Báo cáo: Chính quyền Trung Quốc cho phép và góp phần vào nạn buôn người
DANELLA PÉREZ SCHMIELOZ
Theo Báo cáo Buôn Người mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Trung Quốc đang cho phép và cũng góp phần vào nạn buôn người, nổi bật nhất là vấn đề lao động cưỡng bức, trong đó nạn nhân phần lớn thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số và dân tộc thiểu số.
Báo cáo này nêu rõ: Lao động cưỡng bức ở Trung Quốc phổ biến đến mức được xem là một “chính sách hoặc mô hình của chính phủ” – được quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tất cả các cấp thực thi.
Báo cáo cho biết thêm, các công dân Trung Quốc phải chịu cảnh lao động cưỡng bức trong các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường”) ở ngoại quốc do chế độ này bỏ bê giám sát việc tuyển dụng và các điều kiện lao động.
Bộ Ngoại giao cho biết trong báo cáo, trong khoảng thời gian được báo cáo – từ 04/2021 đến 03/2022 – Trung Quốc để lộ các chỉ dấu về lao động cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn, không hội đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người, đồng thời cũng không ra sức chống lại hoạt động này, khiến nước này bị xếp hạng là một trong những nước có thứ bậc thấp nhất.
Lao động cưỡng bức trong các trung tâm giam giữ
Theo Bộ Ngoại giao, nạn lao động cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn chủ yếu xảy ra dưới chiến dịch “giam giữ hàng loạt và nhồi nhét chính trị” của Trung Cộng nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo hoặc Thổ Nhĩ Kỳ khác trong khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Các nạn nhân gồm có người Tây Tạng, tín đồ Cơ Đốc Giáo, cũng như các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo thiểu số bị đàn áp khác, chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo nói trên tuyên bố, Trung Cộng “nô dịch hóa và bóc lột các cộng đồng thiểu số qua việc ép buộc lao động trong các trại giam giữ, dưới danh nghĩa chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các tệ nạn xã hội khác.”
Báo cáo nói thêm: “Chính quyền nước này tiếp tục mở rộng quy mô của tội phạm buôn người trong và ngoài nước, kể cả bằng cách gây ra tội ác diệt chủng.”
Hồi tháng 12/2021, một tòa án nhân dân độc lập, được gọi là Tòa án Duy Ngô Nhĩ, đã ra phán quyết rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã phạm phải tội diệt chủng đối với nhóm dân tộc Hồi giáo ở Tân Cương – thông qua một loạt các hành vi đàn áp bao gồm giam giữ hàng loạt, chia cắt gia đình, triệt sản, và ép buộc lao động.
Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương.
Theo Bộ Ngoại giao, các trại giam như vậy được “thiết kế để xóa bỏ bản sắc dân tộc và tôn giáo với cái cớ ‘phi cực đoan hóa’.”
Những người bị giam giữ có thể là nạn nhân của lao động cưỡng bức trong các trại tập trung, hay là ở gần hoặc bên ngoài các nhà máy. Các mặt hàng được sản xuất đa dạng từ hàng may mặc đến đồ điện tử tiêu dùng, khẩu trang, linh kiện xe hơi, và đồ trang trí cho ngày lễ, cùng nhiều mặt hàng khác.
Như đã nêu trong báo cáo, các công ty trong nước được khuyến khích mở nhà máy gần các trại giam thông qua cắt giảm thuế và trợ cấp, cũng như tiếp nhận những người bị giam giữ được chuyển từ các tỉnh khác đến.
Báo cáo viết, chính quyền địa phương cũng được khuyến khích thực hiện lao động cưỡng bức, vì họ được thưởng tiền “cho mỗi tù nhân bị buộc phải làm việc tại các địa điểm này với mức lương tối thiểu hoặc không có bất kỳ khoản thù lao nào.”
