Ba người Mỹ làm nên lịch sử với khinh khí cầu
Dustin Bass
Khi chiếc khinh khí cầu Double Eagle chứa đầy khí helium lao nhanh xuống vùng nước lạnh giá ngoài khơi Iceland, ông Ben Abruzzo và ông Maxie Anderson dường như sắp chịu kết cục bi thảm giống như năm người lái khinh khí cầu trước họ. Đó là vào tháng 09/1977. Đôi bạn này đã bay được 66 tiếng và vượt qua gần 3,000 dặm. Kể từ năm 1783, đã có 13 lần thất bại khi vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu. Lần thử nghiệm gần nhất của ông Abruzzo và Anderson đã khiến họ nhấp nhô lên xuống trên mặt biển Đại Tây Dương, trong khi cố gắng giữ cho tán dù của mình nổi lênh đênh và vô vọng chống chọi với cơn tê cóng.
Không giống một số lần bay thử trước, ông Abruzzo và Anderson có thể đánh điện radio để cầu cứu. Chẳng mấy chốc, cả hai có thể nghe thấy tiếng trực thăng cứu nạn từ xa. Hai người quay trở về Hoa Kỳ để hồi phục, và sau đó bắt đầu dự tính cho lần bay thử thứ 15.
Thử một lần nữa
Khi gần đến tháng 08/1978, ông Abruzzo và Anderson quay trở lại điểm xuất phát dọc theo mũi phía đông bắc của đất nước. Lần này, họ mang theo ông Larry Newman – một phi công và người lái khinh khí cầu tài năng và dày dạn kinh nghiệm. Vào ngày 11/08, ba người leo lên tán dù của khinh khí cầu Double Eagle II đang căng phồng – chiếc khinh khí cầu chứa đầy khí helium, cao 11 tầng, có màu đen và bạc. Khinh khí cầu này, và chiếc trước đó, được đặt tên để vinh danh người anh hùng hàng không của họ – ông Charles Lindbergh – được biết đến với cái tên Lone Eagle. Cũng giống như ông Lindbergh hồi năm 1927, điểm đến của họ là Paris.
Trên thực tế, hành trình khinh khí cầu mạo hiểm giữa Mỹ và Pháp này đã có từ lâu trong lịch sử Hoa Kỳ. Vào ngày 09/01/1793, nhà phát minh kiêm nhà hàng không người Pháp Jean-Pierre Blanchard, đã thực hiện chuyến bay khinh khí cầu đầu tiên ở Mỹ quốc từ Philadelphia đến Quận Gloucester, tiểu bang New Jersey. Cựu tổng thống George Washington đã có mặt để xem buổi thả khinh khí cầu.
Khi mọi người tề tựu về Presque Isle, tiểu bang Maine, ba người lái khinh khí cầu này nói lời tạm biệt với bạn bè và gia đình, sau đó cất cánh. Chuyến bay sẽ băng qua Đại Tây Dương trong thời gian gần một tuần. Luân phiên nghỉ ngơi, cả ba giữ tập trung vào môi trường xung quanh và thiết bị của họ, đặc biệt là cao độ kế dùng để đo độ cao của khinh khí cầu. Thực đơn của họ là xúc xích và cá mòi đóng hộp, và sự thích thú cùng cảm giác phấn chấn.
Bốn ngày đầu trôi qua suôn sẻ. Vào ngày thứ năm khi đến gần bờ biển Ireland, lơ lửng ở độ cao khoảng 20,000 feet (~6,096 mét), họ gặp phải thời tiết nhiễu loạn. Điều này dường như lặp lại những gì diễn ra ở lần thử nghiệm năm 1977 của ông Abruzzo và Anderson.
Khi áp suất khí quyển tiếp tục thay đổi, khinh khí cầu mất độ cao, nhanh chóng giảm từ độ cao 20,000 feet (~6,096 mét) xuống mức 4,000 feet (~1,219 mét) nguy hiểm. Ba phi công bắt đầu ném đi bất cứ thứ gì không cần thiết. Cả nhóm phải giảm tải trước khi họ lao xuống biển. Chậm rãi nhưng chắc chắn, khinh khí cầu bắt đầu bay lên và cuối cùng họ cũng đạt đến độ cao an toàn.
Chuyến bay lịch sử
Trong chặng cuối của cuộc phiêu lưu, khi họ bay qua miền nam nước Anh, một chiếc phi cơ nhỏ bay ngang qua. Hành khách trên đó là các phu nhân của ba phi công này. Khi họ trao nhau những nụ hôn gió, chiếc phi cơ lao tới để đón họ tại điểm đến.
Họ đã hy vọng hạ cánh xuống Phi trường Le Bourget, nơi ông Lindbergh từng hạ cánh, nhưng họ đã bị thổi chệch hướng một chút và phải chấp nhận hạ cánh xuống một cánh đồng lúa mì chỉ cách Thành phố Ánh sáng (Paris) 50 dặm về phía Tây. Cuối cùng, khi họ hạ cánh vào ngày 17/08/1978, cả ba đã phá kỷ lục về thời gian và khoảng cách cho chuyến bay khinh khí cầu với 137 tiếng 6 phút và 3,120 dặm.
Làm nên lịch sử lần nữa
Tuy nhiên, họ không dừng lại việc thiết lập kỷ lục và làm nên lịch sử. Hai năm sau, vào năm 1980, ông Anderson và con trai Kristian trở thành những người đầu tiên bay xuyên châu Mỹ trên khinh khí cầu mang tên Kitty Hawk của họ. Ông Anderson cũng là người đầu tiên, ít nhất đã từng thử nghiệm, thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới. Khinh khí cầu ông bay trong lần đó được đặt tên là Jules Verne, để vinh danh tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển “Vòng Quanh Thế Giới Trong 80 Ngày” (Around the World in 80 Days).
Vào năm 1981, ông Abruzzo và Newman đã đưa chiếc Double Eagle V cao cỡ 13 tầng cùng với một số người khác, gồm ông Ron Clark và Rocky Aoki, từ Nagashami, Nhật Bản băng qua Thái Bình Dương, đến Rừng Quốc gia Mendocino ở tiểu bang California. Mặc dù chỉ mất khoảng một nửa thời gian so với chuyến Đại Tây Dương – 84 tiếng 31 phút – nhưng chuyến hành trình này đã lập kỷ lục mới với quãng đường 5,768 dặm.
Bi thảm thay, cả hai ông Anderson và Abruzzo đều thiệt mạng trong các vụ tai nạn bay. Năm 1983, ông Anderson thiệt mạng trong một cuộc đua khinh khí cầu ở Pháp do thiết bị khinh khí cầu gặp trục trặc và ông – cùng với phi công phụ Don Ida – đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp để tránh bay vào Đông Đức cộng sản. Năm 1985, ông Abruzzo cùng vợ qua đời trong một vụ tai nạn phi cơ. Viện Bảo tàng Khinh khí cầu Quốc tế Albuquerque, tiểu bang New Mexico, được đặt tên Anderson-Abruzzo để tưởng nhớ họ. Hằng năm, viện bảo tàng này tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu Albuquerque – có khoảng 500 khinh khí cầu đủ màu sắc bay khắp thành phố và các khu vực lân cận.
Điều thú vị là, ông Richard Abruzzo, theo bước cha mình, cùng với người lái khinh khí cầu Troy Bradley, đã lập kỷ lục mới về thời gian khi bay từ Bangor, Maine, đến Morocco với 144 tiếng 16 phút.