Bắc Kinh: Kỳ họp Lưỡng hội xoay quanh các chỉ số kinh tế và việc củng cố quyền lực
Alex Wu
Khi các cuộc họp thường niên quan trọng diễn ra trong vòng một tuần – hay còn gọi là kỳ họp “Lưỡng hội” – của Trung Cộng cầm quyền kết thúc hôm 11/03, các nhà quan sát bên ngoài cho rằng dữ liệu kinh tế đáng ngờ của Bắc Kinh và việc tập trung quyền lực vào tay lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình là những kết luận chính rút ra được từ kỳ họp.
Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc lưu ý rằng ông Tập đã thực hiện nhiều biện pháp độc đoán hơn khi nền kinh tế quốc gia suy thoái. Do đó, họ cảnh báo rằng Trung Cộng đang ngày càng trở nên bất ổn và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
“Lưỡng hội” của Trung Cộng là các phiên họp toàn thể hàng năm của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) – hai cơ quan lập pháp chỉ trên danh nghĩa của Trung Quốc.
Trong các cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lam Phật An (Lan Foan) thừa nhận rằng việc thực hiện “thắt lưng buộc bụng” đối với các cấp chính quyền là giải pháp lâu dài trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy thoái và các chính quyền địa phương chìm ngập trong các khoản nợ chưa từng có.
Tại kỳ họp, Thủ tướng Lý Cường cũng nhấn mạnh trong báo cáo công việc của mình rằng “chính quyền các cấp phải làm quen với chính sách thắt lưng buộc bụng”, nêu bật tình hình tài chính khó khăn của các chính quyền địa phương.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Wind, tính đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả lãi của chính quyền địa phương đã ở mức 5.5 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ tính khoản nợ được công bố công khai và chưa bao gồm khoản nợ khổng lồ không có trên bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương.
GDP, ngân sách quân sự
Theo báo cáo công việc của thủ tướng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 được đặt ở mức 5%, gần bằng với tốc độ tăng trưởng 5.2% được công bố chính thức vào năm ngoái. Ngân sách quân sự sẽ tăng 7.2% vào năm 2024.
Cộng đồng quốc tế đặt dấu hỏi về tốc độ tăng trưởng GDP chính thức của Trung Cộng trong những năm gần đây khi mà nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái.
Theo số liệu thống kê của tổ chức nghiên cứu Rhodium Group của Hoa Kỳ, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc vào năm 2023 chỉ vào khoảng 1.5%.
Ông Tống Quốc Thành (Song Guo Cheng) – nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan – cho biết “GDP và ngân sách quân sự được công bố tại kỳ họp ‘Lưỡng hội’ lần này là không đáng tin cậy.”
“Nhìn chung, ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do, GDP được ‘tạo ra một cách tự nhiên’. Vào cuối năm, GDP là bất cứ điều gì mà bản thân GDP thể hiện. Nhưng ở Trung Quốc, GDP do chính quyền quyết định, chẳng hạn như 5%, nên gọi là ‘chỉ số được ra lệnh từ trước’,” ông viết trong một bài báo cho UpMedia hôm 10/03.
“Vì vậy, việc quan chức cấp dưới có thể đạt được 5% hay không không quan trọng; họ phải làm sao để ra được con số này! Nếu không, họ sẽ bị gán cho cái tội ‘bất tuân chính quyền trung ương của Trung Cộng!’”, ông nói thêm.
Hơn nữa, ông Tống viết rằng Trung Cộng thường “phân phát và ẩn giấu” ngân sách quân sự của mình ở các cơ quan khác, “chẳng hạn như giấu ngân sách giáo dục và đào tạo quân sự trong Bộ Giáo dục nên chi tiêu quân sự thực tế chắc chắn cao hơn mức 7.2% như đã công bố.”
Ông lưu ý: “Đây là năm thứ 30 liên tiếp Trung Cộng tăng chi tiêu quân sự hàng năm; nghĩa là Trung Cộng tiếp tục mở rộng và tăng cường quân đội và chuẩn bị cho chiến tranh.”
