Bí quyết sống trường thọ từ một hòn đảo ở Hy Lạp
Xenia Taliotis
Cô Diane Kochilas chia sẻ rằng ngay khi đặt chân lên hòn đảo Ikaria, cô liền cảm thấy bình yên. Cô Kochilas là người dẫn chương trình truyền hình từng đạt giải thưởng, giáo viên dạy nấu ăn, kiêm tác giả của hơn một chục cuốn sách về ẩm thực Hy Lạp. Cô thường xuyên di chuyển giữa New York, Athens, và hòn đảo Ikaria trên biển Aegean của Hy Lạp, cách Athens 7 tiếng đi phà.
“Trong suốt quãng thời gian đi đến đó, mọi phiền não mà tôi có thể gặp trên đường đều tan biến tức thời. Khuôn mặt tôi dịu lại; vai tôi buông lỏng. Và tôi tràn đầy niềm tin rằng mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi,” cô bộc bạch.
Biết rằng hòn đảo Ikaria là một trong sáu vùng xanh (blue zone) duy nhất trên thế giới – được xác định là những nơi có cư dân sống thọ hơn mức trung bình toàn cầu, (hiện là 71.7 tuổi, theo Ban Dân số Liên Hợp Quốc), và thường có sức khỏe thể chất và tinh thần viên mãn – thì cũng không có gì lạ nếu cô Kochilas cảm thấy hạnh phúc khi ở đó.
Về lý do đằng sau sự trường thọ của người dân Ikaria, cô Kochilas thận trọng không đưa ra một nguyên nhân cụ thể nào.
“Người dân Ikaria năng động; họ có mạng lưới hỗ trợ vững chắc, tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp xung quanh, ăn uống thiên về thực vật và ít mỡ động vật. Đây có thể là những yếu tố góp phần quan trọng [vào tuổi thọ của họ],” cô chia sẻ. “Nhưng cũng có thể có điều gì đó chúng ta chưa nghĩ tới – thứ gì đó có trong không khí, trong nguồn nước, hoặc trong chính DNA của người dân nơi này.”
Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế vẫn nêu ra bằng chứng không thể phủ nhận, rằng các hoạt động thể chất và cách ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ. Chắc chắn rằng cách ăn Địa Trung Hải, với đầy đủ rau tươi, mật ong nguyên chất, các loại thảo mộc, các loại đậu, và rất nhiều dầu ô liu, có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe.
Cuốn sách dạy nấu ăn mới nhất của cô Kachinas, có tên “The Ikaria Way” (tạm dịch: Lối sống Ikaria), có mục đích “mang tinh thần của hòn đảo này đến với đông đảo độc giả hơn,” cô chia sẻ. Cuốn sách hướng dẫn cách người dân trên đảo nấu, chú trọng vào lối sống thư thái và lành mạnh. “Nhịp sống nơi đây chậm rãi và dễ chịu, mọi người kết nối với nhau qua ẩm thực. Về bản chất, đây chính là ‘Lối sống Ikaria’,” cô nói.
Cội nguồn sâu xa
Cô Kochilas sinh ra tại New York, nhưng cha và ông ngoại cô đều đến từ Ikaria. Niềm đam mê ẩm thực của cô không bắt nguồn từ mẹ – một người New York gốc Ikaria lớn lên với bánh mì kẹp bơ đậu phộng và mứt – mà là từ cha cô.
“Cha tôi rất thích nấu ăn, và tôi thường quan sát ông kết hợp các loại nguyên liệu với nhau – một ít cái này, một nhúm cái kia, một chút gia vị, vài vòng dầu ô liu,” cô Kochilas kể. “Ông không dạy tôi nấu ăn, nhưng như thấm qua da thịt, tôi đã học được cách chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng.”
Lần đầu tiên cô đến Ikaria là năm 12 tuổi, cùng với chị gái và anh rể. Sau đó, cô có nhiều chuyến thăm khác nữa. Một trong những ký ức sâu sắc nhất về ẩm thực của cô chính là bắt nguồn từ những chuyến đi thời thơ ấu đó.
“Cắn một quả cà chua vừa mới hái từ vườn của dì tôi là một cảm giác tuyệt vời,” cô nói. “Trước đây, tôi chỉ biết đến những quả cà chua tội nghiệp mà chúng ta thường mua ở Hoa Kỳ – hồng, cứng, nhạt nhẽo – vì vậy, khi tôi cắn vào quả cà chua đó, cảm giác thật choáng ngợp. Màu sắc, hương thơm, mùi vị của nó khiến các giác quan của tôi ngây ngất.”
Khu vườn của dì cô trồng đầy các loại cây – lê, táo, mơ, hạnh nhân, mộc qua (quince) – và những gì mà dì cô không trồng được, thì bà sẽ trao đổi với những người hàng xóm bằng chính hoa quả nhà mình.
