Big Tech có kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm của Trung Quốc hay không?
Câu chuyện của một nhà thiết kế đồ trang sức ở Úc
Việc kiểm duyệt được cho là do các công ty công nghệ lớn (Big Tech) tiến hành đối với các nhóm tín ngưỡng và những người chỉ trích Trung Cộng, có thể cản trở khả năng hoạt động của các doanh nghiệp thương mại điện tử sau khi hai phụ nữ Úc phát hiện các trang kinh doanh trên Facebook và Instagram của họ tạm thời bị chặn.
Cô Ariel Tian là một nhà thiết kế đồ trang sức trẻ tuổi, với ngày càng nhiều khách hàng là những người nổi tiếng, và cô cũng là một người tị nạn tôn giáo đến từ Trung Quốc. Cô Tian vẫn đang băn khoăn liệu có phải tài khoản Instagram của mình tạm thời đã bị chặn do cô đã tiết lộ rằng nguồn cảm hứng cho các thiết kế của mình đến từ đức tin của cô vào một môn tu luyện bị Trung Cộng nhắm mục tiêu để “xóa sổ”.
Cô Tian là người sáng lập kiêm nhà thiết kế của [thương hiệu] Yun Boutique, các món trang sức của cô đã được những người nổi tiếng đeo tại Tuần lễ thời trang New York (hai năm liên tiếp), được vinh danh tại các sự kiện dành cho Quả Cầu Vàng, và xuất hiện trên các chương trình truyền hình, có thể kể đến như phiên bản mới của loạt phim Charmed của hãng WB.
Những người nổi tiếng cũng đã được chụp ảnh khi đeo đồ trang sức của cô Tian, chẳng hạn như: Nam diễn viên từng đoạt giải Emmy Keith David (“Armageddon” và “Platoon”), Hoa hậu Thế giới Canada Anastasia Lin, cô Toni Trucks (“SEAL Team”), cô Lela Loren (“Power”), và cô Camren Bicondova (“Gotham”).
Nhưng trong bối cảnh ngày càng thành công, cô Tian tin rằng có thể cô đã vô tình xung đột với Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram.
Rắc rối bắt đầu sau khi cô công bố một bài đăng lên mục Câu chuyện nổi bật của mình hôm 04/01, bộc bạch rằng nguồn cảm hứng cho thiết kế của cô đến từ Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần theo Phật gia, trong đó các học viên tuân theo các giáo lý đạo đức để sống theo nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn, cùng với việc thực hành các bài tập thiền định.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Pháp môn này nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi do những lợi ích đã được ghi nhận của môn tập này đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Theo ước tính chính thức của Trung Cộng, đến năm 1999 môn tập này đã thu hút từ 70 đến 100 triệu học viên ở Trung Quốc.
Nhưng sự phổ biến rộng khắp của môn tập này đã khiến Trung Cộng phát động một cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999, với mục tiêu công khai là “xóa sổ” môn tu luyện này – và kể từ đó, chế độ này đã khiến các học viên hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền của Bắc Kinh tại Trung Quốc và trên khắp thế giới.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, vài triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong hơn 20 năm kể từ thời điểm đó. Chỉ riêng năm 2010, ước tính có khoảng 1.5 đến 2.5 triệu người bị giam giữ trong các trại lao động.
Hiện đang sống cùng chồng ở Úc, cô Tian cho biết tài khoản doanh nghiệp của cô bắt đầu biến động kỳ lạ vào khoảng ngày 07/01. Tuy nhiên, theo hồ sơ của một công ty mà cô sử dụng để quảng bá hoạt động kinh doanh của mình trên Instagram, công ty này đã không truy cập được vào tài khoản hôm 06/01.
Do nghĩ rằng đó chỉ là một lỗi đăng nhập đơn giản, nên cô Tian cho hay cô đã liên hệ với người quản trị tài khoản của mình hôm 08/01 để hỏi rằng có phải dịch vụ của họ đã gây ra việc tạm ngưng này hay không, nhưng họ cam đoan với cô rằng điều đó là không thể. Cô Tian cũng nhận thấy rằng phần phụ trợ [Backend] của Instagram không biểu hiện bất cứ điều gì đang gây ảnh hưởng đến tình trạng tài khoản của mình.
Nhưng tình trạng tài khoản của cô Tian đã thay đổi chỉ vài giờ sau đó, với thông báo rằng “tài khoản đã bị vô hiệu hóa do vi phạm các điều khoản của chúng tôi.”
