Bắc Kinh tham vọng thay thế đồng US dollar trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới
Một giáo sư Trung Quốc gần đây đã tiết lộ rằng Trung Cộng đang thúc đẩy việc thay thế đồng US dollar trên các thị trường toàn cầu bằng cách tận dụng những chuyển dịch kinh tế do đại dịch gây ra.
Trong thế giới hậu đại dịch, Trung Quốc nên là “bên quyết định chuẩn mực của giá trị,” Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Địch Đông Thăng (Di Dongsheng), nói trong một video đăng trên mạng xã hội Trung Quốc hôm 04/02. “Đồng tiền ấn định giá rốt cuộc sẽ là đồng nhân dân tệ.”
Tháng 04/2020, vị giáo sư này đã mô tả đại dịch là một cơ hội “trăm năm có một” để nhà cầm quyền này thực hiện mục tiêu khiến “tất cả 7 tỷ người trên thế giới phải trả tiền cho Trung Quốc.”
Ông nói rằng, nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt được vị trí bá chủ toàn cầu, Bắc Kinh sẽ có khả năng in thêm tiền để làm loãng giá trị của đồng nhân dân tệ do dân số thế giới nắm giữ—do đó có thể chuyển của cải sang Trung Quốc.
Ông Địch trở nên có tiếng tăm vào cuối năm ngoái khi một đoạn video về bài diễn văn của ông được lan truyền rộng rãi ở Hoa Kỳ, trong đó ông ta nói rằng Trung Cộng đã gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ thông qua “những người bạn cũ” ở Wall Street.
Nắm bắt cơ hội vàng
Trung Cộng đã hưởng lợi lớn từ các chính sách lãi suất thấp được nhiều nền kinh tế phương Tây áp dụng khi họ gấp rút ngăn chặn sự suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Theo Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua trái phiếu có lợi suất cao hơn của Trung Quốc, bơm 135 tỷ USD vào trái phiếu Trung Quốc trong 12 tháng tính đến ngày 30/09/2020.
Lý thuyết kinh tế toàn cầu cho thấy rằng các nhà đầu tư sẽ tự nhiên chuyển hướng nguồn tiền từ các nền kinh tế có lãi suất thấp (ví dụ như Hoa Kỳ) sang các nền kinh tế có lãi suất cao (chẳng hạn như Trung Quốc), giả định khả năng trả nợ của các bên là như nhau. Để mua trái phiếu Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ, nhà đầu tư sẽ phải bán USD (đồng tiền của nền kinh tế có mức lãi suất thấp) và mua đồng nhân dân tệ. Về lý thuyết, hành động này sẽ làm tăng giá trị của đồng nhân dân tệ và phá giá đồng US dollar.
Ông Địch đề nghị hồi tháng 04/2020 rằng Trung Cộng nên tận dụng các cơ hội do đại dịch mang lại để thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu hơn, đồng thời bơm đồng nhân dân tệ để hỗ trợ các quốc gia và công ty nước ngoài cần tiền mặt.
Từ lâu Trung Cộng đã bày tỏ mong muốn loại bỏ đồng US dollar với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Vào năm 2009, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Cộng lúc bấy giờ là Chu Tiểu Xuyên đã kêu gọi thay thế đồng US dollar bằng một đồng tiền dự trữ quốc tế để đồng nhân dân tệ có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn.
Theo dữ liệu do Viện Tiền tệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, tỷ trọng thanh toán toàn cầu của đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã tăng từ 0.02% vào năm 2011 lên hơn 3% vào năm 2020.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn còn một chặng đường dài để theo kịp sự thống trị của đồng USD Hoa Kỳ.
Ông Địch đề nghị Trung Cộng nên cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển, những nước không thể vay được tiền từ các nước phát triển. Bằng cách này, Trung Cộng có thể thu các khoản tiền lãi suất cao để bù đắp khoản chi phí lãi suất mà Trung Quốc trả cho trái phiếu do mình phát hành. Nhưng âm mưu này cũng phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ cao hơn vì khả năng trả được nợ của các nước đang phát triển là rất yếu.
