Chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào việc vị tổng thống kế tiếp sẽ chi tiêu bao nhiêu tiền cũng như các kế hoạch chống lại virus Trung Cộng. Cả hai vấn đề đều hướng đến một kết luận: Không giống như những gì ứng cử viên Joe Biden muốn, tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp không nên làm giống như Liên minh Âu Châu.

Bầu cử Hoa Kỳ: Phát triển hay phá vỡ nền kinh tế
Công nhân đang thi công bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mexico ở El Paso, Texas, vào ngày 12 tháng 2 năm 2019. ( Ảnh Joe Raedle / Getty Images)

Khi làn sóng dịch bệnh bùng phát lần thứ hai gia tăng ở Âu Châu, chúng ta biết rằng các biện pháp trong tháng 3 và việc phong tỏa chặt chẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Nền kinh tế Âu Châu đang trên đà suy thoái kép; tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8.1% so với 7.9% của Hoa Kỳ; ngoài ra Liên minh Âu Châu vẫn có khoảng 10 triệu việc làm hiện tạm ngưng.

Nếu chúng ta dùng cách tính tương tự như ở Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp thực tế của Âu Châu là gần 11%.

Các chính trị gia thường hay nói rằng chăm sóc sức khỏe cộng đồng và chi tiêu chính phủ là những giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, điều đó trái ngược với thực tế; ví dụ như Bỉ là một trong những quốc gia có chi tiêu công cao nhất trên thế giới, nhưng lại có tỉ lệ tử vong trên 100,000 dân nhiều hơn Hoa Kỳ 36%. Ngược lại, Hàn Quốc, một trong những quốc gia có chi tiêu chính phủ và chăm sóc sức khỏe trên bình quân đầu người thấp nhất, lại đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại đại dịch với số tử vong thấp (457 người tử vong ở một quốc gia có 51.8 triệu dân).

Việc kiểm soát đại dịch không thể đến từ sự can thiệp sai lầm của chính phủ vào nền kinh tế hoặc các biện pháp phong tỏa không hiệu quả. Gần đây, tờ Financial Time đã chỉ ra cách các quốc gia có những cách thức đơn giản nhưng hiệu quả về giãn cách xã hội và thực hiện xét nghiệm rộng rãi, đã có hiệu quả về kinh tế và sức khỏe tốt hơn.

Đó không phải là chi tiêu công, cũng không phải phá hủy nền kinh tế bằng việc đóng cửa, mà là ngăn ngừa và xét nghiệm.

Xét về nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng, khu vực đồng Euro đang cho thấy Hoa Kỳ không nên làm theo họ, lại càng không nên làm theo các quốc gia có chi tiêu chính phủ lớn nhất như Pháp và Bỉ. Theo JPMorgan, nền kinh tế Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ kết thúc năm 2020 với mức suy giảm GDP 2.5% và tỷ lệ thất nghiệp 7%, dựa trên những số liệu thất nghiệp gần đây nhất; trong khi theo số liệu mới nhất thì GDP của khu vực đồng Euro có thể sẽ giảm 8% với tỷ lệ thất nghiệp 8.3%.

Các cử tri cũng nên được cảnh báo đối với ảo tưởng chi tiêu công lớn để tạo ra hàng triệu việc làm. Kể từ 2009, Liên minh Âu Châu đã thực hiện ba chương trình kích thích kinh tế liên tiếp của chính phủ và ngân hàng trung ương, nhưng đã tạo ra ít việc làm hơn và tăng trưởng thấp hơn so với công bố; trong khi đó nền kinh tế thì vẫn trì trệ mặc dù đã chi ra nhiều tỷ Euro.

Trong nửa năm đầu của 2020, so với khu vực đồng Euro thì nền kinh tế Hoa Kỳ sụt giảm ít hơn nhiều và hiện đang phục hồi nhanh hơn, với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn.

Điều đó đặc biệt quan trọng khi chúng ta phân tích việc tăng thuế và các kế hoạch chi tiêu chính phủ mà ông Biden đã công bố. Kế hoạch chi tiêu công hầu hết sẽ được tài trợ bằng nợ, và ngay cả những ước tính lạc quan nhất của Bloomberg Economics cũng giả định mức thâm hụt 3 ngàn tỷ USD trong giai đoạn từ 2021 đến 2024; con số này lớn hơn 30% mức giả định tiêu cực nhất về thâm hụt nếu Tổng thống Trump tái đắc cử.

Thật thú vị khi thấy hầu hết các chuyên gia phân tích đều nghĩ nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ khó tăng trưởng trên 2%, mặc dù với kế hoạch chi tiêu khổng lồ 5 ngàn tỷ USD. Vì thế, rất khó để tin rằng số lượng việc làm sẽ đạt mức kỷ lục của 2019 nếu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên mức cao nhất trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thuế An sinh Xã hội và thuế doanh thu cũng tăng, như ông Biden đề xuất.

Để tiếp tục là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ chỉ có một cách duy nhất là áp dụng chính sách ủng hộ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Việc Hoa Kỳ đã phục hồi số lượng việc làm cũng như nền kinh tế nhanh hơn khu vực đồng Euro trong cuộc khủng hoảng sức khỏe không phải là điều bất ngờ. Sự khác biệt chính giữa hai nền kinh tế là sự tự do và ít can thiệp. Việc này – cùng với việc ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe bằng các xét nghiệm trên diện rộng và các biện pháp giãn cách xã hội đơn giản nhưng hiệu quả – sẽ giúp Hoa Kỳ phục hồi nhanh và mạnh mẽ hơn.

Bài học rút ra từ Liên minh Âu Châu khá đơn giản: Nhiều quy định hơn, các loại thuế cao hơn, hoặc chi tiêu chính phủ lớn hơn không tạo ra được mức tăng trưởng hay lượng việc làm đủ cho những đợt bùng nổ kinh tế, cũng không giúp giảm bớt tác động của khủng hoảng kinh tế, để rồi cuối cùng lại khiến sự phục hồi trì trệ và tạo ra ít việc làm hơn.

Tiến sĩ Daniel Lacalle là chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương”, và “Cuộc sống ở các thị trường tài chính”.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times

Daniel Lacalle
Thanh Tâm biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn