BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Rắc rối của ông Macron: Bắc Kinh, Moscow kích động bạo loạn ở Thái Bình Dương?
Rex Widerstrom
Azerbaijan là một quốc gia tọa lạc trên đường ranh giới giữa Đông Âu và Tây Á. Quốc gia này có hiềm khích trường kỳ với Pháp, nhưng không nắm giữ lợi ích về lịch sử hay chiến lược nào ở khu vực Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn bị cáo buộc đổ thêm dầu vào lửa cho các phong trào độc lập tại các vùng lãnh thổ của Pháp trong khu vực.
Liệu rằng đây chỉ là tâm lý bài xích Pháp, hay đúng là có ai đó đang mượn gió bẻ măng?
Một cuộc nổi dậy nổ ra ở New Caledonia gần đây đã để lại phía sau một loạt hậu quả: xe hơi, nhà cửa bị đốt cháy, đường phố bị phong tỏa khắp thủ đô Nouméa của New Caledonia, cùng sáu người tử vong cho đến nay. Ý kiến cho rằng nguyên nhân kích khởi cuộc bạo loạn này là điều gì khác – vượt ra ngoài cuộc đấu tranh đòi độc lập khỏi Pháp của những người bản xứ Kanak – nghe như là một thuyết âm mưu nào đó thuộc về những góc khuất của Internet.
Nhưng các quan chức cao cấp của chính phủ Pháp đang đưa ra ý kiến rằng các chiến lược gia ở thủ đô Baku của Azerbaijan là những đạo diễn tài hoa đằng sau các sự kiện xảy ra ở Thái Bình Dương – một nơi cách đó hàng ngàn kilomet – và họ không phải là những người duy nhất đứng sau cuộc bạo loạn này.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã công khai cáo buộc quốc gia Á-Âu này can thiệp vào các vấn đề nội bộ của New Caledonia.
“Đây không phải là sự huyễn tưởng, mà là sự thật,” ông nói với kênh truyền hình France 2.
“Tôi rất tiếc khi một số người ly khai đã đạt được thỏa thuận với Azerbaijan,” ông cho biết.
Dẫu vậy, “ngay cả khi có những nỗ lực can thiệp … Pháp vẫn giữ được chủ quyền trên lãnh thổ của chính mình, ngược lại còn với mức độ nhiều hơn cả trước đây.”
Một quan chức tình báo Pháp ẩn danh nói với trang tin Politico rằng lực lượng an ninh đã “phát hiện ra các hoạt động của Nga và Azerbaijan ở New Caledonia cách đây nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Họ đang thêu dệt lên câu chuyện rằng Pháp là một đế quốc thực dân.”
Nhiều trương mục truyền thông xã hội công khai ủng hộ Azerbaijan trong xung đột giữa Azerbaijan và Armenia đã được phát hiện là đang lan truyền những nội dung sai lệch về phản ứng của cảnh sát Pháp ở New Caledonia, nhằm kích động bất ổn và bạo lực.
Nhiều trương mục tương tự cũng bị cáo buộc thực hiện một chiến dịch tuyên truyền tin giả về năng lực đăng cai Thế vận hội Olympic của Pháp, dự kiến sẽ khai mạc tại Paris vào ngày 26/07.
Tháng 04/2024, Pháp đã triệu hồi đại sứ Pháp tại Azerbaijan – một trong những hành động khiển trách ngoại giao nghiêm trọng nhất – với việc Tổng thống (TT) Macron nói ông hy vọng Baku sẽ giải thích rõ ràng ý định của mình.
Nhưng thay vì làm như vậy, trong cùng tháng, Azerbaijan đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với phe ly khai ở New Caledonia.
Hè năm ngoái, họ đã mời những người đại diện cho các phong trào đòi độc lập ở Martinique, Guiana thuộc Pháp, New Caledonia, và Polynesia thuộc Pháp đến một hội nghị để thảo luận phương án tốt nhất để hùn hạp các nguồn lực của họ.
Mối liên hệ với các phong trào ủng hộ độc lập trên các lãnh thổ của Pháp
Pháp đang phải đối mặt với những lời kêu gọi độc lập ngày càng gay gắt từ nhiều thuộc địa của mình – với New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp, Guiana thuộc Pháp, Martinique, Guadeloupe, và Corsica đã liên kết với nhau để tìm cách chấm dứt trạng thái là thuộc địa của quốc gia này.
Lực lượng đứng sau thống nhất các nhóm nổi dậy khác nhau này là một tổ chức tương đối ít người biết đến gọi là Nhóm Sáng kiến Baku. Baku là thủ đô của Azerbaijan.
