Báo cáo: Vanguard đầu tư vào các công ty quân sự Trung Quốc
Terri Wu
Một báo cáo mới cho biết, thông qua các quỹ chỉ số, tập đoàn Vanguard – một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới – đã đầu tư vào các tập đoàn quân sự và công ty Trung Quốc có liên quan đến tình trạng cưỡng bức lao động. Báo cáo này được công bố trong bối cảnh Bộ Ngân khố Hoa Kỳ hoàn thiện các quy tắc liên quan đến một sắc lệnh của Tòa Bạch Ốc, theo đó cấm một số khoản đầu tư ra ngoại quốc vào Trung Quốc.
Theo báo cáo do Liên minh vì một Nước Mỹ Thịnh vượng (CPA) công bố hôm 13/10, quỹ chỉ số thị trường mới nổi trị giá 70 tỷ USD của Vanguard có bao gồm 60 công ty có tên trong danh sách trừng phạt các công ty quân sự Trung Quốc của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. CPA là một tổ chức vận động đại diện độc quyền cho các nhà sản xuất có hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ.
Ngoài ra, các quỹ khác của Vanguard nắm giữ cổ phần của tám công ty Trung Quốc bị trừng phạt vì vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc – nơi cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định là “diệt chủng”.
Báo cáo này không cung cấp con số tổng thể về tất cả các khoản đầu tư của Vanguard vào các công ty quân sự Trung Quốc nhưng liệt kê số tiền đầu tư trị giá tổng cộng 100 triệu USD vào ba tập đoàn như vậy.
Trong khi lưu ý rằng thành phần quỹ của Vanguard đầu tư vào là hợp pháp, CPA kêu gọi Quốc hội thực hiện hành động khẩn cấp đối với “vấn đề cấu trúc, dai dẳng” rằng “phản ứng chính sách công yếu kém của chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép lòng tham trong ngành quản lý tài sản vượt trên việc bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ, an ninh quốc gia, và những mối lo ngại về nhân quyền.”
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa–Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Trung Cộng, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Quốc hội phải chặn dòng vốn của Mỹ chảy vào Trung Quốc và ngừng các khoản đầu tư thị trường công khai và tư nhân vào các công ty trong danh sách đen có liên hệ với Trung Cộng.”
Ông nói thêm, “Người Mỹ không muốn các công ty như Vanguard và BlackRock đầu tư tiền tiết kiệm hưu trí của họ vào các công ty xây dựng quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thực hiện nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ. Nếu chúng ta chấp nhận hiện trạng, thì chúng ta đang cố tình thúc đẩy sự hủy diệt của chính mình.”
Sự giám sát của Quốc hội đối với vai trò của Wall Street trong việc tài trợ cho các công ty quân sự Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Ba tháng trước (07/2023), ủy ban của ông Gallagher đã mở một cuộc điều tra đối với BlackRock – một nhà quản lý tài sản và nhà cung cấp chỉ số toàn cầu MSCI hàng đầu khác – về vai trò của họ trong việc chuyển tiền cho các công ty Trung Quốc liên quan đến chế tạo vũ khí cho quân đội Trung Quốc. Ủy ban ước tính 429 triệu USD trong khoản đầu tư như vậy của BlackRock là chống lại lợi ích của Hoa Kỳ.
Trong bức thư gửi BlackRock và MSCI hôm 31/07, ông Gallagher và thành viên ủy ban, Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ–Illinois) đã viết rằng, thông qua quỹ của các công ty, người Mỹ đã “vô tình tài trợ” cho các công ty Trung Quốc tiếp sức cho quân đội của Trung Cộng và hai công ty này đang “làm nghiêm trọng thêm mối đe dọa an ninh quốc gia vốn dĩ đã rất lớn và làm suy yếu các giá trị Mỹ.”
Hai tháng sau, BlackRock đã đóng quỹ đầu tư ra ngoại quốc tập trung vào Trung Quốc. Tất cả các cổ đông sẽ phải trả lại số cổ phiếu đang lưu hành trước ngày 07/11. BlackRock trước đây đã nói với The Epoch Times rằng các sản phẩm của họ “tuân thủ tất cả các luật hiện hành của chính phủ Hoa Kỳ” và họ là một trong 16 nhà quản lý tài sản cung cấp các quỹ chỉ số Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Công ty không bình luận trực tiếp về việc đóng quỹ Trung Quốc.
Trong một lời phúc đáp qua thư điện tử, một phát ngôn viên của Vanguard nói với The Epoch Times: “Vanguard duy trì mức độ tuân thủ cao nhất với tất cả các luật và quy định hiện hành, bao gồm cả luật trừng phạt. Chúng tôi hoan nghênh sự rõ ràng hơn nữa này từ các nhà hoạch định chính sách, những người có thẩm quyền định ra các biện pháp trừng phạt thông qua quy trình OFAC chính thức.”
Hồi tháng Tám, Tổng thống Joe Biden đã ban hành một sắc lệnh cấm các khoản đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ vào các ngành như vi mạch bán dẫn và điện toán lượng tử của Trung Quốc. Bộ Ngân khố đã công bố các quy định sơ bộ, trong đó liệt kê các quỹ chỉ số là các giao dịch được miễn trừ theo sắc lệnh này. Thời gian bình luận công khai đã kết thúc hôm 28/09.