“Tôi đi khắp khu vườn của dì, hái rau hái trái trên cây, dưới đất. Mọi thứ đều căng tràn sức sống,” cô Kochilas chia sẻ.
Cũng chính người dì ấy đã giới thiệu cho cô những món tráng miệng dùng thìa – trái cây, các loại hạt, hoặc rau củ ngâm trong mật ong, petimezi (xi-ro nho), hoặc siro đường. Chúng được phục vụ trên một chiếc thìa, kèm cà phê Hy Lạp dạng hạt, một ly nước mát lạnh, hoặc cả hai.
Món tráng miệng dùng thìa đầu tiên mà cô từng thưởng thức là món mứt walnut (quả óc chó). Dì cô hái những quả óc chó trước khi chúng kịp chín – vì vậy vỏ của chúng vẫn còn mềm và xanh – rồi ngâm chúng trong xi-rô.
“Kể từ đó, tôi đã thử qua hàng ngàn món mứt walnut do người khác làm, nhưng không có món nào sánh được với phiên bản của dì tôi. Hương vị của nó thật tinh tế, rất nhiều lớp, và lan tỏa gần giống như những cánh hoa của một bông hoa,” cô Kochilas chia sẻ. “Dì tôi tuy nghèo, và chỉ dùng những dụng cụ nấu ăn đơn sơ nhất – không có gì hơn ngoài những chiếc chảo trên bếp lò – nhưng những món ăn mà dì nấu sẽ sống mãi trong lòng tôi.”
Cha của cô Kochilas mất sớm, nhưng gia đình cô vẫn tiếp tục quay trở lại hòn đảo Ikaria.
“Tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ khi cha tôi qua đời, mối liên kết giữa tôi với hòn đảo này và những truyền thống đã thấm sâu vào da thịt, và ngày càng trở nên sâu sắc hơn theo thời gian,” cô bộc bạch, đồng thời miêu tả về những cảm xúc thân thuộc như được trở về nhà. “Đó là sự tự do tinh thần, một cảm giác gắn bó yêu thương và nồng ấm. Tôi cảm thấy an toàn. Ngày cả khi thế giới này có trở nên hỗn loạn, tôi vẫn có niềm tin rằng mình sẽ tìm thấy nơi trú ẩn bình yên ở đây.”
Cô Kochilas cho hay, đến thăm Ikaria là một trải nghiệm đánh thức các giác quan, đồng thời cũng là một trải nghiệm đầy cảm xúc. “Tôi thấy ánh sáng thay đổi như thế nào khi tôi đến gần hòn đảo bằng phà. Tôi có thể ngửi thấy mùi mật ong, mùi rừng thông, thậm chí là cả mùi đất nung. Các giác quan của tôi được đánh thức, như thể Ikaria và tôi đang dang rộng vòng tay để đón chào nhau vậy.”
Một trong những ký ức sâu sắc nhất của cô là cảnh 2,000 người – gần như là toàn bộ thị trấn Christos – tiễn đưa một người đàn ông không có gia đình về nơi an nghỉ cuối cùng. “Ông ấy bị thiểu năng trí tuệ, nhưng mọi người đều quen biết ông và giúp đỡ ông,” cô kể. “Tôi nghĩ ông ấy chưa bao giờ cảm thấy cô đơn – bởi vì triết lý của người dân Ikaria được xây dựng dựa trên sự kết nối và quan tâm chăm sóc lẫn nhau.”
Trở về nhà
Cô Kochilas tự nhận mình là một đầu bếp gia đình chuyên nghiệp. Niềm đam mê nấu ăn của cô dần phát triển thành sự nghiệp – một phần là nhờ sức mạnh của niềm tin và một phần là nhờ may mắn tình cờ.
Sau khi dành phần lớn thời gian mùa hè thời niên thiếu và những năm đại học ở hòn đảo Ikaria, cô nhận công việc đầu tiên tại New York, trong lĩnh vực tài chính. Cuộc sống trên đảo ban cho cô không gian và thời gian, tự do và bình yên. Ngược lại, cuộc sống đô thị khiến cô cảm thấy sự ô nhiễm và quay cuồng, ồn ào và hỗn loạn.
Và rồi, cả công việc cũng vậy: “Công việc này không thể kéo dài mãi,” cô nói. “Thật khủng khiếp, một guồng quay đầy lo âu căng thẳng.”
Cô nhớ như in ngày mình nghỉ việc. “Tôi đang ở trong thang máy với một trong những chuyên gia phân tích, người đó mặc bộ vest và thắt nơ bướm điển hình, còn tôi thì chỉ mặc chiếc quần tây,” cô kể. “Anh ấy nhìn tôi từ trên xuống dưới và nói, ‘Chà, rõ ràng là cô không có ý định thăng tiến ở công ty này.’ Tôi nghĩ, ‘Anh biết không? Đúng đấy, tôi không hề.’”
Cô quay lại bàn làm việc, đánh máy lá đơn xin nghỉ việc, bỏ lá đơn vào máy đánh chữ, rồi đi ăn trưa. Cô không bao giờ quay trở lại đó nữa.