Được thành lập vào tháng 07/2023, tổ chức này chủ yếu gồm các thành viên là các vùng lãnh thổ đang đòi độc lập của Pháp, có mục đích trợ giúp các phong trào phản đối tình trạng Pháp thuộc.
Chưa có thông tin cụ thể nào về việc ai là người đứng sau tài trợ cho Nhóm Sáng kiến Baku, cũng như các hội nghị xa hoa của tổ chức này, và mức lương trả cho Giám đốc điều hành Abbas Abbasov.
Ông Abbasov trước đây từng là giám đốc điều hành cao cấp của một công ty dầu mỏ, đồng thời cũng từng đảm nhận chức vụ Đệ nhất Phó Thủ tướng Azerbaijan.
Tuy nhiên, theo cựu Thống đốc vùng lãnh thổ New Caledonia Philippe Gomes, Azerbaijan đang tích cực tài trợ cho tổ chức ủng hộ độc lập “Người Kanak và Mặt trận Giải phóng Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia” (FLNKS) và “đã thành lập Nhóm Baku để tài trợ cho những người theo chủ nghĩa ly khai ở tất cả các khu vực hải ngoại của Pháp.”
“Những chuyến đi Paris gần đây của các nhà hoạt động đòi độc lập là do nhóm Baku này tài trợ. Sự đóng góp của Azerbaijan cho yêu sách đòi độc lập là quá rõ ràng và lộ liễu, và có thể được xem là sự can thiệp của ngoại quốc,” ông Gomes cáo buộc.
Quốc kỳ Azerbaijan trong các cuộc biểu tình ở Nouméa
Và sự thật là, dẫu nhiều người gặp khó khăn trong việc nhận biết quốc kỳ của một quốc gia, nhưng quốc kỳ của Azerbaijan xác thực là đã xuất hiện trong các cuộc biểu tình đòi độc lập của người Kanak.
Nhóm Sáng kiến Baku đã bày tỏ tình đoàn kết với người Kanak, đồng thời chỉ trích những cải cách bầu cử dẫn đến tình trạng bạo loạn gần đây.
Mặc dù trang web của nhóm này trông có vẻ hợp lý và có chừng mực khi khẳng định rằng sự tồn tại của họ chỉ là để “ủng hộ cuộc chiến phản đối chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới,” nhưng họ vẫn dựng lên một trang Facebook với hình ảnh những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Corsica cầm cờ New Caledonia và biểu ngữ “Pháp hãy biến đi.”
Một bài phân tích của đài phát thanh quốc gia Pháp cho thấy 90% số bài đăng của Nhóm Baku trên truyền thông xã hội là có liên quan đến các lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Một ngày sau khi tình trạng bất ổn bắt đầu diễn ra ở Nouméa, tổ chức này đã đăng lên X một bài viết để bày tỏ sự hoan nghênh đối với cuộc nổi dậy và sự hiện diện của quốc kỳ Azerbaijan trong cuộc tuần hành.
Ông Abbasov nói với truyền thông Pháp rằng tổ chức này “không hề có sự chuẩn bị. Các đồng sự làm việc với các tổ chức phi chính phủ của chúng tôi đã được thông báo rằng: ‘Chúng tôi đã giương quốc kỳ của quốc gia quý vị trong các cuộc biểu tình theo ý muốn của riêng chúng tôi.’”
Tuy nhiên, những hình ảnh trên truyền hình Pháp cho thấy những người biểu tình mặc áo thun in khẩu hiệu chống thực dân và logo của Nhóm Sáng kiến Baku.
Trang này cũng đăng lại một bài viết của thành viên Hội Martinique và Nhóm Sáng kiến Baku Francis Carole, bác bỏ mọi ý kiến về sự can thiệp của ngoại quốc đối với phong trào giải phóng New Caledonia.
Ông Carole viết: “Bàn tay và ‘sự can thiệp’ của người nước ngoài luôn là một cái cớ mà người ta dễ dàng viện dẫn để che đậy sự tầm thường của chính mình, biện minh cho những quyết định tùy tiện và cố gắng làm mất uy tín của những người dám thách thức trật tự thuộc địa.”
“Thực tế là kể từ năm 1853, khi lãnh thổ của người Kanak bị Pháp chiếm đóng, họ đã nhiều lần nổi dậy mà chẳng cần chờ đợi bất cứ ai, không phải phục tùng chính trị trước bất cứ thế lực ngoại quốc hay nhà hảo tâm không đáng tin cậy nào không biết từ đâu xuất hiện.”
“Trách nhiệm của một phong trào giải phóng là tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết của quốc tế, miễn là phong trào đó vẫn là bên kiểm soát tuyệt đối cuộc đấu tranh của chính họ.”