“Tài khoản của quý vị đã bị vô hiệu hóa do không tuân theo các điều khoản của chúng tôi… Một số điều chúng tôi không cho phép, bao gồm thu thập số lượt thích, số người theo dõi hoặc số lượt chia sẻ giả tạo, đăng nội dung lặp lại, hoặc liên tục liên hệ với mọi người vì mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của họ. Nếu quý vị cho rằng đây là một sự nhầm lẫn, xin vui lòng cho chúng tôi biết.”
Cô Tian nhấp vào “cho chúng tôi biết” và gửi thông tin theo hướng dẫn. Cô Tian được yêu cầu đưa ra một biên lai kinh doanh và bằng chứng về quyền sở hữu miền, và cô đã làm theo.
Instagram sau đó đã gửi thư điện tử yêu cầu cô Tian chụp ảnh khuôn mặt và cánh tay đang cầm thông tin liên quan được viết tay trên một mảnh giấy. Cô ấy đã làm theo và sau đó chờ đợi.
Cô Tian không bao giờ nhận được phản hồi từ Instagram nữa, nhưng sau khi báo cáo sự việc này với Facebook, công ty mẹ Meta đã gửi cho cô một thư điện tử thông báo rằng họ đã hoàn thành việc xem xét cửa hàng của cô và rằng nó tuân thủ các chính sách thương mại của họ.
“Sau khi xem xét, chúng tôi xác định rằng cửa hàng của quý vị tuân thủ Chính sách thương mại của chúng tôi. Cửa hàng này hiện đã hoạt động,” Meta tuyên bố.
Tuy nhiên, mặc dù vậy, cô Tian thấy cửa hàng vẫn bị hạn chế sau khi kiểm tra trang kinh doanh của mình.
Sau đó, cô Tian đã viết một báo cáo khác cho Bộ phận hỗ trợ của Facebook bằng cách sử dụng hashtag #problemreport, nhưng cô cho hay Facebook sau đó đã vô hiệu hóa hashtag trên bài đăng của cô. Sau đó, cửa hàng đã hoạt động và tài khoản cá nhân của cô ấy có thể kết nối với cửa hàng và gắn các sản phẩm vào trong các bài đăng.
Vụ việc đã khiến doanh nhân Tian lo ngại về thiệt hại cho thương hiệu của mình, vì Instagram đứng đầu trong các nền tảng truyền thông xã hội về quảng cáo và bán hàng cho công việc kinh doanh trang sức của cửa hàng.
Suy ngẫm về những gì có thể đã khiến Meta tạm thời chặn tài khoản doanh nghiệp của mình, cả trên Facebook và Instagram, cô Tian cho hay cô đã xem xét nhiều khả năng khác nhau, bao gồm các bài đăng quảng cáo thương hiệu từ [sự kiện trao giải] Quả Cầu Vàng 2019, nhưng rốt cuộc cô đã loại bỏ chúng bởi một nguyên do nguy hại hơn nhiều.
Hiện cô Tian nghi ngờ tài khoản Facebook và Instagram của mình, vốn đã được những khách hàng là người nổi tiếng ưa chuộng, đã thu hút sự chú ý của đội quân đặc vụ trực tuyến của ĐCSTQ, những người mà cô Tian tin rằng đã tố cáo một cách ác ý về trang kinh doanh của cô sau khi cô chia sẻ công khai rằng mình đã lấy cảm hứng cho các thiết kế trang sức từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
“Một số người Trung Quốc có thể chống lại môn tu luyện này bởi vì ĐCSTQ khởi xướng tuyên truyền rầm rộ qua các phương tiện truyền thông,” cô Tian cho biết.
Nhưng cô Tian lưu ý rằng cô hiểu hành vi của họ vì cô có kinh nghiệm trực tiếp về việc tẩy não mà ĐCSTQ sử dụng đối với người dân Trung Quốc.
“Tôi hiểu nếu họ tố cáo về tài khoản của tôi. Tôi đã từng là một trong những người Trung Quốc mù quáng tin vào bất cứ thông tin nào mà ĐCSTQ cung cấp cho chúng tôi.”
Không phải người duy nhất khiếu nại Big Tech
Nhưng cô Tian không phải là học viên Pháp Luân Đại Pháp duy nhất có tài khoản kinh doanh gặp vấn đề.
Công dân Úc gốc Hoa Jennifer Zeng, một người theo dõi Trung Quốc độc lập, nhà hoạt động nhân quyền và là một tác giả, cũng có trải nghiệm tương tự với Facebook.
