Báo cáo mới về sự nguy hiểm của sản phẩm nhựa và vi nhựa
Việc tái chế nhựa đang ‘giống như một kế hoạch quan hệ công chúng của ngành công nghiệp nhựa hơn là một chiến lược quản trị chất thải thực tế’
Tổ chức y tế bất vụ lợi Môi trường và Sức khỏe Con người (EHHI) đã công bố một báo cáo nghiên cứu chỉ ra cách các đồ nhựa và vi nhựa có thể gây nguy hiểm cho cả sức khỏe con người và thế giới tự nhiên.
Được công bố hôm 11/01, báo cáo này nêu bật một số dữ liệu đáng kinh ngạc về việc sử dụng đồ nhựa. Đáng chú ý, lượng nhựa được tạo ra hàng năm nặng khoảng 380 triệu tấn, chẳng ít hơn là bao so với tổng trọng lượng của tất cả mọi người trên hành tinh này.
Vi nhựa, được tạo ra thông qua quá trình phân hủy vật lý của các loại đồ nhựa lớn hơn, có ở khắp nơi trong cơ thể chúng ta và trong môi trường rộng lớn hơn: “Không có rác trên đỉnh Everest, nhưng có vi nhựa,” báo cáo này cho biết.
Ông Gaboury Benoit, nhà hóa học môi trường tại Đại học Yale đồng thời là tác giả chính của báo cáo này, nói với The Epoch Times rằng việc tập trung vào vi nhựa khiến báo cáo này khác biệt so với một báo cáo về nhựa trước đây của EHHI.
“Đã có một sự bùng nổ các nghiên cứu về chủ đề này,” ông nói. “Chúng tôi cũng cố gắng tập trung nhiều nhất có thể vào các khía cạnh về sức khỏe con người của các chất này.”
Cả một chương, “The Health Effects of Microplastics” (Những Tác Động của Vi Nhựa đến Sức Khỏe) mô tả những rủi ro liên quan đến vi nhựa, báo cáo này cho biết có thể gây ra các tác động có hại khác nhau, từ mất cân bằng oxy hóa đến tổn thương ruột và phổi cho đến tổn thương hệ vi sinh vật.
Được xuất bản hôm 11/01, bản phát hành mới của EHHI kết thúc với các khuyến nghị cho cộng đồng quốc tế. Các khuyến nghị này bao gồm việc ủng hộ một hiệp ước quốc tế tiềm năng về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc vào tháng Hai sắp tới. Báo cáo cũng khuyến nghị giải quyết vấn đề rác thải nhựa do Trung Quốc và các nước gây ô nhiễm hàng đầu khác thải ra.
Tài liệu này cũng lưu ý: “Việc quản trị chất thải yếu kém có lẽ là vấn đề lớn nhất, chỉ có năm quốc gia đang chịu trách nhiệm cho 56% rác thải nhựa toàn cầu: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, và Sri Lanka.”
Báo cáo cũng liệt kê các khuyến nghị dành cho chính phủ liên bang, chẳng hạn như ngừng cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất nhựa, và cung cấp những lời khuyên cho các chính quyền tiểu bang, thị trấn, và thành phố, các tập đoàn, người tiêu dùng, và các nhà khoa học.
Ông Benoit khuyên những người mua hàng tạp hóa nên tránh đồ nhựa dùng một lần và tái sử dụng túi nhựa bất cứ khi nào có thể. Ông khuyến nghị mọi người nên để các loại sản phẩm khác nhau vào cùng một túi nhựa thay vì đóng túi riêng lẻ.
Ông và các đồng tác giả của ông cũng chỉ trích việc tái chế nhựa hiện nay, gọi việc đó ‘giống như một kế hoạch quan hệ công chúng của ngành công nghiệp nhựa hơn là một chiến lược quản trị chất thải thực tế.’
Chỉ 10% rác thải nhựa ở Hoa Kỳ được tái chế. Trong số rác tái chế đó, hầu hết đều thuộc loại 1 hoặc loại 2 trong số bảy mã nhận dạng nhựa (RIC).
Ông Benoit nói rằng: “Nếu quý vị nhất thiết phải sử dụng hộp nhựa, thì hãy chỉ sử dụng một hoặc hai cái thôi, nhưng đó vẫn không phải là giải pháp.”
Mặc dù ông Benoit cảm thấy lo ngại về đồ nhựa, nhưng ông không nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm ngừng sử dụng chúng hoàn toàn.
“Đồ nhựa có những đặc tính đáng ao ước mà hầu như không thể thay thế được về một số khía cạnh,” ông cho biết. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giảm đáng kể việc sử dụng nhựa, ngay cả khi chúng ta không có khả năng, hoặc thậm chí có lẽ là hoàn toàn không muốn loại bỏ nhựa.”
Ông Benoit và các đồng tác giả của ông đã nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu với lượng nhựa nhỏ hơn và thời gian tiếp xúc dài hơn. “Sự thay đổi trong cách tiếp cận này sẽ đòi hỏi tăng tài trợ nghiên cứu từ các cơ quan liên bang,” báo cáo nêu rõ.
Ông Benoit nói rằng: “Các nhà khoa học có xu hướng thực hiện các thí nghiệm của họ ở các mức nồng độ cao hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn, thay vì có thể nghiên cứu ở các mức nồng độ thấp hơn, có lẽ là thực tế hơn trong khoảng thời gian rất dài khi mà các tác động có thể xuất hiện.”
Ông cũng lưu ý rằng BPA và các chất phụ gia khác có thể làm cho các sản phẩm nhựa trở nên nguy hiểm ngay cả khi các chất polymer tạo nên các sản phẩm đó “tương đối lành tính”.
Ông Benoit nói với The Epoch Times rằng những lo ngại về đạo đức đã hạn chế phạm vi nghiên cứu về đồ nhựa và vi nhựa liên quan đến con người: “Rất khó để thực hiện việc phân tích trực tiếp các tác động đến sức khỏe con người, và vì vậy chúng tôi đành phải dựa vào mô hình động vật hoặc nuôi cấy tế bào.”
Mặc dù vậy, ông Benoit cho rằng sự hiểu biết của chúng ta về mối đe dọa từ vi nhựa đã đủ để thúc đẩy hành động.
“Tôi nghĩ rằng phần lớn mọi người sẽ không hài lòng với ý tưởng rằng mỗi khi họ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, và toàn bộ thời gian mà họ đang hít thở từ trước đến nay, những hạt vi nhựa này sẽ đi vào trong cơ thể của họ,” ông cho biết. “Có thể đúng là chúng ta chưa biết hết hậu quả của việc đó. Câu hỏi đặt ra là mọi người có muốn chịu rủi ro đó hay không? Tôi nghĩ câu trả lời là, có lẽ là không.”
The Epoch Times đã liên lạc với Hiệp hội Công nghiệp Nhựa để yêu cầu bình luận.