Biden-Harris sẽ làm tổn hại sâu sắc đến tự do tôn giáo
Khi Phó tổng thống Mike Pence gần giành chiến thắng ngoạn mục trước Thượng nghị sĩ Kamala Harris trong cuộc tranh luận phó tổng thống, cả hai đã tranh luận về việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện, cùng với phong trào chống Cơ Đốc giáo một cách mù quáng đang lan rộng sau khi bà được đề cử. Bà Harris, một trong những người chủ chốt trong vụ bôi nhọ nhân phẩm được dàn xếp công phu năm 2018 nhằm chống lại Thẩm phán Brett Kavanaugh, ứng cử viên Tối cao Pháp viện khi đó, đã cố gắng xoa dịu các cử tri trước cuộc điều trần phê chuẩn bà Barrett sắp diễn ra. Bà Harris khoe: “Joe Biden và tôi đều là những người có tín ngưỡng. Nói rằng chúng tôi sẽ chỉ trích bất cứ ai vì tín ngưỡng của họ chính là một sự lăng mạ.”
Có thể ông Biden và bà Harris theo tôn giáo một cách kín đáo, cũng có thể không. Việc võ đoán về mối quan hệ cá nhân của mỗi người đối với Thượng Đế là khá kém văn minh. Nhưng sẽ hoàn toàn sòng phẳng nếu ta xem xét lại các hồ sơ trong quá khứ, những phát biểu trước đây của họ để thấy trước được các lập trường mà chính quyền của họ sẽ theo đuổi đối với vấn đề tự do tôn giáo. Dưới bất cứ một tiêu chuẩn hơi công bằng nào, một chính quyền Biden-Harris đều sẽ thể hiện một bước giật lùi trầm trọng cho nền tự do tôn giáo của mọi công dân Hoa Kỳ vốn được trân trọng trong Hiến Pháp.
Ở mức độ lý thuyết, ngày càng rõ ràng là chủ nghĩa cấp tiến (progressivism), một bộ phận mà tạm gọi là “giả danh trí thức” đang kiểm soát Đảng Dân Chủ, luôn khinh miệt tôn giáo. Vốn được kế thừa chính trị từ cuộc tấn công của Karl Marx với lời tuyên truyền tai tiếng “thuốc phiện của nhân dân” chống lại truyền thống Do Thái-Cơ Đốc giáo, những nhà cánh tả hiện đại có thói quen xem tôn giáo như là một rào cản cố hữu của sự “khai sáng” toàn diện con người. Họ luôn ngoảnh mặt trước quan niệm rằng một người trí thức có thể thật sự tin tưởng vào Kinh Thánh, có thể thật sự tin tưởng vào sự thần thánh của Kinh Thánh.
Trong thực tế, những nhà cấp tiến thực thụ luôn xem tôn giáo, vốn đã được cắm rễ trong các gia đình và tổ chức xã hội như nhà thờ và giáo đường, như là một rào cản có tính hủy diệt cho các mục tiêu chính trị của họ, chẳng hạn như sự tự trị cực đoan, một nhà nước phúc lợi mở rộng, và cuối cùng là sự bãi bỏ các quốc gia truyền thống để thay thế bằng một chính quyền toàn cầu. Hãy vặn hỏi một người ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, và bạn chắc chắn sẽ nghe được những lời tán thành cho các chính sách trên. Trong phong trào cánh tả của thế kỷ 21, những lời lừa dối đó hoàn toàn nắm vai trò chủ đạo.