Cô Zeng, được biết đến với cuốn tự truyện có nhan đề “Nhân Chứng Lịch Sử: Người Phụ Nữ Đấu Tranh Cho Tự Do và Pháp Luân Công”, đã thẳng thắn nói lên những khó khăn mà cô ấy phải đối mặt với tư cách là một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục, bao gồm cả thời gian ở trong một trại tạm giam, nơi cô đã bị tra tấn vì đức tin của mình.
Cuốn sách được bà June Sawyers, tác giả của hơn 20 cuốn sách, mô tả là “một lời nhắc nhở mạnh mẽ, và thường là đau lòng về những gì có thể xảy ra khi quyền lực của chính quyền không được kiểm soát.”
Trang Facebook của cô Zeng, với gần 280,000 người theo dõi, nơi cô thường xuyên bình luận về Trung Quốc và ĐCSTQ, đã bị chiếm đoạt bởi một tài khoản có tên là cổng FB hồi tháng 08/2020. Trong hai năm qua, cô Zeng đã khẩn khoản yêu cầu Facebook nhiều lần để trả lại tài khoản cho mình, nhưng không có kết quả.
Kể từ đó, trang này tràn ngập những đoạn video thô tục do kẻ chiếm đoạt bí ẩn này đăng lên, mà cô Zeng, người không còn quyền quản lý, không có cách nào để xóa.
“Các video đó đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của tôi,” cô Zeng nói với The Epoch Times. “Một số người đã kết tội tôi dưới các bài viết vì đã đăng những nội dung tệ hại đó. Những lời đó rất khó nghe. Tôi không thể giải thích từng cái một và tôi đã đưa ra tuyên bố nhiều lần.”
Cô Zheng bối rối tại sao Facebook lại im lặng trước những yêu cầu giúp đỡ của mình, vì sẽ rất dễ dàng để xác thực quyền sở hữu ban đầu của cô ấy.
“Đây là điều mà họ có thể dễ dàng giải quyết. Chỉ cần nhìn thoáng qua, quý vị có thể biết rằng trang này là của tôi, [vì] tôi đã điều hành trang đó từ trước đến nay… Ngay cả khi có ai đó đánh cắp tài khoản này, họ có thể dễ dàng xác thực vấn đề và giải quyết cho tôi,” cô Zheng cho biết.
Sau đó, tác giả này đã gặp một nhân viên Facebook khác thông qua LinkedIn và khi cô Zheng hỏi anh ta liệu anh ấy có thể giúp cô lấy lại trang của mình hay không, thì người này nói với cô rằng sẽ rất khó vì Facebook được cho là có chỉ thị nội bộ ngăn chặn Pháp Luân Đại Pháp.
Khi cô Zheng hỏi tại sao Facebook lại kiểm duyệt Pháp Luân Đại Pháp, người đàn ông này trả lời: “Bởi vì bây giờ là thời đại Internet. Nhiều người tố cáo Pháp Luân Công, và chúng tôi chỉ có thể tuân theo các biện pháp đó.”
Bình luận này của người liên hệ với cô Zheng được đưa ra sau khi tờ New York Times trong một bài báo năm 2016 đã cáo buộc rằng Facebook đang vận hành một công cụ nội bộ bí mật, cho phép nền tảng này ngăn chặn các bài đăng xuất hiện trên nguồn cấp tin tức của mọi người ở các khu vực địa lý cụ thể.
Tờ New York Times cáo buộc rằng công cụ này được thiết kế như một tùy chọn cho các chính quyền muốn kiểm soát nền tảng này và nó là một phần của bộ cơ chế mà Facebook sẽ cung cấp trong nỗ lực tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Mặc dù Facebook chưa bao giờ xác nhận các cáo buộc trên của tờ New York Times, nhưng Giám đốc điều hành của một công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại New York, Don Tse, tin rằng bài báo này có thể có một số điểm đáng tin cậy.
Ông Tse, Giám đốc điều hành kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của SinoInsider, nói với The Epoch Times rằng công ty đã không thể quảng cáo trên Facebook kể từ năm 2020, kể cả thông qua các bên thứ ba trung gian.
Theo trang web của công ty này, SinoInsider tập trung vào phân tích các xu hướng chính trị liên quan đến Trung Quốc, với thế mạnh là dự đoán chính trị đặc quyền của ĐCSTQ và quan hệ Trung Quốc–Hoa Kỳ.