Các quan chức địa phương cũng được khích lệ nếu đạt đủ hạn ngạch giam giữ để hệ thống này duy trì hoạt động. Họ đạt được hạn ngạch này bằng cách ra lệnh bắt giữ tùy tiện và kết tội hình sự hoặc những vi phạm hành chính không có thật cho các cá nhân – ví dụ như vi phạm các quy định về sinh nở. Theo Bộ Ngoại giao, dữ liệu này được trích từ các tài liệu chính thức của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Lao động cưỡng bức không giam giữ
Bên cạnh việc bị cưỡng bức lao động trong thời gian giam giữ, các nạn nhân còn bị ép buộc lao động bằng các hình thức đe dọa đến tính mạng. Họ cũng bị chuyển đến các địa điểm sản xuất ở các tỉnh khác trong các chương trình “xóa đói giảm nghèo”.
Báo cáo nêu rõ, “Trung Quốc đã đưa 2.6 triệu thành viên của các cộng đồng thiểu số vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất ở Tân Cương và trên khắp cả nước thông qua các sáng kiến ‘lao động thặng dư’ và ‘chuyển giao lao động’ do nhà nước hậu thuẫn với các chỉ dấu lao động cưỡng bức công khai.
Báo cáo cho biết thêm, “Chính phủ đã vận chuyển ít nhất 80,000 người trong số này đến các tỉnh khác để cưỡng bức lao động dưới chiêu bài xóa đói giảm nghèo và các chương trình viện trợ công nghiệp.”
Nạn buôn người có liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Theo báo cáo, chính quyền Trung Quốc được cho là đã bỏ qua việc giám sát các tuyến tuyển dụng, điều kiện lao động, và hợp đồng của các dự án BRI ở hải ngoại, dẫn đến việc người dân Trung Quốc bị lừa đưa sang ngoại quốc – nơi họ phải chịu đựng lao động cưỡng bức và các hành vi ngược đãi khác.
BRI – một công cụ để Trung Cộng bành trướng ra toàn cầu – tài trợ các khoản vay khổng lồ cho các quốc gia đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cung cấp cho các quốc gia tham gia vào sáng kiến này các khoản vay mà các chuyên gia cho rằng khiến các quốc gia đó có nguy cơ gánh trên vai các mức nợ không kham nổi.
Sau đó các khoản vay này được sử dụng để trả cho các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm phát triển đường xá, cảng, nhà máy điện, hầm mỏ, viễn thông, hoặc các tổ chức ngân hàng. Các dự án phô trương này đã được mô tả là một phần của cái gọi là ngoại giao bẫy nợ – vì các khoản vay thường không thể trả được này sẽ buộc các quốc gia phải hoàn trả cho Trung Quốc bằng hàng hóa hoặc đất đai.
Bộ Ngoại giao cho biết các công dân Trung Quốc làm việc trong các dự án BRI ở ngoại quốc là nạn nhân của lao động cưỡng bức tại các công trường do Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc, hoặc công dân Trung Quốc tài trợ toàn bộ hoặc một phần.
Người Trung Quốc và “công dân nước sở tại làm việc trong một số dự án xây dựng BRI, hoạt động khai thác mỏ, và nhà máy ở các nước Phi Châu, Âu Châu, Trung Đông, Á Châu, Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh, và Caribe gặp phải tình trạng tuyển dụng lừa đảo vào làm nô lệ để trả nợ, cắt giảm hoặc khấu trừ lương tùy tiện, cưỡng bức làm việc ngoài giờ, và chịu các hình phạt.”
Như trường hợp của hai công dân Trung Quốc Lý Vĩ (Li Wei) và Mao Thần (Mao Chen) được tuyển dụng cho một dự án BRI ở vùng nông thôn của Indonesia, được hỗ trợ vé phi cơ, nhà ở, thực phẩm, và tiền lương. Tuy nhiên, theo báo cáo, ngay khi đến nhà máy luyện kim, họ đã bị thu giấy thông hành, và bị cưỡng bức lao động, làm việc 16 giờ một ngày mà không được trả lương. Họ được sắp xếp chỗ ở trong các khu nhà nhỏ, bị các nhân viên bảo vệ có vũ trang giám sát.
Sau đó một nhà thầu phụ tiếp nhận hợp đồng của họ, nhưng điều kiện lao động của họ cũng không khả quan hơn. Anh Lý đã trốn khỏi cơ sở đó, còn anh Mao vẫn đang chịu cảnh lao động cưỡng bức.