Một nội các Biden-Harris sẽ ủng hộ việc sử dụng tiền thuế của người dân cho việc phá thai theo nhu cầu trong bất cứ thời điểm nào của thai kỳ. Ông Biden đã từng giả vờ theo quan điểm của Mario Cuomo: “Cá nhân tôi ủng hộ sự sống nhưng cũng ủng hộ quyền được chọn của phụ nữ,” nhưng trong kỳ bầu cử này ông ta đã đi xa đến nỗi chối bỏ sự ủng hộ hàng thập kỷ của mình đối với Tu chính án Hyde, một đạo luật liên bang lâu đời cấm sử dụng tiền thuế cho việc kết thúc một cách ghê rợn một sinh mệnh chưa chào đời. Bà Harris thì vẫn luôn lớn tiếng về cái gọi là Đạo luật Quyền Sinh sản của bà ta, vốn sẽ lật đổ chủ nghĩa liên bang và yêu cầu các chính sách hạn chế phá thai tại cấp tiểu bang phải được Bộ Tư pháp “thông qua” trước khi thực hiện. Chúng ta đã đi một bước dài, và cũng đầy sát thương, từ các phán quyết của Tòa án trong vụ kiện Roe v. Wade và Planned Parenthood v. Casey, các phán quyết mà mặc dù không hợp pháp nhưng ít ra cũng giả vờ quan tâm đến sức khỏe thai nhi.
Một chính quyền Biden-Harris sẽ là một thảm họa cho việc bảo vệ lương tâm. Họ sẽ theo gót ông Barack Obama, người đã đưa một tu viện nữ ra tòa trong nhiều năm nhằm ép họ phải làm trái tín ngưỡng và trợ cấp cho việc phá thai, và sẽ hùng hổ đàn áp những người theo tôn giáo, bất kể đến Tu chính án Thứ nhất và các đạo luật liên quan, như Đạo luật Khôi phục Quyền tự do Tôn giáo. Những thử thách đáng buồn như những trận chiến pháp lý đầy khó khăn của nhà làm bánh Jack Phillips tại Colorado, chủ nhân của tiệm Masterpiece Cakeshop, sẽ trở nên phổ biến. Sự phân biệt và nhắm vào những người dân Hoa Kỳ có tín ngưỡng, như việc đưa cộng đồng Do Thái giáo lớn nhất đất nước thành tội đồ trong vụ COVID-19 của Thống đốc Andrew Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio vừa qua, cho chúng ta thấy trước một viễn cảnh đau đớn sẽ xảy ra.
Một chính quyền Biden-Harris cũng sẽ mở rộng tòa án, ở cả Tối cao Pháp viện lẫn các tòa án cấp thấp hơn, với các thẩm phán thù địch với các quyền lương tâm và hoàn toàn đi theo đường lối chính trị cấp tiến. Tự do tôn giáo, trong nhiều năm, vẫn là một thành lũy tương đối hiếm hoi cho thành công về mặt luật pháp của nhóm bảo thủ. Có thể chứng kiến, ví dụ như, thất bại lúng túng 9-0 của chính phủ Obama trong vụ kiện “ngoại lệ mục vụ” năm 2012 giữa Nhà thờ và Trường Tin lành Lutheran Hosanna-Tabor với Ủy ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng. Biden và Harris đang cố tình che giấu khỏi công chúng danh sách những người có thể được đề cử vào Tòa án Tối cao, và bản chất của việc giấu diếm hèn nhát này chính là để gây nhầm lẫn rằng các ứng cử viên của họ không phải là cực đoan. Sự thật trần trụi là những ứng cử viên tiềm năng của Biden vào Tòa án (có thể được “mở rộng”), như Pamela Karlan, sẽ đứng hoàn toàn về phía cánh tả của những ứng cử viên theo chủ nghĩa tự do thật sự được Obama đề cử.
Chính phủ TT Trump, mặc dù với quá khứ đầy biến động về mặt đạo đức của chính ngài Tổng thống, vẫn luôn là người bạn trung thành và cống hiến cho những người dân Hoa Kỳ truyền thống và có tín ngưỡng. Sẽ thật đáng xấu hổ nếu sự tiến bộ đó, sự tiến bộ thật sự chứ không phải những giáo điều sai trái của “chủ nghĩa cấp tiến”, bị dập tắt.
Ông Josh Hammer là một luật sư được đào tạo về hiến pháp. Ông là biên tập viên mục quan điểm cho Newsweek, một cộng tác viên podcast với BlazeTV, một cố vấn pháp luật cho Viện First Liberty, và là một nhà báo bình luận.
Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của The Epoch Times.