Bảo vệ Hiến Pháp: Tại sao các Nhà Sáng Lập không thể bãi bỏ chế độ nô lệ
Đây là bài viết thứ ba trong loạt bài tiểu luận về bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ trước những cáo buộc bất công từ những người được gọi là cấp tiến. Bài tiểu luận đầu tiên bác bỏ cáo buộc rằng Hiến Pháp phân biệt đối xử với phụ nữ. Bài thứ hai đã chỉ rõ sai lầm trong tuyên bố rằng thỏa hiệp ba-phần-năm có nguồn gốc phân biệt chủng tộc.
Bài tiểu luận này để đáp trả lại những cố gắng không ngừng của những người cấp tiến nhằm kết nối Hiến Pháp với chế độ nô lệ.
Tại sao điều cáo buộc chính của phe ‘Cấp tiến’ là sự dối lừa
“Những người cấp tiến” lập luận rằng có lẽ 25 trong số 55 người sáng lập Hiến Pháp (hay những người soạn thảo) là chủ nô.
Nhưng thống kê này là sự lừa bịp. Hội nghị lập hiến đã bao gồm những người phản đối rõ ràng chế độ nô lệ. Ngài John Dickinson được thừa kế những người nô lệ, nhưng đã giải thoát tất cả. Ngài Benjamin Franklin, ngài James Wilson, và ngài Gouverneur Morris, trong số những người khác, là những người theo chủ nghĩa bãi nô. Ngay cả trong nhóm thiểu số từng có nô lệ, một số người, chẳng hạn như ngài James Madison, ủng hộ việc trả tự do dần dần. Có rất nhiều lời chỉ trích về chế độ nô lệ tại Hội nghị Lập hiến, và chỉ có các đại biểu của South Carolina đưa ra lời biện hộ rất hững hờ.
Một lý do khác cho thấy con số thống kê có mục đích lừa bịp là những người soạn thảo chỉ là một số nhỏ trong hơn 2,000-người-được-gọi là Nhà Sáng Lập. Những Nhà Sáng Lập cũng bao gồm những người tham gia đóng góp quan trọng trong các cuộc tranh biện về hiến pháp, chẳng hạn như ngài Noah Webster của tiểu bang Connecticut và ngài Tench Coxe của tiểu bang Pennsylvania, cũng như các đại biểu được bầu vào các đại hội tiểu bang để phê chuẩn Hiến Pháp. Tương đối ít trong số những người này sở hữu nô lệ.
Chế độ nô lệ tiến dần đến diệt vong
Tại sao khi đó, Hiến Pháp không bãi bỏ hoặc hạn chế chế độ nô lệ?
Một lý do là các vấn đề về “tài sản” được xem là vấn đề của luật tiểu bang hơn là của liên bang. Một lý do quan trọng hơn là chế độ nô lệ dường như đang trên đà sớm diệt vong.
Những người nói Anh ngữ là nhóm người chủ đạo đầu tiên trong lịch sử xóa bỏ chế độ nô lệ – một sự thật mà đám đông “thức tỉnh” luôn bỏ qua. Quá trình xóa bỏ chế độ nô lệ này được tiến hành rất mạnh mẽ khi Hiến Pháp được viết ra. Năm 1772, Tòa án King’s Bench của nước Anh đã quyết định trong vụ Somerset kiện Stewart, xóa bỏ chế độ nô lệ ra khỏi mẫu quốc Anh. Ngay sau khi Hoa Kỳ giành độc lập, 10 trong số 13 tiểu bang đã bãi bỏ việc buôn bán nô lệ và một tiểu bang (North Carolina) đã áp đặt thuế suất cao lên hoạt động đó. Một số tiểu bang cũng bắt đầu chính sách trả tự do cho nô lệ. Năm tiểu bang đã trao quyền bầu cử cho những người Mỹ gốc Phi Châu tự do.
Đó là lý do vì sao đại biểu Hội nghị Lập Hiến Roger Sherman của tiểu bang Connecticut nhận xét rằng “việc bãi bỏ chế độ nô lệ dường như đang diễn ra ở Hoa Kỳ & thiện chí của một số Tiểu bang có thể đã đạt được ở một cấp độ nào đó.” Đồng nghiệp tại Connecticut của ngài Sherman, ngài Oliver Ellsworth – sau này là chánh án của Hoa Kỳ – đã dự đoán rằng “Chế độ nô lệ về sau sẽ không còn vết tích ở Đất nước chúng ta.” Đáng tiếc là họ không lường trước được việc phát minh ra máy tỉa hạt bông [sự công nghiệp hóa ngành trồng bông, một lý do chính làm gia tăng tình trạng nô lệ ở miền nam Hoa Kỳ].
