Gần đây, một tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được cho thấy các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc đã cảnh báo về lo ngại rò rỉ hạt nhân lên tỉnh Cát Lâm hoặc có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tài liệu này được viết vào năm 2016 sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) đầu tiên.

Vào trưa ngày 6/1/2016, Bắc Hàn tuyên bố vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên đã “thành công”. Vụ thử nghiệm đã gây ra một trận động đất 4.9 độ richter ở các quận biên giới tỉnh Cát Lâm và tạo ra sự hoảng loạn cho người dân địa phương.

Bắc Kinh lo ngại Bắc Hàn bất tuân sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên
Cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong, Triều Tiên trong ảnh chụp vệ tinh của DigitalGlobe vào ngày 23 tháng 5 năm 2018. (Ảnh vệ tinh © 2018 của DigitalGlobe, thuộc công ty Maxar / Handout qua Reuters)

Sức công phá của quả bom này tương đương khoảng 8,000 tấn thuốc nổ TNT.

Do địa điểm thử nghiệm cách Trung Quốc không quá 62 dặm (100 km), nên Trung Cộng đã có phản ứng rất mạnh mẽ. Trong trường hợp xảy ra rò rỉ hạt nhân hoặc chiến tranh hạt nhân, Cát Lâm sẽ là tỉnh bị ảnh hưởng đầu tiên, và hàng triệu km vuông ở vùng đông bắc và miền bắc Trung Quốc sẽ bị ô nhiễm bởi phóng xạ.

Các nhà phân tích tin rằng điều làm Trung Cộng lo lắng không phải là quả bom hạt nhân đó, mà là họ nên làm gì nếu Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, không còn tuyệt đối nghe lời như trước đây.

Bắc Kinh lo ngại Bắc Hàn bất tuân sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên
Báo cáo nội bộ cho thấy các đề nghị khẩn cấp của Trung Quốc nhằm chống lại mối đe dọa rò rỉ hạt nhân từ Triều Tiên. (Ảnh The Epoch Times)

Báo cáo đề xuất ba ý tưởng nhằm bảo vệ các khu vực biên giới.

  1. Khởi động kế hoạch ứng phó khẩn cấp về môi trường để giải quyết bức xạ hạt nhân và thiết lập các điểm quan trắc dữ liệu tại các khu vực gần khu thử nghiệm;
  2. Thiết lập các sự kiện quan hệ công chúng và cơ chế tư vấn tâm lý, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp về tai nạn bức xạ;
  3. Triển khai mạnh mẽ lực lượng lục quân và không quân tại các thành phố và huyện biên giới, bao gồm Tập An, Trường Bạch, Hòa Long, Long Tỉnh, Hồn Xuân và Đồ Môn, là các lực lượng sẵn sàng chiến đấu cấp một; huy động binh lính phòng chống hóa học, lực lượng phòng không, lực lượng đặc biệt, lực lượng hỏa tiễn sẵn sàng ứng phó khẩn cấp; đồng thời tăng cường trinh sát cơ và chiến đấu cơ tuần tra nhằm thu thập thông tin tình báo.

Ngoài ra, các cuộc tập trận quân sự nên được tổ chức tại Cát Lâm để ngăn chặn những cuộc xung đột biên giới do tình hình bất ổn ở Bắc Hàn.

Hậu quả của vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Bình Nhưỡng

Để đáp lại cuộc thử nghiệm, chính phủ TT Trump đã thay đổi chính sách đối với Bắc Hàn và sẽ duy trì trong hơn hai thập kỷ. Hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã hướng đến Bán đảo Triều Tiên, đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng.

Tháng 3/2016, được sự chấp thuận của Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Bắc Hàn trong vòng 20 năm qua.

Sau đó, một cuộc khẩu chiến đã nổ ra trên các phương tiện truyền thông chính thức giữa Trung Quốc và Bắc Hàn; mỗi bên đều đưa ra những lời chỉ trích gay gắt.

Tại Hàn Quốc, Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận khai triển Hệ thống Phòng thủ Tầm cao giai đoạn cuối (Terminal High Altitude Area Defense-THAAD) để chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. THAAD là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình, và trung gian.

Bắc Kinh lo ngại Bắc Hàn bất tuân sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên
Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được nhìn thấy khi chúng đến Seongju, Hàn Quốc vào ngày 7 tháng 9 năm 2017. (Ảnh Lee Jong-hyeon / News1 qua Reuters)

Thỏa thuận Hoa Kỳ–Hàn Quốc khiến Trung Quốc tức giận; và quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã xuống đến mức thấp nhất trong mọi thời đại.

Đến năm 2018, mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Bắc Hàn bắt đầu được cải thiện qua các chuyến thăm cấp nhà nước giữa hai nước.

Bình luận viên về Trung Quốc Lý Lâm Nhất cho rằng Trung Cộng không lo lắng về ô nhiễm bức xạ hạt nhân. Theo quan điểm của ông, điều mà Trung Cộng quan tâm nhất là làm thế nào để đối phó với Bắc Hàn dưới thời Kim Jong Un nếu ông ta thách thức Trung Quốc, hoặc nếu ông ta tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân vào thời điểm mà Bắc Kinh không ưng thuận.

Frank Yue
Từ Huệ biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn