở hữu của Đức, Hà Lan, hoặc Trung Đông. Ngoài việc người Ukraine cung cấp lao động phổ thông cho các công ty này ra, thì quốc gia này thu được rất ít từ việc xuất cảng ngũ cốc, vì các tập đoàn thực phẩm toàn cầu kiếm được “số tiền kếch xù từ việc đó”.