Bí mật phong thủy đằng sau kiến trúc độc đáo của kinh thành Huế (Kỳ 3)
Kiến trúc quan trọng nhất của kinh đô Huế là tòa kinh thành. Bằng vốn văn hóa sâu dày trăm năm và tài trí của dân tộc, các vị vua triều Nguyễn đã tạo nên một tòa kinh thành tráng lệ. Ngoài việc dùng làm nơi sinh hoạt, tòa thành này còn có một vai trò vô cùng quan trọng; đó là: Tận dụng sức mạnh phong thủy, kế thừa truyền thống Nho học để định hình một tiêu chuẩn lãnh đạo chuẩn mực nhất cho muôn đời con cháu nhà Nguyễn noi theo.
Tử Cấm Thành: Nơi tu dưỡng đạo đức và tinh thần của Hoàng đế
Từ điện Thái Hòa ra phía sau sẽ đến Đại Cung Môn, là cửa lớn để ra vào Tử Cấm Thành. Đây là nơi ở chính thức của vua, hoàng hậu và các cung tần trong tam cung lục viện. Ví lý do đó nên từ kiến trúc đến tên gọi của các cung điện ở đây luôn được thiết kế với chuẩn mực cao nhất.
Tử Cấm Thành nghĩa là thành cấm màu tía. Theo nghĩa Hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử. Cấm Thành là khu thành màu tím cấm dân thường ra vào.
Nói cách khác thì kiến trúc Tử Cấm Thành chính là thể hiện mở rộng của Quẻ Càn (tượng trưng vua và Trời) dùng trong điện Thái Hòa. Một cách tổng quan, kiến trúc này khiến cho người sống bên trong phải tuân theo chuẩn mực đạo đức khắt khe.
Cần Chánh Điện: Tinh thần làm việc vì dân vì nước
Qua Đại Cung Môn là hai tòa nhà Tả Vu và Hữu Vu dành cho quan văn võ chuẩn bị triều phục trước khi vào chầu vua ở điện Cần Chánh. Hai tòa nhà này chính là ứng vào hai ngôi sao Tả Phù và Hữu Bật vốn là trợ thủ của sao Tử Vi trên trời. Chái bắc Tả Từ Vu là viện Cơ Mật; chái nam là phòng Nội Các, là nơi tập trung tấu chương của các Bộ, Nha trình vua ngự lãm.
Sau hai tòa Tả Vu và Hữu Vu sẽ đến điện Cần Chánh, là nơi làm việc và sinh hoạt chính của nhà vua. Trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), John Barrow viết về một ngày của vua Gia Long như sau:
“Để cho phép mình tham dự các vấn đề của triều chính một cách tốt hơn, cuộc sống của ông thường theo một lịch trình ít thay đổi. Vào 6 giờ sáng ông trở dậy và đi tắm nước lạnh. Vào 7 giờ sáng ông gặp các quan. Tất cả thư từ nhận được ngày hôm trước đều được đọc, và lệnh của ông được thư ký ghi chép lại.
Sau đó ông đến xưởng vũ khí hải quân, kiểm tra các công việc được thực hiện, đi thuyền chèo quanh cảng, kiểm tra tàu chiến. Ông đặc biệt chú tâm đến ban hậu cần. Và trong xưởng đúc, được dựng trong khu xưởng vũ khí, đại bác được đúc theo mọi kích cỡ.
Đến 12 giờ hoặc 1 giờ, ông dùng bữa trong sân cảng, gồm có một ít cơm và cá khô. Đến 2 giờ, ông về phòng và ngủ đến 5 giờ. Đến lúc ấy ông trở dậy, gặp mặt các sĩ quan thủy quân và quân đội, những người đứng đầu tòa án hoặc phòng ban công cộng, và thông qua, loại bỏ, hoặc sửa đổi những gì họ đề nghị. Những công việc này thường sẽ đòi hỏi ông phải làm việc đến nửa đêm. Sau đó ông về phòng riêng để ghi chép và lập những việc đã xảy ra trong ngày. Sau đó ông ăn một chút vào bữa tối, dành một tiếng đồng hồ với gia đình, và về giường lúc hai đến ba giờ sáng. Như vậy, ông ngủ làm hai đợt, khoảng sáu tiếng mỗi ngày…”
Tử Cấm Thành được coi như nơi riêng tư để Hoàng đế thiết triều giải quyết công việc, nên điện Cần Chánh được thiết kế ở vị trí đầu tiên ngay khi bước vào Đại Nội. Điều đó cũng nói lên rằng ưu tiên lớn nhất của việc làm vua là chăm lo chính sự.
Nói trên khía cạnh phong thủy và Dịch học thì thiết kế Cấm Thành với Cần Chánh điện chính là theo nguyên tắc “Dương trưởng, Âm tiêu”, khiến cho tinh thần Hoàng đế hăng hái làm việc, nhân cách hướng thượng sinh ra Dương khí mạnh mẽ để cân bằng lại khí Âm của sự vui chơi hưởng lạc ở Tam Cung Lục Viện ngay đằng sau. Điều đó sẽ khiến nơi ở của nhà vua đạt đến sự hài hòa, khiến cho mọi chuyện cát tường.
Cung Càn Thanh và Khôn Thái: Duy hộ đạo đức nội cung, hạn chế vui chơi hưởng lạc
Có câu “Vạn ác dâm vi thủ”; ý nói tham đắm nữ sắc dâm dục là điều cấm kỵ. Chính vì lẽ đó, các bậc tiên đế luôn rất lo lắng về chuyện con cháu mình vui chơi hưởng lạc, sa đọa trong nhục dục mà để mất nước. Vậy nên khi xây dựng tam cung lục viện, các Hoàng đế đã rất chú ý vấn đề này, luôn để lại những lời nhắc nhở cho hậu nhân.
