Nhà thơ Walt Whitman từng viết: “Tôi nghe thấy Hoa Kỳ đang hát.”

Khi đất nước phong tỏa do đại dịch, bạo loạn xảy ra ở một số thành phố lớn trong mùa hè này, và cuộc bầu cử tranh chấp gay gắt đến độ có thể biến vị của giấm thành ngọt, thì trong những ngày này, Hoa Kỳ không cất lên nổi tiếng ca. Tâm trạng chung ở đất nước chúng ta là xót xa, tức giận và đờ đẫn như một người nôn nao trong đám tang. Tôi nghi ngờ rằng hầu hết mọi người có lẽ đều nghe nhạc, nhưng không giống như Whitman, tôi không nghe thấy người dân Hoa Kỳ đang hát.

Điều này thật tệ.

Trong quá khứ, và thậm chí là gần đây, người dân Hoa Kỳ đã tôn vinh bản thân và lịch sử của mình trong những lời ca. Âm nhạc đóng vai trò như một người kết nối, đem lại sự gắn kết cho những con người khác nhau. Nó bảo hộ lối sống của người dân Hoa Kỳ, tôn vinh những người lao động Hoa Kỳ, mang lại quyết tâm và sự an ủi trong thời kỳ chiến tranh, và thậm chí phản ánh một phần của lịch sử trong suốt chặng đường.

Bạn có còn nghe thấy những bài hát tôn vinh Hoa Kỳ?
Một bài hát mà mọi đứa trẻ đi học đều từng biết. “Oh! Susanna” năm 1848, của Stephen Foster. (Ảnh Phạm vi công cộng)

Nhân tố gắn kết cộng đồng

Khi học tiểu học, giáo viên dạy chúng tôi những bài hát dân ca của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã học những tác phẩm kinh điển như “Oh! Susanna”, “I’ve Been Working on the Railroad” (Tôi đã làm việc trên tuyến đường sắt) và “The Yellow Rose of Texas” (Bông hồng vàng của Texas).

Âm nhạc yêu nước cũng chiếm một vị trí trong lớp học của chúng tôi. Trong vô số các bài hát khác, chúng tôi đã hát Quốc ca “The Star-Spangled Banner” (Lá cờ lấp lánh ánh sao), “The Marines’ Hymn” (Hành khúc Thủy quân lục chiến) và “America the Beautiful” (Hoa Kỳ tươi đẹp). Chúng tôi cũng đã học bài quốc ca của tiểu bang North Carolina “The Old North State” với lời bài hát sôi động “Hurray! Hurray! Tiểu bang Old North mãi mãi! Hurray! Hurray! Tiểu bang Old North tốt lành!” Ngày nay, tôi tự hỏi liệu học sinh có biết rằng có một bài ca như vậy tồn tại hay không.

Tất cả những bài hát này đã tạo nên một sự gắn kết giữa chúng tôi và làm sống lại quá khứ của mỗi người.

Những bài hát về những người đã xây dựng đất nước 

Những bài hát chúng tôi học được từ các giáo viên và từ các đĩa hát ở nhà thường bao gồm lời bài hát về những người dân Hoa Kỳ trong quá khứ đã giúp tạo dựng đất nước. “Sweet Betsy From Pike” kể câu chuyện về một cặp vợ chồng tiên phong đi về hướng Tây, “John Henry” là người đàn ông lái xe thép đã qua đời với chiếc búa trên tay, và “Low Bridge, Everybody Down” kể về một người đàn ông mang tên Sal đã kéo thuyền trên Kênh Erie tại New York.

Bạn có còn nghe thấy những bài hát tôn vinh Hoa Kỳ?
Tượng John Henry bên ngoài thị trấn Talcott ở Hạt Summers, Tây Virginia. (Ảnh Phạm vi công cộng)

Năm 1961, “Big Bad John” của Jimmy Dean, viết cùng với Roy Acuff, đã chiếm ngôi quán quân trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Tôi yêu bản ballad về một người thợ mỏ này, “người cao 2 mét và nặng 111kg”, một người lạ có quá khứ bí ẩn đã cứu những người đồng nghiệp bằng cách giữ “cột chống bằng gỗ” khi phần mái của mỏ bắt đầu sập. “Big John, Big Bad John” đã gây ấn tượng với tôi khi tôi còn là một đứa trẻ đến nỗi tôi vẫn có thể hát lời bài hát ngày hôm nay.

Gần đây hơn, bản hit “Piano Man” của Billy Joel đã mô tả những người đàn ông bị lãng quên trong quán bar – một nhân viên môi giới bất động sản ôm mộng làm tiểu thuyết gia, một thủy thủ, người pha rượu với ước mơ trở thành ngôi sao điện ảnh. Bài hát nói lên những thất vọng và những khát vọng.

