Bắt giữ số lượng kỷ lục người bị tình nghi thuộc danh sách theo dõi khủng bố nhập cảnh vào Hoa Kỳ
Ross Muscato
Kể từ năm 2017, Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã lưu giữ hồ sơ về số lượt bắt gặp những người nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của FBI ở biên giới phía nam và phía bắc của quốc gia.
Và trong thời gian đó, tài khóa 2023 – bắt đầu từ 01/10/2022 đến hết 30/09/2023 – đã lập kỷ lục về số lượt bắt gặp khủng bố nhiều nhất.
Cho đến nay trong tài khóa 2023, chính phủ báo cáo rằng đã bắt gặp 143 người trong danh sách theo dõi khủng bố khi những người này cố gắng vượt biên trái phép, với con số kỷ lục là 140 người ở biên giới phía nam và 3 người ở biên giới phía bắc.
Danh sách theo dõi khủng bố của FBI – có tên chính thức là Cơ sở Dữ liệu Sàng lọc Khủng bố (Terrorist Screening Database) – là cơ sở dữ liệu chứa thông tin về những người được xác định hoặc “bị tình nghi một cách hợp lý” là tham gia vào các hành động khủng bố.
Phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện
Những kẻ khủng bố hoặc nghi phạm khủng bố ở biên giới phía nam là những chủ đề được chú ý nhiều và thảo luận sôi nổi trong phiên điều trần ngày 26/07 của Ủy ban Tư pháp Hạ viện – Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã ra làm chứng tại đó.
Ông Mayorkas thường bị các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội chỉ trích. Họ cho rằng ông đã làm rất ít để đối phó với dòng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới phía nam – hoạt động mà các nhà lập pháp này liên kết với nạn buôn người, phân phối ma túy fentanyl gây tử vong ở Hoa Kỳ, tình trạng quá tải nguồn lực dịch vụ nhân sinh của Hoa Kỳ, và cho phép những kẻ khủng bố tiếp cận đất nước.
DHS được thành lập năm 2002 do hậu quả trực tiếp của cuộc tấn công ngày 11/09 vào nước Mỹ.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đưa ra những bình luận công khai về khả năng đàn hặc ông Mayorkas.
Cuối tháng Ba, 11 dân biểu Đảng Cộng Hòa đã ký và gửi một bức thư tới các chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện và Tiểu ban Phân bổ ngân sách Hạ viện về An ninh Nội địa, yêu cầu cắt lương của ông Mayorkas vì họ cho rằng ông đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình.
“Sau hai năm rưỡi diễn ra cuộc khủng hoảng biên giới của ông Biden, đây là những gì các quan chức chính phủ đã nói với chúng ta,” Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa–Ohio) cho biết trong tuyên bố mở đầu phiên điều trần. “Các chính sách của chính phủ ông Biden đã dẫn đến nhiều mối đe dọa an ninh quốc gia hơn.”
Đề cập đến những phát hiện của tổng thanh tra Bộ Anh ninh Nội địa (IG DHS), giám sát viên nội bộ của cơ quan này, ông Jordan cho biết thêm: “Theo IG, chúng tôi biết rằng ngay cả những người ngoại quốc vượt biên trái phép và nằm trong danh sách theo dõi khủng bố cũng có thể được thả vào Hoa Kỳ, tự do lên phi cơ để bay đến thành phố Hoa Kỳ nào họ chọn.”
Trong lời chứng hữu thệ, ông Mayorkas đã nói đến sự thay đổi về bản chất của các mối đe dọa khủng bố kể từ khi thành lập cơ quan này.
“Khi bộ phận của chúng tôi được thành lập sau thảm kịch 11/09, những kẻ khủng bố người ngoại quốc là trọng tâm chính liên quan đến khủng bố của chúng tôi,” ông Mayorkas cho biết. “Mặc dù mối lo ngại đó chắc chắn vẫn còn, nhưng mối đe dọa nổi bật nhất liên quan đến khủng bố mà chúng ta hiện phải đối mặt là từ những kẻ phạm tội đơn độc và các nhóm nhỏ đã có mặt ở đây và bị cực đoan hóa thành bạo lực dựa trên hệ tư tưởng thù hận, thái độ chống chính phủ, việc tường thuật sai sự thật, và những bất bình cá nhân.”
“Nhờ sự ủng hộ từ Quốc hội, chúng tôi đã phát triển các chương trình tài trợ và phân phối hơn 50 triệu USD tiền ngân quỹ để giúp các cộng đồng ngăn chặn các hành vi bạo lực và khủng bố có chủ đích.”
Mối đe dọa của tấn công phối hợp
Trong cuộc trao đổi gây tranh cãi với ông Mayorkas, Dân biểu Tom McClintock (Cộng Hòa–California) đã đề cập đến mối liên hệ giữa an ninh biên giới lỏng lẻo và mối đe dọa khủng bố đang gia tăng đối với nước Mỹ. Ông trích dẫn những bình luận của Giám đốc FBI Christopher Wray và số lượng người trốn thoát thành công (got away) – thuật ngữ của chính phủ dành cho những người nhập cư bất hợp pháp vượt qua biên giới và không bị bắt giữ.
“Ông Wray cũng làm chứng rằng chúng tôi không biết có bao nhiêu tên khủng bố trong một triệu rưỡi người được biết là trốn thoát thành công đã đi vào [nước Mỹ] theo chính sách của ông, nhưng con số kẻ khủng bố bị bắt giữ ở biên giới đã gia tăng đáng kể,” ông McClintock nói.
“Khi chính phủ của ông bỏ rơi Afghanistan, họ đã thả 5,000 kẻ khủng bố đang bị giam giữ tại [Căn cứ không quân] Bagram. Mười ngày sau, một kẻ trong số đó đã sát hại 13 quân nhân Hoa Kỳ tại phi trường Kabul,” ông McClintock nói.
“Ông Wray nói rằng chúng ta không biết 5,000 người kia đang ở đâu, nhưng đối với tôi mọi việc đã trở nên rõ ràng là chúng ta đang chịu nguy cơ tấn công khủng bố phối hợp ngày càng tăng vì các chính sách của ông.”