Tháng 04/2020, ông Địch đã thỉnh cầu Trung Cộng “hết lòng cho đi” đối với các quốc gia đang phát triển này. Ông này đã gợi ý rằng Bắc Kinh thậm chí có thể bán kho dự trữ hối đoái khổng lồ của mình để cung cấp các khoản vay.
Ông Địch cho biết mặt trái của việc tiếp nhận một số lượng lớn các chủ nợ là nó có thể đẩy đồng nhân dân tệ mạnh lên quá mức và làm giảm khả năng kiểm soát tỷ giá hối đoái. Điều này đặt ra một thách thức to lớn đối với Trung Cộng—nhà cầm quyền từng dựa vào một đồng tiền yếu để thúc đẩy xuất cảng.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà phê bình đã cáo buộc nhà cầm quyền này cố tình phá giá đồng tiền của mình để giúp các nhà sản xuất và thúc đẩy xuất cảng.
Hơn nữa, các chủ nợ sẽ tăng cường giám sát thị trường tài chính Trung Quốc, khiến cho Trung Cộng có ít cơ hội hơn để thao túng thị trường, ông Địch nói.
Vị giáo sư này cũng khuyến nghị Bắc Kinh thực hiện các thay đổi về quy chế để kích thích hơn nữa đầu tư nước ngoài.
Năm 2019, Trung Cộng đã thông qua Luật Đầu tư Nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư quốc tế. Ông Địch cho biết những chính sách đó đã phát huy tác dụng, với bằng chứng là đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng vọt vào năm 2020.
Tận dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường
Một thành phần then chốt khác trong kế hoạch của Trung Cộng là tận dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh để thúc đẩy sự lưu thông của đồng nhân dân tệ ở các nước đang phát triển.
BRI, trước đây được gọi là “Một vành đai, Một con đường,” là một chiến lược đầu tư toàn cầu lớn do Trung Cộng khởi động vào năm 2013 nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên khắp Á Châu, Âu Châu,Phi Châu và Nam Mỹ.
Ông Địch cho biết mục tiêu là tạo ra sự lưu thông đồng nhân dân tệ trong các quốc gia đối tác BRI, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đại diện cho hàng tỷ người: Trung Quốc sẽ sử dụng nhân dân tệ để đầu tư vào các quốc gia này, trả lương bằng nhân dân tệ cho những người mà họ thuê ở các quốc gia này và yêu cầu những quốc gia này mua hàng hóa từ Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ, và vòng tuần hoàn này sẽ tiếp tục.
Điều này sẽ khiến việc lưu thông đồng nhân dân tệ trong và giữa các quốc gia đối tác BRI, hợp pháp hóa đồng tiền Trung Quốc trong các thị trường ngách khác nhau như một hình thức hối đoái. Khi tài sản và hàng hóa ngày càng được định giá bằng cách sử dụng đồng nhân dân tệ, nó sẽ tạo một cơ sở tốt để thúc đẩy sử dụng đồng tiền này nhiều hơn nữa ở các nước không tham gia BRI, đặc biệt nếu họ muốn trao đổi thương mại với các nước đối tác BRI.
Ông Địch cho biết hồi tháng 02/2021 rằng, “Mục tiêu của chúng ta là cổ phiếu của các quốc gia đối tác BRI này, không phải là trái phiếu. Chúng ta có kế hoạch sử dụng những cổ phiếu này để phát triển một thị trường thứ cấp toàn cầu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Khi đó các nguồn vốn trên thế giới sẽ bị thu hút vào thị trường này, vào các dự án BRI.”
Vị giáo sư này cho biết các nhà kinh tế nước ngoài đã sai khi nghĩ rằng BRI là để săn đuổi tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Đúng hơn là, Trung Cộng quan tâm đến việc tận dụng nguồn nhân lực của các quốc gia đối tác này.
Ông Địch tuyên bố: “Nguồn gốc của sự giàu có là đến từ con người chứ không phải là từ tài nguyên.”