Cô Kochilas chuyển sang nghề ký giả nhưng có điều gì đó vẫn thôi thúc cô. Trong vòng 18 tháng, cô đã quay về Hy Lạp.
Tại đây, vận mệnh bắt đầu mỉm cười với cô. Cô nhận được công việc viết bài đánh giá nhà hàng cho một tạp chí hàng đầu ở địa phương, đem lòng yêu một chàng trai đến từ Ikaria, cùng anh chuyển về Hoa Kỳ, rồi tìm được công việc mới là làm biên tập viên cho chuyên mục ẩm thực, và trình bày ý tưởng về một cuốn sách cho một nhà xuất bản.
“Tôi cảm thấy như vũ trụ đang dẫn lối cho mình. Tôi lắng nghe tiếng nói từ trong tâm,” cô chia sẻ .
Chia sẻ kiến thức từ hòn đảo
Cuốn sách đầu tiên của cô Kochilas tên là “The Food and Wine of Greece” (Ẩm thực và Rượu vang Hy Lạp), xuất bản năm 1990. Cuốn sách này đã đưa cô đến với con đường mà cô vẫn đang theo đuổi cho đến tận hôm nay. Cuốn “The Ikaria Way” (Lối sống Ikaria) xuất bản vào tháng 03/2024, là một bức thư tình gửi đến hòn đảo quê hương – và, theo cô chia sẻ, là “thực phẩm tự nhiên được trồng ở địa phương, cho dù quý vị ở đâu, với rất nhiều rau củ, các loại rau xanh, đậu, dầu ô liu Hy Lạp hảo hạng, các loại thảo mộc, gia vị, ngũ cốc nguyên cám, muối biển giòn tan, và tất cả những món quà khác của trái đất mà chúng ta tình cờ được ban tặng ở vùng Địa Trung Hải này.” May mắn thay, nhiều loại thực phẩm trong đó cũng dễ dàng được tìm thấy bên ngoài Hy Lạp.
Mặc dù việc nấu ăn của cô bây giờ đã đơn giản hơn trước, vì cô sống một mình sau khi con cái trưởng thành và đi xa nhà, nhưng những gì cô ăn uống “luôn lành mạnh,” cô Kochilas nói.
“Có thể chỉ là món salad, súp đậu lăng, hoặc trứng chiên, nhưng tôi vẫn sẽ dùng những nguyên liệu tốt nhất mà mình có thể tìm thấy – dầu ô liu hảo hạng, chanh tươi vắt, các loại thảo mộc khô nếu không có sẵn thảo mộc tươi.”
Lá kinh giới cay (oregano) của Hy Lạp là loại thảo mộc quan trọng, chứa nhiều đặc tính kháng virus và kháng sinh, có hương thơm nồng nàn đến mức có thể biến đổi ngay cả những bữa ăn đơn giản nhất. Xạ hương (thyme), một chất làm tăng hương vị tuyệt vời, là loại thảo mộc yêu thích khác của cô, bên cạnh bạc hà và lá nguyệt quế. Tất cả các loại thảo mộc mà cô trồng trong vườn nhà ở Ikaria, đều được tìm thấy dưới dạng sấy khô trong nhà bếp của cô ở Athens và New York.
Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác khi con cái về thăm nhà. Đối với họ, cô sẽ chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn với bánh bí ngòi hoặc bí đỏ tươi, bánh mì sourdough (bánh mì chua) tự làm, cơm trộn rau bina, và gigandes (đậu ngự lớn).
Trong khi đó, chương trình “My Greek Table” (Bàn tiệc Hy Lạp) – chương trình truyền hình của đài PBS mà cô Kochilas chủ trì kiêm đồng sản xuất, hiện đã bước vào mùa thứ tư. Trong gần 20 năm qua, cô cũng điều hành một lớp dạy nấu ăn rất thành công trên đảo Ikaria. Lớp học được tổ chức tại tư gia của cô ở làng cổ Aghios Dimitris, các khóa học tĩnh tâm kéo dài một tuần sẽ mang đến cho học viên cái nhìn sâu sắc về cuộc sống trên đảo, và lý do vì sao cư dân ở đây không vội vã rời bỏ nơi này.
“Tôi và những vị khách cùng nhau chuẩn bị những bữa ăn theo mùa lành mạnh nhất, và thưởng thức quanh bàn ăn trong vườn nhà tôi, vừa ăn vừa ngắm biển Aegean. Khoảng thời gian mỗi nhóm học viên dành cho nhau thật đặc biệt,” cô Kochilas chia sẻ. Cô đã xây dựng được tình bạn lâu dài với các học viên của mình, và đến lượt họ cũng vậy, họ cũng gắn bó với nhau.
“Tôi thích nói rằng, đối với tôi, Ikaria không phải là nơi mọi người quên đi cái chết, mà là nơi họ nhớ lại cách sống.”