Càn Thanh và Khôn Thái là hai cung điện dành cho vua và hoàng hậu.
Điện Càn Thanh trước năm 1811 gọi là điện Trung Hòa (trong câu “Trung hòa vị dục”), là nơi vua ở; trước điện có sân rộng, ao sen và bức bình phong chắn điện Càn Thanh và điện Cần Chánh. Điện nằm ngay trung tâm Tử Cấm Thành, đặt trên nền cao 2 thước 3 tấc (gần 1m), được làm theo lối trùng thiềm điệp ốc gồm 3 tòa nhà ghép nối với nhau: chính điện 7 gian 2 chái kép, tiền điện và hậu điện đều 9 gian 2 chái đơn, nối với nhau bằng hai trần vỏ cua đỡ hai máng nước bằng đồng dài 50m, mái lợp ngói lưu ly vàng và lắp cửa kính. Hành lang vòng hai bên điện nối với điện Cần Chánh ở phía Nam và điện Cao Minh Trung Chính ở phía Bắc, hành lang bên phải dẫn ra cung Diên Thọ.
Càn Thanh có nghĩa là bầu trời sáng đẹp trong xanh, mang ý nghĩa mong cho tâm tư Hoàng đế lúc nào cũng sáng suốt và phẳng lặng như trời xanh. Điểm quan trọng nhất khi Thiên tử nghỉ ngơi là làm sao đạt được trạng thái thân tâm thuần tịnh, hài hòa để có thể chiêm nghiệm và hiểu thêm đạo Trời.
Sau lưng điện Càn Thanh là cung Khôn Thái, nơi ở của Hoàng Quý Phi. (Nhà Nguyễn theo lệ cũ của nhà Lê sơ thường để khuyết vị Hoàng Hậu; trừ ba vị Thừa Thiên Cao hoàng hậu, Khiêm hoàng hậu, Nam Phương Hoàng hậu). Khôn Thái tức là mặt đất tươi đẹp, tên này lấy từ quẻ Địa Thiên Thái trong Kinh Dịch, gồm sự kết hợp của quẻ Càn và quẻ Khôn, là tượng trời đất giao hòa, âm dương phối triển sản sinh vạn vật. Cũng như sự hòa hợp của vua và quý phi, cần phải có đức dày và nuôi dưỡng nguồn sống của vạn vật và sinh ra người kế tục cho hoàng triều.
Điện chính của cung Khôn Thái là Cao Minh Trung Chính, nghĩa là biểu dương cho đức hạnh của Hoàng quý phi giống như mặt trăng đêm rằm cao vời, sáng tỏ, tròn đầy ngay chính để xứng là bậc mẫu nghi thiên hạ.
Các cung điện khác của các phi tần còn lại gồm có viện Thuận Huy, là chỗ ở các bà Tân. Phía tây viện Thuận Huy là viện Đoan Huy, Đoan Thuận, Đoan Hoà, Đoan Trang và Đoan Trường, là chỗ ở của các bậc Tiệp dư, Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân cùng những tài nhân chưa được phong bậc; các viện trên gọi là “lục viện”.
Tên gọi các viện đều lấy chữ Đoan trong Đoan Chánh, hàm ý các phi tần phải sống đạo đức ngay chính, hạn chế việc câu dẫn Hoàng đế bằng nhan sắc.
Cung Diên Thọ và Trường Sanh: Nêu cao Đạo Hiếu, đề cao luân lý, làm gương cho dân
Có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên“. Hiếu đễ chính là tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất mà bậc đế vương đạt đạo phải luôn nghiêm cẩn tuân theo. Chính vì thế nên Cung Càn Thanh có một hành lang dài dẫn thẳng đến cung Diên Thọ và Trường Sanh, nơi ở của Thái hậu. Mục đích là để nhà vua có thể thuận tiện đến vấn an Thái hậu bất cứ lúc nào, thể hiện lòng hiếu thuận.
Xét theo phong thủy lý số thì Ngũ hành của mẹ chính là sinh vượng cho con trai. Nhà vua ở gần mẹ để nghe lời chỉ dạy cũng như thấm nhuần đạo đức của mẹ mình mà cai trị ngày càng tốt hơn.
Cung Diên Thọ gồm có Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, lầu Tịnh Minh, tạ Trường Du, các Khang Ninh. Các công trình này được nối kết với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che.
Tên các cung điện nói lên sự cầu chúc cho Thái hậu được trường thọ và khỏe mạnh (Diên Thọ, Thọ Ninh, Khang Ninh). Sự trường thọ và khỏe mạnh này chính là bảo đảm cho phúc đức nhà vua được lâu dài vậy. Bản thân nhà vua cũng không dám và sẽ không bao giờ lỗi đạo Hiếu. Tất cả các vua chúa nhà Nguyễn các đời đều là những người con rất có hiếu. Vua Tự Đức khi xây lại cung cho mẹ mình đã dụ như sau:
“Từ trước đế vương hiếu thờ cha mẹ, trong có phòng nghỉ, ngoài có cung triều, lễ rất tôn nghiêm, phép rất lớn lao. Trẫm lấy thân nhỏ mọn, được nối nghiệp lớn, thực là nghĩ đức tính hiếu từ, phép dạy phải nghĩa của Thánh mẫu nên đến được như thế.”