BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Tình trạng bất ổn ở Tây Á leo thang sau khi Iran và Pakistan tấn công nhau
Venus Upadhayaya
Hôm 16/01, phi đạn (missile) của Iran đã tấn công các căn cứ khủng bố của nhóm phiến quân Jaish al-Adl ở Pakistan. Sáng sớm hôm 18/01, Pakistan trả đũa bằng cách tấn công vào lãnh thổ Iran, làm dấy lên những lo ngại rằng một cuộc xung đột lớn sẽ nổ ra ở Tây Á.
Các chuyên gia gọi những cuộc tấn công này là thông điệp địa chính trị từ phía Iran, đang đe dọa làm suy yếu hơn nữa an ninh khu vực trong bối cảnh xung đột Israel–Hamas.
Ông Abhijit Iyer-Mitra, một viện sĩ cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột có trụ sở tại New Delhi, cho biết: “Iran đang đưa ra một thông điệp – rằng nếu Israel tấn công thì họ có thể gây ra nhiều bất ổn trong khu vực.”
Tuy nhiên, ông Iyer-Mitra gọi đó là một “thông điệp gieo rắc nỗi sợ hãi” và “không mạch lạc,” và đặt vấn đề thông điệp này đang hướng tới ai. Iran cũng tấn công nơi mà họ gọi là căn cứ gián điệp của Israel gần lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Erbil ở miền bắc Iraq, cũng như “các nhóm khủng bố chống Iran ở Syria” hôm 15/01. Theo các bản tin truyền thông, hành động này xảy ra sau vụ tấn công vào lãnh thổ Pakistan khiến hai trẻ em thiệt mạng và ba người khác bị thương.
“Vì vậy, đây mới chỉ là thông điệp mở đầu. Tôi nghĩ điều đó rất dễ thực hiện theo một nghĩa nào đó vì họ không muốn sử dụng Hezbollah để tấn công trực tiếp vào Israel,” ông Iyer-Mitra nói. Trả đũa các nước láng giềng thì dễ dàng hơn; họ biết rằng họ có thể điều khiển sự leo thang mà không cần sử dụng Hezbollah để tấn công Israel; họ biết rõ rằng hành động trả đũa của Israel là điều không thể kiểm soát được.”
Ông Hamid Behrami – một chuyên gia Trung Đông gốc Iran ở Scotland – nói với The Epoch Times rằng các cuộc tấn công gần đây của Iran nhắm vào Erbil, Syria, và Pakistan có liên quan đến nhận thức hiện tại của Iran về mối đe dọa cho an ninh quốc gia của họ và do đó trong bối cảnh này hành động của họ có tác dụng răn đe.
Ông Behrami nói, “Iran gần như im lặng trong ba tháng [diễn ra chiến sự ở Gaza]. Vụ tấn công Kerman đã thúc đẩy Tehran phải hành động để cân bằng khả năng răn đe. Tuy nhiên, các hoạt động của Jaish-al Adl ở Iran và phản ứng của IRGC [Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo] có một lịch sử lâu dài và không thể liên quan đến cuộc xung đột giữa Hamas và Israel. Các sự kiện đe dọa và răn đe đã thúc đẩy Iran thực hiện cả ba cuộc tấn công cùng lúc.”
Thành phố Kerman ở phía đông nam Iran đã rung chuyển với các vụ đánh bom tự sát hôm 03/01, khiến 100 người thiệt mạng và 284 người bị thương. Tehran tuyên bố sẽ trả thù vụ tấn công mà Nhà nước Hồi Giáo này đã nhận trách nhiệm.
Ai đang trả đũa ai?
Pakistan và Iran có lịch sử kéo dài hàng thập niên về chuyện mất lòng tin ở biên giới và tiến hành các cuộc tấn công lẫn nhau. Bất chấp tình hình địa chính trị khu vực phức tạp liên quan đến cuộc xung đột Israel–Hamas, các chuyên gia tin rằng các cuộc tấn công qua lại gần đây là khác thường trong mối bang giao Pakistan–Iran.
Ông Kiyya Baloch – một ký giả tự do theo dõi tình trạng bạo lực ở tỉnh Balochistan của Pakistan – đã nói chuyện với một gia đình Pakistan từng chứng kiến vụ tấn công của Iran. Hôm 17/01, ông viết trong một tin nhắn trên X rằng Iran đã thực hiện hai cuộc tấn công – chứ không chỉ có một cuộc tấn công như các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi. Theo nguồn tin của ông, có 12 người bị thương trong đó có hai trường hợp tử vong được đưa tin rộng rãi.