The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào trước thời điểm phát hành bài viết này.
Azerbaijan phủ nhận bất kỳ liên quan
Về phần mình, Azerbaijan phủ nhận bất kỳ liên quan đến những rắc rối ở New Caledonia.
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ này,” ông Ayhan Hajizadeh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Azerbaijan, cho biết. “Chúng tôi bác bỏ mọi liên hệ giữa Azerbaijan và các nhà lãnh đạo cuộc chiến đòi tự do ở Caledonia.”
Tuy nhiên, một người có thẩm quyền không kém là ông Roch Wamytan – chủ tịch trong FLNKS của nhóm Quốc hội New Caledonia – đã bác bỏ điều đó. Ông nói với Radio France: “Trong bài diễn văn bảo vệ luật pháp quốc tế của mình, Azerbaijan [đã nói họ] là một đòn bẩy để xây dựng một mạng lưới quốc tế cho chúng tôi. Chúng tôi buộc phải nhờ đến các quốc gia ngoại quốc để kêu gọi giúp đỡ.”
Các nhà phân tích cho rằng động cơ của Azerbaijan chỉ đơn giản là để nêu bật điều mà họ xem là tính đạo đức giả của Pháp: Sao Pháp có thể cáo buộc Azerbaijan chiếm đóng vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh (có liên kết với Armenia) trong khi nước này chiếm đóng New Caledonia?
Nhưng trong khi Bắc Kinh và Moscow được biết đến là có tham vọng vươn ra ngoài lãnh thổ của mình và chủ động thực hiện các nỗ lực gây bất ổn cho phương Tây, thì tham vọng tương tự của quốc gia Hồi Giáo độc tài này lại không được thế giới biết đến.
Đất nước này sẽ không đạt được bất kỳ lợi thế chiến lược nào khi giành một chỗ đứng ở Thái Bình Dương. Đó là vì Baku cách Nouméa 13,792 km (8,570 dặm) và không có mối liên hệ lịch sử hoặc thuộc địa nào với Nouméa.
Những ảnh hưởng nào khác có thể đang tác động đến cuộc bạo loạn?
New Caledonia có tầm quan trọng đáng kể về kinh tế và chiến lược.
Đây là nơi sản xuất nickel lớn thứ ba thế giới, một loại khoáng sản quan trọng đối với mọi hoạt động từ sản xuất thép không gỉ đến pin sạc cho xe điện, và các mục đích sử dụng khác.
Khoảng một phần tư trong dân số 275,000 người của hòn đảo này làm việc trong ngành công nghiệp nickel.
Vị trí ở Thái Bình Dương, cách Úc 1,210 km (750 dặm) về phía đông và cách New Zealand 1,402 km (871 dặm) về phía bắc của New Caledonia cũng khiến đảo này có giá trị chiến lược. So với Tonga, Samoa, và Fiji thì New Caledonia thực sự nằm gần Úc và New Zealand hơn.
Cả Bắc Kinh lẫn Moscow đều sẽ có những lợi thế rõ rệt khi đất nước này được điều hành bởi một chính quyền địa phương – một chính quyền có thể sẽ phải dựa vào một thế lực ngoại quốc để duy trì hoạt động.
Mặc dù lãnh thổ này được cho là có thể tự cung tự cấp, nhưng Paris thường xuyên can thiệp bằng các khoản vay lớn để thúc đẩy nền kinh tế nơi đây. Gần đây nhất, Pháp đã cung cấp khoản cứu trợ 320 triệu euro cho ngành công nghiệp nickel của New Caledonia.
Pháp có một căn cứ quân sự trên đảo này, nơi đã tổ chức hội nghị các bộ trưởng quốc phòng Nam Thái Bình Dương hồi tháng Mười Hai năm ngoái, với sự góp mặt của Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu.
Nếu Pháp rút lui, thì một chính phủ mới của người Kanak có thể sẽ phải chịu nhượng bộ để một quốc gia khác can thiệp.
Chắc chắn là Bắc Kinh, quốc gia đang nhanh chóng mở rộng sản xuất xe điện, muốn được ưu tiên tiếp cận nguồn dự trữ nickel của New Caledonia và một vị trí ngoài khơi bờ biển của hai quốc gia phương Tây – mà sự tham gia vào AUKUS của hai nước này (New Zealand có lẽ sẽ tham gia trong tương lai) đang khiến Trung Cộng hết sức lo ngại.