Thỏa hiệp cần thiết cho sự thống nhất
Tuy nhiên, cũng rõ ràng là tầng lớp tinh hoa ở một số tiểu bang vẫn bám vào chế độ nô lệ và sẽ không chấp thuận một bản Hiến Pháp hạn chế tình trạng đó. Đại biểu của South Carolina Charles Cotesworth Pinckney nói: “Nếu bản thân ông ta và tất cả các đồng nghiệp của ông ta ký tên vào bản Hiến Pháp & sử dụng ảnh hưởng cá nhân của họ, thì cũng sẽ chẳng có ích lợi gì cho việc nhận được sự đồng ý của các cử tri của họ. South Carolina & Georgia không thể không có nô lệ.”
Các nhà sáng lập đã buộc phải kết luận rằng một bản Hiến Pháp hạn chế chế độ nô lệ không thể thống nhất đất nước, mà thậm chí còn có thể không đạt ngưỡng phê chuẩn 9 tiểu bang.
Chỉ có đoàn kết mới ngăn chặn được chiến tranh
Tại sao sự đoàn kết lại quan trọng như vậy? Bởi vì hậu quả có thể xảy ra của sự bất hòa sẽ là cuộc chiến không hồi kết trên lục địa Châu Mỹ.
Mục đích chung trong việc chống lại Vương quốc Anh đã gắn kết các thuộc địa chưa bao giờ liên quan nhiều lại với nhau – nhưng đến năm 1787, mối liên hệ này đã được làm sáng tỏ. Quốc hội Liên minh miền Nam thường không được coi trọng. Rhode Island và Connecticut rơi vào cảnh tranh chấp chủ–nợ với nguy cơ dùng đến vũ lực. Nhiều người nói về việc chia đất nước thành nhiều liên minh, với một số tiểu bang vẫn hoàn toàn độc lập.
Về cái giá phải trả của sự mất đoàn kết, lịch sử Âu Châu là một bài học kinh nghiệm. 150 năm trước đó đã chứng kiến khoảng 70 cuộc chiến tranh Âu Châu (ngoài các cuộc nổi dậy), và hậu quả thật khủng khiếp. Chiến tranh Ba mươi năm, kết thúc vào năm 1648, có thể đã cướp đi sinh mệnh khoảng 8 triệu người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chiến tranh Kế vị Áo (1740–48) dẫn đến có lẽ nửa triệu người thương vong; Chiến tranh Bảy năm (1756–63) có lẽ đã gây ra một triệu người thương vong.
Đó là lý do tại sao Thống đốc Edmund Randolph giới thiệu Kế hoạch Virginia của mình bằng cách nhấn mạnh rằng hệ thống hiện tại không thể bảo vệ trước sự xâm lược của ngoại bang, không thể ngăn chặn các quốc gia chiêu mời các thế lực ngoại bang, và không thể ngăn chặn xung đột giữa các tiểu bang. Để làm được điều đó, cần có một chính phủ mạnh hơn.
Các cuộc tranh biện về Hiến Pháp nhấn mạnh sự thống nhất
Trong các cuộc tranh biện công khai về Hiến Pháp, một phần quan trọng trong lập luận thành công của những người ủng hộ là sự cần thiết của việc thống nhất để tránh chiến tranh. Mặc dù tôi tin rằng các nhà văn hiện đại phụ thuộc quá nhiều vào “Luận cương Liên bang” (“The Federalist Papers”) khi tìm kiếm ý nghĩa của hiến pháp, những bài tiểu luận đó thực sự đưa ra một mẫu tốt về các lập luận cho sự thống nhất.
Ông John Jay, người đã từng là ngoại trưởng của Liên minh, đã viết trong bài tiểu luận Liên bang (Federalist) số 4:
“Nhưng sự an toàn của người dân Mỹ trước những nguy hiểm từ thế lực ngoại bang không những tùy thuộc vào việc họ tránh đưa ra những nguyên nhân chính đáng dẫn đến chiến tranh với các quốc gia khác, mà còn ở việc đặt và duy trì bản thân trong một tình huống sao cho không gây ra sự khiêu khích thù địch hoặc xúc phạm; vì cần phải nhìn nhận rằng có những nguyên nhân ngụy tạo cũng như những nguyên nhân chính đáng dẫn đến chiến tranh.
“Một chính phủ có thể thu phục và tận dụng tài năng và kinh nghiệm của những người đàn ông giỏi nhất, trong bất kỳ bộ phận nào của Liên minh mà họ có thể tìm thấy. Chính phủ có thể hoạt động trên các nguyên tắc thống nhất của chính sách… Khi hình thành các hiệp ước, sẽ tính toán đến lợi ích của toàn bộ.