“Nhiều người đang thắc mắc cuộc tấn công ngày hôm qua ở Pakistan có phải là một phản ứng đáp trả các vụ oanh tạc khủng khiếp hồi tháng trước ở Iran hay không. Rõ ràng là không!” ông Baloch nói.
Ông nói: “Đây có thể là một đòn trả đũa cho 11 nhân viên an ninh Iran thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một đồn cảnh sát ở Sistan-Baluchestan hôm 14/12.” Iran đã điều khiển và chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Pakistan, và biện minh cho các cuộc tấn công này bằng cách nói rằng họ chỉ đang muốn nhắm vào những kẻ khủng bố Iran trên đất Pakistan, chứ không phải những kẻ khủng bố người Pakistan.
Ông Baloch kể lại rằng quân đội Iran đã bắn phi đạn đầu tiên vào một mục tiêu ở Kolaho, một ngôi làng hẻo lánh nằm trong vùng Turbat của Pakistan, hồi tháng 11/2013. Các mục tiêu hôm 16/01 vừa rồi nằm trong địa phận của Panjgur – một quận từng chứng kiến các cuộc tấn công tương tự trước đó của Iran.
Vị ký giả sống tại Na Uy này xác định rằng Iran đã nhắm mục tiêu vào nơi trú ẩn của các thành viên nhóm Jaish al-Adl, sử dụng thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến tự sát và phi đạn. Jaish al-Adl – Đội quân Công lý – là một nhóm phiến quân Hồi Giáo dòng Sunni chống Iran đang tìm kiếm độc lập khỏi Sistan ở phía đông Iran, và các tỉnh Balochistan phía tây nam Pakistan. Nhóm này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2012; các thành viên của họ đến từ cộng đồng dân tộc Baloch ở cả hai bên biên giới và từ lâu đã là nguyên nhân gây nghi ngờ giữa hai quốc gia lân bang này.
Trong một buổi phỏng vấn độc quyền, ông Baloch nói với The Epoch Times rằng Iran từ lâu đã cáo buộc Pakistan cung cấp nơi trú ẩn cho các nhóm chống Iran và đã nhiều lần vi phạm không phận của Pakistan.
“Pakistan vẫn luôn thể hiện sự kiềm chế. Tuy nhiên, lần này động lực đó đã thay đổi, vì Iran hiện đang bước vào một cuộc xung đột với Israel ở Palestine, thu hút sự chú ý đáng kể của cộng đồng quốc tế. Khi Iran tấn công Pakistan lần này, sự việc đã được đưa tin đáng kể trong giới báo chí Tây phương – ngoài ra, áp lực nội bộ từ chính người dân của họ đã đè nặng lên quân đội Pakistan,” ông Baloch cho biết, và nói thêm rằng việc các phương tiện truyền thông Tây phương đưa tin và áp lực nội bộ là nguyên nhân đằng sau hành động trả đũa của Pakistan.
Chuyển hướng sự chú ý
Tuy nhiên, một chuyên gia cảnh báo không nên thổi phồng cuộc xung đột Iran–Pakistan, viện dẫn sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, và chiến lược lớn hơn giữa hai nước lân bang này. Do đó, ông không thấy trước những thiệt hại về lâu dài trong mối bang giao song phương giữa hai nước.
Ông NishaKant Ojha – một cố vấn chống khủng bố cho các chính phủ Iraq, Yemen, Syria, Libya, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – nói với The Epoch Times rằng tình hình này là một biện pháp khắc phục chung cho Pakistan và Iran, đồng thời giúp hai quốc gia lân bang này xây dựng hình ảnh chống khủng bố trên toàn cầu. Cách giải quyết này cũng giúp họ chuyển hướng sự chú ý của toàn thế giới khỏi cuộc xung đột Israel–Hamas.
Ông Ojha nói, “Iran và Pakistan đang tiến tới bình thường hóa bang giao, thể hiện ở việc tăng cường hợp tác kinh tế. Phản ứng của Pakistan trước cuộc tấn công của Iran, liên quan đến các cuộc tấn công quân sự chính xác vào tỉnh Siestan-o-Baluchistan, có vẻ giống như một hành động được tính toán kỹ càng hơn là một cuộc tấn công nghiêm trọng.”
