Bãi cỏ 5 dollar
Jeff Minick
Bạn hãy tìm kiếm trực tuyến những chữ “Người Mỹ là những người lười làm việc” và một lô các bài báo sẽ hiện lên. Một số bài báo bác bỏ nhận định đó, trong khi những bài báo khác tuyên bố rằng điều đó có căn cứ. Một số tác giả cũng nói rằng lời chỉ trích này đã có từ nhiều thập niên trước, trong khi những người bất đồng lập luận rằng thực tế, nhân viên thời nay lười biếng hơn ngày xưa nhiều.
Nhóm thứ hai đưa ra nhiều lý do cho sự lười biếng như nhận định ở trên. Họ nói rằng, các nhân viên thời nay muốn làm việc ít hơn và vui chơi nhiều hơn. Họ thiếu động lực để cố gắng bỏ ra nhiều công sức hơn nữa. Một số người trong số họ bực bội khi phải phục vụ người chủ hoặc khách hàng, một số coi công việc của họ là vô nghĩa, và một số nhìn chung chỉ là không thích công việc.
Tương tự như vậy, các phương tiện truyền thông gần đây đã đưa tin về số lượng những người “làm việc cho có lệ” ngày càng tăng, những người đàn ông và phụ nữ chỉ làm đủ mức cần thiết trong công việc, chẳng hạn như từ chối làm việc muộn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong một số trường hợp, những người làm việc cho có lệ tiến thêm một bước và đặt mục tiêu làm ít công việc nhất có thể.
Trạng thái làm việc cầm chừng có thật sự là một phong trào không? Câu hỏi đó vẫn còn được tranh luận. Trong bài báo hồi tháng 11/2022 của ông Greg Daugherty với nhan đề “What Is Quiet Quitting – and Is it a Real Trend?” (Làm Việc Có Lệ Là Gì – và Đó Có Thực Sự Là một Xu Hướng Không?) ông đưa ra nhiều kết luận khác nhau, đầu tiên trích dẫn một cuộc thăm dò của Gallup, mà trong đó 50% người Mỹ tự mô tả mình là người chỉ gắng sức tối thiểu cho công việc của họ. Tuy nhiên, sau đó ông giới thiệu các dữ liệu khác, cho thấy thái độ của các nhân viên không thay đổi nhiều so với những thập niên vừa qua.
Ý tưởng về đạo đức công việc thường bị bỏ quên trong tất cả các cuộc tranh luận tới lui này. Nhân viên và người giám sát nên có loại tinh thần và nỗ lực nào khi thực hiện nhiệm vụ? Điều gì tạo nên tiêu chuẩn cao cho kết quả công việc trong văn phòng hoặc tại một địa điểm làm việc?
Trong bài báo “Reader’s Digest” năm 1958 có tựa đề “The Countess and the Impossible” (Vị nữ bá tước và điều bất khả thi), tác giả Richard Thurman thuật lại một câu chuyện thời trẻ của ông, trong đó một phụ nữ Âu Châu cao niên với lối cư xử kiểu thời xưa, định cư ở tiểu bang Idaho và thuê cậu bé Thurman 13 tuổi để cắt cỏ và nhổ cỏ. Bà nói, kết quả công việc ở mức tầm thường thì trị giá 3 dollar, kết quả công việc ở mức xuất sắc sẽ được thêm một dollar nữa, và “5 dollar cho bãi cỏ đó thì – chà, không thể nào đâu, nên chúng ta quên điều đó đi.”
Sau đó, bà nói với Thurman, “Mỗi tuần, tôi sẽ trả tiền cho cậu theo đánh giá của chính cậu về công việc của mình.”
Trong vài tuần tiếp theo, cậu bé Thurman làm công việc trị giá 3 dollar. Mỗi lần làm, cậu bé quyết tâm nhắm tới mốc 4 dollar, và lần nào cậu cũng thất bại. Và rồi, một ý tưởng nảy ra trong đầu. Cậu quyết định đặt mục tiêu 5 dollar. Ngày hôm đó, cậu đã làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, cắt cỏ, nhổ cỏ, diệt ổ sâu bọ, và cắt tỉa lối đi một cách chính xác. Đến chạng vạng, bãi cỏ không tì vết.
Khi cậu bé Thurman yêu cầu nhận 5 dollar, nữ bá tước ngạc nhiên kiểm tra sân và sau đó khen ngợi cậu, nhận xét rằng những cố gắng của cậu để vượt qua điều không thể đã thúc đẩy cậu cống hiến hết sức lực và tài năng cho công việc. Cậu đã chinh phục được ngưỡng 5 dollar, và công việc ngày hôm đó đã đem lại cho cậu Thurman tinh thần đạo đức công việc mà sau đó cậu đã mang theo khi trưởng thành.
Đạo đức làm việc của người Mỹ thời nay có thể cần một chút oxy, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Rất nhiều người mà tôi quen biết – người phụ nữ làm việc trong nhiều giờ để giải quyết việc thiếu nhân sự trong văn phòng, người chủ thầu làm việc hết mình để nuôi vợ và bốn con nhỏ, những người phục vụ tại quán cà phê – đều gắng sức hết mình ở nơi làm việc. Nếu họ là người phụ trách, giống như nữ bá tước kia, họ sẽ khích lệ và đưa ra những thử thách cho nhân viên của mình. Nếu họ là nhân viên, giống như anh Richard Thurman, họ sẽ hoàn toàn dấn thân vào công việc được giao.
Tất cả chúng ta đều có những “bãi cỏ” của chính mình để chăm sóc. Hãy nhắm đến công việc trị giá 5 dollar và thể hiện cho thế giới thấy những gì chúng ta có.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và tiếng Latin dành cho học sinh học tại gia (homeschooling) ở Asheville, North Carolina.