“Có thể áp dụng các nguồn lực và sức mạnh của toàn bộ chỉnh thể để bảo vệ bất kỳ lãnh thổ cụ thể nào, và điều đó dễ dàng và nhanh chóng hơn các chính quyền Tiểu bang hoặc các liên minh riêng biệt có thể làm được, vì cần có sự hòa hợp và thống nhất của hệ thống. Có thể sắp đặt quân đội theo một kế hoạch có kỷ luật, và, bằng cách đưa các sĩ quan của họ vào một hệ thống đặt dưới quyền Tổng Tư lệnh, sẽ hợp nhất họ thành một quân đoàn, và do đó khiến họ hiệu quả hơn so với việc chia thành mười ba hoặc thành ba hoặc bốn quân đoàn độc lập riêng biệt.”
Nhưng…
“Hãy chia nước Mỹ thành mười ba hoặc, nếu quý vị muốn, thành ba hoặc bốn chính phủ độc lập – họ có thể nuôi và chi trả cho những đội quân nào – họ hy vọng sẽ có thể có những hạm đội nào? Nếu một chính phủ bị tấn công, liệu những chính phủ khác có cử quân đến viện trợ, đổ máu và tiền bạc của họ để bảo vệ nhau không?”
Trong bài tiểu luận Liên bang số 5, ông Jay đã chỉ ra nguy cơ chiến tranh giữa chính các tiểu bang tại Hoa Kỳ, và trong bài tiểu luận Liên bang số 6, ông Alexander Hamilton đưa ra lập luận xa hơn:
“Nếu các Tiểu bang này hoàn toàn độc lập, hoặc chỉ hợp nhất trong các liên minh một phần, thì các phân khu mà họ có thể được phân chia sẽ có những cuộc tranh giành thường xuyên và bạo lực với nhau… Để tìm kiếm một sự hòa hợp lâu bền giữa một số tiểu bang độc lập, không có liên kết trong cùng một khu vực lân cận, sẽ là bỏ qua tiến trình đồng nhất các sự kiện của con người, và bất chấp kinh nghiệm tích lũy của các thời đại.”
Trong bài tiểu luận Liên bang số 41, ông Madison chỉ ra rằng các quốc gia Âu Châu sẽ can thiệp để khiến các tiểu bang của Mỹ chống lại nhau:
“Tương lai của nước Mỹ mất đoàn kết sẽ còn thảm khốc hơn của Âu Châu. Nguồn gốc của tà ác ở Âu Châu được giới hạn trong giới hạn riêng của nó. Không có quyền lực vượt trội nào của một phần tư địa cầu khác âm mưu giữa các tiểu bang đối thủ trong đó, thổi phồng mối hận thù giữa họ với nhau, và biến họ trở thành công cụ của tham vọng ngoại bang, đố kỵ, và trả thù.”
Ông Madison đã tóm tắt trong bài tiểu luận Liên bang số 45: “Liên hiệp… là thiết yếu đối với an ninh của người dân Mỹ trước nguy cơ từ ngoại bang, và thiết yếu đối với an ninh của họ trước những tranh chấp giữa các tiểu bang khác nhau.”
Vì vậy, trước khi chỉ trích những Nhà Sáng Lập đã cho phép các tiểu bang có chế độ nô lệ, chúng ta phải hiểu sự lựa chọn mà họ phải đối mặt: dung thứ cho một thể chế thấp hèn (lúc đó) đang chết dần chết mòn, hoặc giao lục địa Mỹ cho chiến tranh vĩnh viễn với cái giá của hàng triệu sinh mạng và sự khốn khổ khôn lường.
Lời kết
Những người “cấp tiến” tấn công Hiến Pháp một phần vì một số chủ nô ủng hộ Hiến Pháp. Nhưng ít nhất các chủ nô cũng nổi bật trong số các đối thủ rất mạnh của Hiến Pháp. Bằng lập luận riêng của đám đông những người “thức tỉnh”, những lời chỉ trích của họ bị các chủ nô chống liên bang như ngài Richard Henry Lee của tiểu bang Virginia và ngài Willie Jones của tiểu bang North Carolina làm cho lu mờ.
Cuối cùng: Tuyên bố rằng những Nhà Sáng Lập lẽ ra phải xóa bỏ chế độ nô lệ bằng mọi giá – bất kể kết quả khủng khiếp thế nào – kẻ xấu là những người chấp nhận, hoặc thậm chí cổ súy, những tệ nạn như bạo lực đường phố, các cuộc tấn công của chính phủ đối với tự do, tội phạm với trẻ em. Những người như vậy nên tự nhìn nhận lại phẩm hạnh của mình trước khi phản đối những Nhà Sáng Lập.
Tác giả Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp, nhà sử học hiến pháp và là thành viên cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của cuốn sách “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Văn Kiện Này Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa” (tái bản lần thứ 3 năm 2014).