Bài học từ cổ nhân: Trọn đời giữ lời đính ước
Trong xã hội hiện đại, những cuộc hẹn hò trực tuyến, những sự kiện kết nối hẹn hò thần tốc, và thậm chí là các hệ thống dịch vụ mai mối đã thay thế người mai mối trong hôn nhân truyền thống.
Thời Trung Hoa cổ đại, cha mẹ sẽ tìm một người bạn đời phù hợp cho con trai hoặc con gái của mình. Theo cách này, họ sẽ tìm kiếm một gia đình môn đăng hộ đối để dựng vợ gả chồng cho con. Và vai trò của ông mai bà mối chính là dàn xếp hôn sự cho các cặp đôi, điển hình như bà mối trong câu chuyện dân gian “Hoa Mộc Lan”.
Khổng Tử, một triết gia lỗi lạc trong lịch sử Trung Hoa, từng đề cập rất nhiều đến hôn nhân truyền thống. Tư tưởng Nho Giáo cho rằng vai trò của người chồng và người vợ đều rất quan trọng; hai người bổ sung, tương hỗ cho nhau tựa như triết lý âm dương. Từ thời cổ đại, hôn nhân đã được xem trọng và có nghi thức trong văn hóa Trung Hoa. Cách truyền thống này đòi hỏi đôi lứa “cưới trước, yêu sau”, tin rằng sau khi đã có sợi chỉ hồng của ông Tơ bà Nguyệt thắt chặt, họ sẽ dần tìm hiểu nhau.
Tiến trình mai mối truyền thống của Trung Hoa xưa diễn ra với nhiều lần trao đổi, bàn luận, và cần phải xét đến đến địa vị, danh tiếng của gia đình cô dâu, gia đình chú rể, cũng như mối quan hệ xã hội của hai bên. Họ tin vào nguyên tắc “môn đăng hộ đối”. Tuy nhiên, mọi việc liên quan đến tiến trình tìm hiểu này đều không có sự tham gia của tân lang và tân nương tương lai.
Cha mẹ thường hiểu con của mình nhất, biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của con mình. Họ sẽ là người đưa ra quyết định tốt nhất cho cặp đôi trong hôn nhân. Một câu chuyện dân gian từ thời nhà Thanh kể về việc tôn trọng và gìn giữ lời đính ước – thể hiện tư cách và bản chất thực sự của một người.
Chuyện kể rằng, một thanh niên lương thiện và có nhiều triển vọng tên Hàn Vân Môn đã đính ước với một thiếu nữ nhà họ Tề. Tuy nhiên, ngay sau đó, bỗng dưng cô gái họ Tề bị mù cả hai mắt. Cha mẹ cô gái nói: “Hàn Vân Môn là người thông minh và có năng lực; anh phải kết hôn với một cô gái mù thì thật không xứng.” Cha mẹ cô gái nguyện sẽ chăm sóc cho cô cả đời. Phía cha mẹ của Hàn Vân Môn cũng đồng ý hủy bỏ hôn ước.
Tuy nhiên, Hàn Vân Môn cho rằng “hôn ước là điều cần phải giữ trọn cuộc đời.” Với phẩm chất đạo đức và chính trực, anh quyết định lấy cô gái mù làm vợ theo đúng phong tục lúc bấy giờ.
Vào thời đó, gia đình cô dâu thường chuẩn bị hồi môn cho con gái đem về nhà chồng. Phía gia đình nhà họ Tề đã phái một cô gái hầu gái xinh đẹp đi theo cô dâu và xem như đó là của hồi môn. Khi biết điều này, tân lang rất buồn và nói lời từ chối: “Thật khó để kiềm chế ham muốn của con người. Xin để vợ chồng con có được cuộc sống hòa thuận; con không muốn có món quà này trong nhà.”
Nhiều năm qua đi, Hàn Vân Môn và vợ có một cuộc sống hạnh phúc, hòa hợp: họ rất hiểu nhau, luôn quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Hàn Vân Môn được tiến cử đảm nhiệm chức quan cao nhất phụ trách về giáo dục của tỉnh. Người dân trong vùng ngợi ca và lan truyền tính trung thực và tình yêu chung thủy của vợ chồng Hàn Vân Môn. Họ xem đó như một mẫu hình cho các cặp vợ chồng khác noi theo.
Thật đáng buồn thay, Trung Cộng trong những năm 1950 đã cấm các cuộc hôn nhân được sắp đặt theo truyền thống. Thay vì xin cha mẹ chấp thuận, giờ đây các cặp đôi phải có được sự cho phép của Trung Cộng mới được kết hôn. Các luật mới đã “loại bỏ việc nạp thê thiếp, sính lễ, sắp đặt hôn nhân… Họ tuyên truyền khuyến khích tự do hôn nhân,” và cho phép ly hôn; những quy định này đã làm băng hoại giá trị gia đình truyền thống Trung Hoa vốn được xem như một nguồn sức mạnh độc lập.
Tuy nhiên, một số cha mẹ Trung Hoa ngày nay vẫn thực hiện theo lối xưa cũ – sắp xếp hôn nhân cho con của mình. Chợ mai mối hôn nhân đã xuất hiện ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Vào mỗi cuối tuần các bậc cha mẹ tụ tập ở các công viên địa phương để dán các thông tin cá nhân của con họ trên những chiếc ô đầy màu sắc được xếp thành hàng. Họ hy vọng tìm được ý trung nhân lý tưởng cho con của mình. Thông tin mô tả chi tiết đến cả công việc, mức lương, nhà cửa; tất cả mọi người đều có thể xem.
Khổng Tử từng nói: “Mọi thứ đều có vẻ đẹp nhưng không phải ai cũng nhìn thấy.” Số phận không phải lúc nào cũng đem đến kết thúc có hậu nếu chúng ta cứ kiếm tìm hạnh phúc từ những yếu tố bên ngoài. Chỉ có những cặp vợ chồng đang kỷ niệm đám cưới vàng (kỷ niệm 50 năm) mới hiểu được bí mật của một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Vì vậy, xét cho cùng, văn hóa hôn nhân có cha mẹ tham gia vào không phải là điều tồi tệ.