Pakistan và Iran có chung đường biên giới dài hơn 565 dặm (khoảng 909 km) ngăn cách tỉnh Balochistan của Islamabad với tỉnh Siestan-o-Baluchistan ở miền nam Iran. Năm ngoái, hai nước lân bang này đã lập một kế hoạch hợp tác thương mại kéo dài 5 năm trị giá 5 tỷ USD.
Ông Ojha cho biết liên kết nội bộ giữa Iran và Pakistan hiện đang tiến triển với tốc độ bình thường, cho thấy sự việc gần đây có thể không ảnh hưởng lớn đến họ về mặt chiến lược hoặc chính trị.
Ông Baloch nói rằng Pakistan đã trả đũa, thừa nhận rằng hành động trả đũa có thể thu hút sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là từ phương Tây, đối với cuộc chiến chống khủng bố của nước này.
Ông Baloch nói: “Phản ứng này cũng nhằm mục đích xây dựng lại hình ảnh của quân đội Pakistan, vốn đang phải đối mặt với sự chỉ trích của công chúng vì can thiệp chính trị.”
Các khoản đầu tư của Trung Quốc
Tình cờ là Trung Quốc đã để lại một dấu vết rất lớn ở cả hai bên biên giới Pakistan–Iran đầy biến động này. Do đó, các chuyên gia dự đoán Trung Quốc có tham gia vào tình hình địa chính trị ở cả hai bên biên giới.
Phát ngôn viên Trung Quốc Mao Ninh kêu gọi cả Iran và Pakistan kiềm chế sau cuộc tấn công hôm 16/01. Bà Mao nói: “Chúng tôi kêu gọi hai bên tránh những hành động làm leo thang căng thẳng, đồng thời cùng nhau bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực.”
Balochistan là tỉnh lớn nhất trong bốn tỉnh của Pakistan. Đây là khu vực nhận được các khoản đầu tư đồ sộ của Trung Quốc, các kỹ sư của nước này cũng đang trở thành mục tiêu của quân nổi dậy Baloch cư trú ở cả hai bên biên giới. Mặt khác, Siestan-o-Baluchistan là tỉnh lớn nhất của Iran. Nằm ở vị trí chiến lược, tỉnh này có chung đường biên giới trên biển với biển Oman và có chung biên giới trên đất liền với Pakistan và Afghanistan.
Iran đã ký vài thỏa thuận với Bắc Kinh trong chuyến thăm Tehran năm 2016 của ông Tập Cận Bình. Những thỏa thuận này bao gồm việc phát triển một thị trấn công nghiệp tại một cảng ở Siestan-o-Baluchistan. Vì vậy, ông Baloch cho biết bất kỳ hình thức leo thang hoặc mất an ninh nào trong khu vực, nơi Trung Quốc đã đầu tư một lượng tiền đáng kể, đều không có lợi cho nước này.”
Ông cho hay, “Trung Quốc đang ngày càng bất an về tình hình an ninh ở Pakistan, và họ bày tỏ lo ngại về những căng thẳng của Pakistan với nước lân bang phía nam, Afghanistan. Để bảo vệ dự án quan trọng nhất của họ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Hành lang Kinh tế Trung Quốc–Pakistan, Trung Quốc có thể sẽ can thiệp để xoa dịu căng thẳng.”
Về mặt nhóm dân số, Iran là quốc gia có đa số người Shia, trong khi Pakistan có đa số dân là người Sunni. Theo ông Baloch, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giáo phái hoặc đức tin, đặc biệt là theo dòng Shia và Sunni, là một mối lo ngại trong những căng thẳng giữa Iran và Pakistan.
Ông tiếp tục cho biết, “Với những lợi ích chiến lược và khả năng gây bất ổn tiềm tàng, Trung Quốc sẽ tích cực hành động để ngăn chặn một tình huống như vậy. Duy trì sự ổn định trong khu vực phù hợp với các mục tiêu rộng lớn hơn của Trung Quốc, và nước này sẽ ra sức để bảo đảm an toàn cho các khoản đầu tư và dự án của họ trong khu vực.”
Tuy nhiên, ông Iyer-Mitra cảnh báo rằng người Trung Quốc bị thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, và trong bất kỳ tình huống địa chính trị nào họ cũng sẽ chỉ chăm chăm vào việc tự bảo vệ mình.
Ông cho hay, “Người Trung Quốc đầu tư mạnh vào mọi thứ – hòa bình lẫn chiến tranh. Nếu khoản đầu tư thời bình của họ bị thua lỗ, thì họ sẽ bán vũ khí cho mọi người và kiếm lợi bất chính từ đó.”