Trong khi các khu vực của Nouméa chìm trong khói lửa, Úc và New Zealand vội vã di tản công dân của họ, thì Azerbaijan và Trung Cộng đã cam kết “nâng mối quan hệ song phương lên tầm cao mới” trong bối cảnh Baku đặt hy vọng vào làn sóng đầu tư của Trung Quốc qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Nhóm Hiệp hội Hữu nghị Trung Quốc–Caledonia được Trung Cộng tài trợ, hơn nữa TT Azerbaijan Ilham Aliyev còn có mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình.
Hồi tháng Hai, ông Tập đã gửi cho ông Aliyev một tin nhắn để chúc mừng ông tái đắc cử, bày tỏ “sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị”.
Tuy nhiên, điều này cũng gợi ý lý do tại sao các nhà chức trách New Caledonia lại cấm ứng dụng âm nhạc TikTok của Trung Quốc trong các cuộc bạo loạn.
Trong khi động cơ của Bắc Kinh khá rõ ràng thì động cơ của Moscow lại khó nhận biết hơn.
Ông Vladimir Putin – người mà ông Aliyev cũng có mối quan hệ cá nhân nồng ấm – cũng có tranh chấp với Pháp, nhưng là về Phi Châu, nơi cả hai cường quốc Âu Châu này đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại Phi Châu, Moscow rõ ràng đang giành được ảnh hưởng lớn hơn khi các quốc gia lần lượt cắt đứt quan hệ với Pháp.
Ngược lại, TT Macron là một trong những người chỉ trích thẳng thắn nhất việc Nga xâm lược Ukraine. Trong những tuần gần đây, vị nguyên thủ Pháp này nói rằng Pháp sẽ ủng hộ Kyiv một cách “không giới hạn” và kêu gọi các nước khác đừng “hèn nhát”.
Phi Châu có nhiều tài nguyên thiên nhiên, sở hữu 54 phiếu bầu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và có vị trí địa lý tương đối gần với Âu Châu, nên lục địa này sẽ là một đồng minh có giá trị cho Nga và giúp Nga có một vị trí chiến lược để gần như bao vây Tây Âu.
Điện Kremlin đã vận động hành lang mạnh mẽ đối với Phi Châu, qua cả các kênh ngoại giao lẫn thông tin sai lệch do “các đội quân gây ảnh hưởng trên mạng” phát tán – đặc biệt là ở vùng Sahel kéo dài qua miền bắc Senegal, miền nam Mauritania, Mali, Burkina Faso, miền nam Niger, đông bắc Nigeria, miền trung nam Chad, và Sudan.
Trong khi Nga thuyết phục người dân địa phương bằng tuyên truyền – bao gồm cả thông qua kênh truyền hình RT thuộc sở hữu của nhà nước Nga – thì các bản tin đang chỉ ra rằng số vụ ngược đãi mà các lực lượng bản xứ và quân đồng minh Nga gây ra đang tăng cao hơn bao giờ hết, gồm cả những vụ hành quyết, bắt cóc thường dân, cướp bóc, và tra tấn.
Một trang tin tức của Azerbaijan đưa tin rằng Nhóm Sáng kiến Baku đã được thành lập tại một hội nghị nhằm “thảo luận về các biện pháp để loại bỏ chính sách thuộc địa hiện tại của Pháp trên lục địa Phi Châu,” mặc dù nhóm không đề cập đến Phi Châu trong bất kỳ thông tin liên lạc nào của mình.
Tuy rằng Moscow bị hấp dẫn bởi tài nguyên khoáng sản của New Caledonia, nhưng trong mắt Bắc Kinh thì vùng lãnh thổ này sẽ không phải là một viên ngọc về địa chính trị, dẫu rằng việc Pháp rút khỏi Thái Bình Dương chắc chắn sẽ khiến chiến lược gây bất ổn toàn cầu của Trung Quốc chống lại phương Tây tiến triển hơn.
Có thể chiến lược nhằm khuyến khích sự can thiệp do Azerbaijan hậu thuẫn của ông Putin chỉ đơn giản là để tách Pháp ra khỏi việc chống lại Nga ở Phi Châu vì Pháp đang bận rộn giải quyết các vấn đề trên lãnh thổ của mình – những rắc rối mà Nhóm Sáng kiến Baku có thể đang dự tính làm lan sang các khu vực khác mà Pháp có ảnh hưởng.
Có vẻ như việc Pháp mất đi ảnh hưởng sẽ không phải là hoàn toàn không được hoan nghênh, ít nhất là ở New Caledonia.
Những người biểu tình ở đó đã vẫy một biểu ngữ chào mừng ông Putin và một biểu ngữ khác thậm chí còn nói rõ ràng hơn: “Tổng thống Putin, hãy giải phóng các vùng thuộc địa chúng tôi.”