Bank of America: Các nhà đầu tư bi quan và lo sợ kinh tế rớt mạnh
Tom Ozimek
Một cuộc khảo sát do Bank of America thực hiện qua theo dõi sát sao các nhà quản lý quỹ toàn cầu, cho thấy giới đầu tư đã lại có xu hướng suy đoán thị trường giảm giá lần nữa, nhiều người rút tiền mặt hơn, và ngày càng có nhiều người tin rằng nền kinh tế có thể “hạ cánh gay go” (hard landing).
Cuộc khảo sát hồi tháng Mười của BofA với 225 nhà quản lý quỹ đầu tư hiện đang nắm giữ 664 tỷ USD hôm 17/10 cho thấy giới đầu tư đã xuống tinh thần trong tháng Mười.
“Tâm lý vẫn đi xuống,” các nhà phân tích viết trong báo cáo, lưu ý rằng thước đo tâm lý rộng nhất của BofA – dựa trên vị thế tiền mặt, phân bổ vốn cổ phần, và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế – đã giảm xuống 1.7 trong tháng Mười từ mức 2.2 trong tháng Chín.
Các nhà đầu tư đã chuyển sang tiền mặt, tăng đến mức 5.3% – là tỷ lệ giữ tiền mặt cao nhất so với mức 4.9%, kể từ tháng Bảy.
Mặc dù tình huống kinh tế hạ cánh êm ả (soft landing) vẫn là cơ sở, nhưng tiên đoán của các nhà đầu tư về cuộc hạ cánh gập ghềnh đã tăng thêm 9% – lên mức 30% trong tháng Mười, từ mức 21% trong tháng Chín.
Cuộc khảo sát diễn ra sau một số báo cáo cho thấy sức mua của người tiêu dùng dường như đang suy giảm, trong khi Tổng Giám đốc JPMorgan Jamie Dimon gần đây đã cảnh báo rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm cả cuộc chiến Israel–Hamas, đã mở ra “thời kỳ nguy hiểm nhất” trong nhiều thập niên.
‘Tình huống lạc quan nhất’: Suy thoái cộng với việc cắt giảm lãi suất
Trước đó, chiến lược gia Michael Hartnett của BofA cho biết trong một ghi chú được Bloomberg trích dẫn rằng “tình huống lạc quan nhất” là suy thoái kinh tế cùng với Hệ thống Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất. Đây sẽ là tín hiệu để các nhà đầu tư “bán tiền mặt” và “kích hoạt các khoản đầu tư mới,” và “kích hoạt thị trường giá lên (bullish),” thúc đẩy một cuộc phục hồi thị trường chứng khoán rộng hơn.
Trong khi đó, theo dữ liệu trước đó do Bộ Thương mại công bố hôm 17/10, doanh số bán lẻ đã tăng 0.7% so với tháng trước trong tháng Chín, gần gấp đôi ước tính đồng thuận.
“Tin tốt này thực ra lại là tin xấu; điều đó đáng chú ý,” ông Peter Tuz, chủ tịch của Chase Investment Counsel ở Charlottesville, Virginia, nói với Reuters. “Số liệu bán lẻ vững chắc và có thể có tác dụng giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.”
Ông nói thêm: “Đó có lẽ là yếu tố lớn nhất tạo nên sự thay đổi của thị trường chứng khoán ngày nay.”
Doanh số bán lẻ, được điều chỉnh theo mùa nhưng không điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 0.7% trong tháng Chín, và mức tăng của tháng Tám đã được điều chỉnh tăng lên cho thấy mức tăng trưởng 0.8%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã nêu ra rằng, khi điều chỉnh theo lạm phát, doanh số bán lẻ đã giảm 0.7% so với cùng thời kỳ trong tháng Chín, đánh dấu mức giảm thứ 11 liên tiếp so với cùng thời kỳ năm ngoái.
“Đó là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2009,” nhà phân tích thị trường Charlie Bilello cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter.
Nhà kinh tế học Peter Schiff cho biết trong một bài đăng trên X rằng lạm phát chứ không phải tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, đang thúc đẩy doanh số bán lẻ cao hơn “vì người tiêu dùng ngày càng phải trả nhiều tiền hơn để mua được ít hơn.”
Ông viết: “Mức tăng này cũng cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Fed đã thua trong cuộc chiến chống lạm phát.”
Mặc dù một số người xem dữ liệu bán lẻ là bằng chứng cho thấy sự lo ngại về sức tiêu dùng suy yếu là đang bị phóng đại, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã giảm, khi một lượng kỷ lục người Mỹ đang nói rằng giá cả cao đang làm giảm mức sống của họ.
Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng mới nhất của Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng nhìn chung đã giảm 7% trong tháng Mười, sau hai tháng tương đối ít thay đổi.
Ông Joanne Hsu, giám đốc Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho biết: “Đánh giá về tài chính cá nhân đã giảm khoảng 15%, chủ yếu là do lo ngại về lạm phát gia tăng đáng kể, và kỳ vọng về điều kiện kinh doanh trong một năm tới đã giảm khoảng 19%.”
Cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy dự đoán lạm phát trong tương lai đã tăng vào tháng Mười, và người sáng lập “Bear Traps Report” Larry McDonald đã cảnh báo về hậu quả kinh tế từ cuộc chiến Israel–Hamas. [Bear Traps Report là Ấn phẩm Nghiên cứu Đầu tư độc lập hàng tuần tập trung vào rủi ro chính trị và hệ thống toàn cầu, với các ý tưởng thương mại có thể thực hiện được.]
Ông cảnh báo rằng chiến tranh “rất dễ gây ra lạm phát” và dự đoán rằng, do nhiều năm đầu tư vào sản xuất dầu thô không đủ, giá dầu có thể tăng vọt lên tới 250 USD/thùng trong vòng 3 đến 5 năm tới.