Hơn nữa, ông nói: “Trong thời đại mà Trung Quốc về cơ bản không có bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong vòng 30 năm qua, thì mục đích của việc tăng chi tiêu quân sự hàng năm là gì? Để tấn công Philippines, Đài Loan, hay Hoa Kỳ?”
Sự tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình
Theo The Economist, thông điệp được truyền tải trong kỳ họp “Lưỡng hội” lần này là mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, nhưng quyền lực đang ngày càng được củng cố trong tay ông Tập và ông ngày càng tập trung vào việc cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bài báo đó chỉ thể hiện quan điểm của phương Tây về tình hình kinh tế và chính trị hiện tại của Trung Quốc, theo nhà quan sát Trung Quốc Vương Hách (Wang He).
“Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang không tốt, toàn bộ tình hình chính trị trong nước đang xấu đi. Việc tập trung quyền lực vào tay ông Tập Cận bình chính xác là yếu tố chính đang khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái,” ông nói với The Epoch Times hôm 11/03.
Ông Vương nhận xét rằng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình đang nghiêng về các chính sách cánh tả, với cốt lõi là “sự tiến lên của nhà nước và sự thoái lui của tư nhân” (quốc tiến dân thoái).
Kể từ năm ngoái, các doanh nhân tư nhân Trung Quốc đã đề ra các yêu cầu chính trị đối với chính quyền Trung Cộng, chẳng hạn như sửa đổi hiến pháp và sửa đổi học thuyết kinh tế chính trị của Bắc Kinh. Mục tiêu của họ là nhằm thúc đẩy một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực công và tư hơn là nhằm mục đích xóa bỏ các doanh nghiệp tư nhân.
“Nhưng ông Tập Cận Bình không thể chấp nhận yêu cầu này, nên các doanh nghiệp tư nhân đang rời bỏ đất nước. Vì vậy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng hỗn loạn kinh tế Trung Quốc là chính trị, và cốt lõi nằm ở ông Tập Cận Bình,” ông Vương nói.
“Ông Tập Cận Bình không muốn rời khỏi vũ đài lịch sử. Thay vào đó, ông ấy muốn củng cố quyền lực của mình. Kinh tế càng tồi tệ, mọi người càng chống lại ông ấy, ông ấy lại càng muốn thâu tóm quyền lực và càng muốn đàn áp nhân dân một cách cứng rắn. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn,” ông tiếp tục.
Ông cảnh báo: “Chung cuộc sẽ là một tình huống xảy ra biến động lớn: Ông Tập Cận Bình sẽ bị hạ bệ, và Đảng Cộng sản sẽ tan rã.”
Nhà kinh tế Trung Quốc Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) nói với The Epoch Times hôm 11/03 rằng ông Tập đã trở thành một nhân vật mà các quyết định của ông được tuân thủ tuyệt đối, và các chính sách kinh tế của Trung Cộng được đưa ra theo những ý muốn bất chợt của ông.
“Khi gặp thất bại [trong chính sách của mình], ông Tập đổ lỗi cho những người xung quanh. Ông ấy tự mình nắm tất cả quyền lực. Với cái gọi là [chiến dịch] chống tham nhũng, ông ấy có thể bắt giữ bất cứ ai ông ấy muốn hoặc cảm thấy khả nghi.”
Ông Lý cho rằng tài chính của Trung Cộng đang cạn kiệt. Ông nói, trong hoàn cảnh rất nghiêm trọng như vậy, người dân có thể có động lực nổi dậy chống lại chính quyền, đồng thời cho biết thêm rằng có suy đoán là các đảng viên Trung Cộng có thể sẽ kêu gọi ông Tập từ chức.
“Ông Tập Cận Bình đã nhận ra điều này. Khi ông nói về an ninh chính trị, ông muốn nói đến việc bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự lãnh đạo của cá nhân ông. Điều đó có nghĩa là ông đang ngày càng trở nên bất an,” ông nói.