Những bài ca thời chiến

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với “Yankee Doodle”, ban đầu được sáng tác trong Chiến tranh Pháp và Ấn Độ để chế nhạo những người thuộc địa, nhưng thời kỳ Cách mạng cũng tạo ra những bài hát khó quên như “Chester” và “War and Washington” (Chiến tranh và Washington). Chiến tranh năm 1812 đã mang lại cho chúng ta bài quốc ca của đất nước, một số binh lính và dân thường trong Chiến tranh Mexico–Hoa Kỳ đã lấy những giai điệu phổ biến thời đó và thêm lời ca mới về những trận chiến như trận Monterey.

Nhưng chính cuộc Nội chiến đã đem lại nhiều bài hát nhất, với điệu nhạc vẫn còn quen thuộc với nhiều người trong chúng ta ngày nay. “John Brown’s Body” (Cơ thể của John Brown), “The Battle Cry of Freedom” (Tiếng khóc của tự do), “Dixie”, “The Bonnie Blue Flag” (Lá cờ xanh Bonnie): Các ban nhạc quân đội đã chơi những giai điệu này cùng nhiều giai điệu sôi động khác, và những người lính đã thể hiện lời bài hát.

Với việc phát minh ra radio và chúng sớm được sử dụng rộng rãi, những người lính bắt đầu nghe nhạc nhiều hơn và ít hát hơn, ít nhất là khi họ ở cùng nhau. Họ vẫn chia sẻ những bài hát chung, chẳng hạn như “Boogie Woogie Bugle Boy” (Cậu bé thổi kèn Boogie Woogie) của Thế chiến II và “Run Through the Jungle” (Chạy qua khu rừng) thời chiến tranh Việt Nam, nhưng sự gắn bó bền chặt hơn trong việc cùng nhau ca hát, đặc biệt là những bài hát yêu nước, phần lớn đã biến mất.

Lời nguyện cầu cho Hoa Kỳ

Được viết ban đầu vào năm 1918 bởi Irving Berlin, “God Bless America” (Chúa phù hộ Hoa Kỳ) ​​đã trở thành một hiện tượng lớn khi được Kate Smith hát vào năm 1938. Berlin đã thay đổi một vài chỗ trong bài hát trong khoảng thời gian 20 năm đó, đem đến cho chúng ta phiên bản hiện nay mà nhiều người trong chúng ta đã biết. Đây là đoạn đầu tiên:

Chúa phù hộ cho Hoa Kỳ, vùng đất mà tôi yêu

Luôn bên cạnh và dẫn dắt đất nước

Vượt qua màn đêm với ánh sáng từ trên cao

Từ những ngọn núi đến thảo nguyên

Đến những đại dương nổi bọt trắng xóa

Chúa phù hộ Hoa Kỳ, ngôi nhà thân yêu của tôi

Chúng ta có còn coi Hoa Kỳ là “vùng đất mà tôi yêu” không? Chúng ta có cầu xin Chúa ban phước cho đất nước này không? Chúng ta có còn coi vùng đất xinh đẹp này là “ngôi nhà thân yêu” không?

Ai trong chúng ta trả lời “có” cho những câu hỏi này nên biến bài hát này thành bài ca hy vọng của chúng ta trong thời kỳ đen tối này.

Bạn có còn nghe thấy những bài hát tôn vinh Hoa Kỳ?
Kate Smith, vào khoảng năm 1938, năm mà “God Bless America” ​​trở thành bài hát thương hiệu của cô. (Ảnh Hulton Archive / Getty Images)

Ánh sáng trong bóng tối

Trong bài báo trực tuyến “Phong trào bất tuân dân sự, kiểu tại gia” của mình, Biên tập viên kiêm nhà văn Annie Holmquist kể lại rằng gia đình cô ấy gần đây đang quây quần bên cây đàn piano và hát một số bài hát được đề cập ở trên. Cô ấy đã ghi lại những tác động tích cực của việc giải trí như vậy, từ những lợi ích về tinh thần và thể chất của việc ca hát, đến niềm hy vọng và niềm tự hào yêu nước được truyền tải bởi một số tác phẩm kinh điển của Hoa Kỳ.

Gần cuối bài, Holmquist viết: “Bằng cách hát những bài hát này, chúng tôi thấm nhuần sự thật chứa đựng trong những lời ca vào trái tim mình. Một lần nữa chúng tôi học cách giữ niềm tin vào Chúa, tập hợp và xây dựng cộng đồng trong chính gia đình mình, và tận hưởng những phước lành khi sống trong một đất nước có lịch sử và di sản tuyệt vời.”

Hãy hát lên, Hoa Kỳ!

Tác giả: Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt. Trong 20 năm, ông đã giảng dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C., Ngày nay, ông sống và viết lách tại Front Royal, Va.

Jeff Minick
Ngân Hà biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn