Biểu tình bên ngoài nhà riêng của các thẩm phán Tối cao Pháp viện
HOA THỊNH ĐỐN — Những người chủ trương ủng hộ sự sống đang sửng sốt trước các tin tức về việc các nhà hoạt động vì quyền phá thai đang dẫn đầu một chiến dịch công kích, gồm các cuộc biểu tình bên ngoài nhà riêng của các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện, nhằm phản ứng với bản dự thảo ý kiến bị rò rỉ – trong đó cho thấy tòa tối cao có kế hoạch lật ngược phán quyết của án lệ Roe kiện Wade năm 1973.
Mặc dù hành vi biểu tình nhằm gây ảnh hưởng đến khả năng thực thi nhiệm vụ của một vị thẩm phán là một tội theo luật pháp Hoa Kỳ, nhóm ủng hộ việc phá thai Ruth Sent Us đã thông cáo trực tuyến kêu gọi các cuộc biểu tình vào ngày 11/05 bên ngoài nhà riêng của các thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Theo bà Judie Brown, Chủ tịch của tổ chức American Life League (Liên Đoàn Sự sống Hoa Kỳ), hành động tối thiểu của chính phủ để đáp lại các cuộc biểu tình cho thấy các nhà lãnh đạo quan trọng ủng hộ việc phá thai.
“Toàn bộ hệ thống đã trở nên điên loạn,” bà nói. “Tất cả đều ủng hộ việc phá thai – chính phủ, v.v. Và giờ đây là cơ hội hoàn hảo để cho thấy họ thực sự cảm thấy thế nào.”
Bà Brown cho hay không phải lỗi của cảnh sát khi mà trong vài ngày qua chỉ có một số ít sĩ quan đứng bên ngoài nhà riêng của các thẩm phán Tối cao Pháp viện. Các quan chức cao cấp hơn của chính phủ đã ngăn cảnh sát điều động lực lượng.
“Nếu tôi là cảnh sát, và tôi thấy loại bạo lực này đang diễn ra, đặc biệt là tại các tư dinh của các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện, tôi sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng sở cảnh sát sẽ không dung thứ cho việc này,” bà nói.
Cho đến nay, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập để hò hét bên ngoài nhà riêng của các Thẩm phán Brett Kavanaugh và Samuel Alito, và Chánh án John Roberts.
Tính đến thời điểm phát hành bản tin này, Bộ Tư pháp vẫn giữ im lặng về việc liệu các cuộc biểu tình bên ngoài nhà riêng của các thẩm phán Tối cao Pháp viện có bất hợp pháp hay không. Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland chưa đưa ra bình luận.
Cho đến nay, các cuộc biểu tình bên ngoài Tối cao Pháp viện vẫn diễn ra ồn ào và giận dữ, một số người thuộc nhóm ủng hộ sự sống đã bị đánh.
“Phá thai là một hành động bạo lực,” Bà Brown nói. “Và những người ủng hộ việc phá thai là những người ưa bạo lực.”
Ông Bryan Kemper, giám đốc tiếp cận thanh niên của tổ chức Priests for Life (Các Linh mục vì Sự sống), cho biết ông đã bị những người biểu tình đấm khi đang ở bên ngoài Tối cao Pháp viện.
“Tôi bị đấm vài lần,” ông nói. “Những người bạn của tôi cũng bị đấm và tấn công. Những gì chúng ta đang chứng kiến thật hết sức điên rồ.”
Ông Kemper cho biết ông không ngạc nhiên nếu bạo lực tiếp diễn bên ngoài nhà riêng của các vị thẩm phán.
Ruth Sent Us, một trong những nhóm tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài nhà riêng của các thẩm phán, đã đề nghị mọi người liên hệ họ nếu muốn tham gia hoặc lãnh đạo một “cuộc biểu tình ôn hòa”.
Mặc cho các mối lo ngại về bạo lực bởi những người biểu tình, cả bà Brown và ông Kemper nói rằng họ không nghĩ các vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện sẽ bị những người biểu tình đe dọa.
“Sẽ không có chuyện những vị thẩm phán này bị đe dọa,” ông Kemper cho biết. “Họ sẽ không lùi bước. Họ sẽ không cho phép những người biểu tình ngăn cảnh họ tiến hành công việc mà họ đã tuyên thệ.”
Trước các cuộc biểu tình bên ngoài nhà riêng của các thẩm phán Tối cao Pháp viện, chính phủ đã đưa ra các phản ứng trái chiều.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết các thẩm phán không cần phải lo lắng về an toàn cá nhân của họ.
“Các thẩm phán thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng trong xã hội của chúng ta, và họ phải có khả năng để làm công việc của mình mà không cần lo lắng về an toàn cá nhân của mình,” cô công bố trên Twitter.
Thống đốc tiểu bang Virginia Glenn Youngkin cho biết rằng các nhà chức trách đang hành động để giữ trật tự bên ngoài ngôi nhà của ông Alito.
Ông cho biết: “Cảnh sát Tiểu bang Virginia đang giám sát chặt chẽ, phối hợp hoàn toàn với Quận Fairfax và ở gần các cuộc biểu tình.”
Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng Hòa–Mississippi) cho biết rằng vụ rò rỉ ở Tối cao Pháp viện đã làm suy yếu hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ.
“Vụ rò rỉ ở Tối cao Pháp viện sẽ đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại về việc kích động đám đông gây áp lực để đe dọa các vị thẩm phán trước khi họ đưa ra một phán quyết,” ông nói trên Twitter. “Vì lợi ích cho sự độc lập của tòa án, người làm rò rỉ này phải được tìm ra và chịu trừng phạt.”