Hơn nữa, ông Tse cũng nhận thấy ông ấy không thể quảng cáo trên Twitter, và mặc dù quảng cáo trên YouTube vẫn đang hoạt động, kênh này đã phải đối mặt với những điều bất thường kể từ giữa năm 2020, bao gồm số lượng người ghi danh bị sụt giảm và ngừng thông báo cho những người theo dõi kênh.
Ông Tse đưa ra hai khả năng: thứ nhất, có nhân viên người Trung Quốc trong YouTube chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung liên quan đến Trung Quốc; thứ hai, công việc kiểm duyệt của YouTube được giao cho Trung Quốc thực hiện.
Giám đốc điều hành Tse cho biết ông đã không báo cáo các vấn đề này với các Big Tech vì họ không có thời gian, và ông cảm thấy rằng quá trình này sẽ chẳng mấy tiến triển.
Các phản hồi của Big Tech
Một đại diện của Meta/Facebook nói với The Epoch Times rằng công ty không có chính sách cấm mọi người chia sẻ nội dung liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công/Pháp Luân Đại Pháp, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ hoặc Cơ đốc nhân ở Trung Quốc, và rằng mọi cáo buộc trái ngược với điều này rõ ràng là không đúng sự thật.
“Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là một quyền căn bản của con người, và chúng tôi ủng hộ quyền của mọi người được bày tỏ những phát ngôn chính trị hòa bình trên các nền tảng của chúng tôi. Chúng tôi không tùy tiện gỡ bỏ những phát ngôn chính trị trừ phi nó vi phạm một trong các Tiêu chuẩn cộng đồng khác của chúng tôi, chẳng hạn như những phát ngôn liên quan đến ngôn từ thù địch, bắt nạt và quấy rối, hoặc nội dung bạo lực và phản cảm,” phát ngôn viên của Meta nêu rõ.
Hơn nữa, phát ngôn viên này giải thích rằng họ xem nền tảng của mình là một không gian vô cùng quan trọng để mọi người thực hiện các quyền căn bản, và bất kỳ cáo buộc nào cho rằng họ ngăn cản mọi người đăng những vấn đề này lên Facebook là sai sự thật.
Không nghi ngờ gì nữa, Facebook đã có một số bước tiến ban đầu trong việc giải quyết vấn đề nhân quyền trên nền tảng của mình sau khi bổ nhiệm ông Miranda Sissons làm Giám đốc Nhân quyền của Meta vào năm 2019.
Ông Sissons, trong một tuyên bố chung với ông Nicole Isaac, Giám đốc phản hồi chiến lược của Meta, nêu rõ vào tháng 04/2021 rằng Facebook “ủng hộ quyền tự do thể hiện bản thân của mọi người”.
“Tự do ngôn luận là một quyền căn bản của con người và tạo điều kiện cho nhiều quyền khác. Nhưng chúng tôi biết rằng các công nghệ tự do ngôn luận, thông tin và quan điểm cũng có thể bị lạm dụng để truyền bá sự thù hận và thông tin sai lệch,” tuyên bố này nêu rõ.
“Kể từ năm 2018, chúng tôi đã có các nhóm chuyên trách về sản phẩm, kỹ thuật, chính sách, nghiên cứu và hoạt động để hiểu rõ hơn và giải quyết cách thức sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ở các quốc gia đang xảy ra xung đột. Nhiều người trong số này có kinh nghiệm làm việc về các vấn đề xung đột, nhân quyền và nhân đạo, cũng như giải quyết các lĩnh vực như thông tin sai lệch, ngôn từ thù địch, và chia rẽ phân biệt.”
Trong khi đó, sau hai năm cố gắng lấy lại trang của mình không thành công, theo yêu cầu của The Epoch Times, Meta đã giúp cô Zheng giành lại quyền kiểm soát trang Facebook của mình.
Meta cũng đã có thể giải quyết vấn đề của cô Tian hôm 03/03, sau khi The Epoch Times liên hệ để điều tra vấn đề này.
Instagram đã thông báo cho cô Tian trong một cuộc liên lạc có sự chứng kiến của The Epoch Times, rằng việc tài khoản của cô ấy bị hủy kích hoạt, là một sự nhầm lẫn.
Tuy nhiên, giải pháp này có vẻ không ổn định, vì tài khoản tạm thời bị khóa lại hôm 05/03 trước khi được Meta khôi phục lại sau vài giờ.
Cô Tian cho biết cô hy vọng rằng các trang kinh doanh trực tuyến của mình không bị nhắm mục tiêu hoặc bị kiểm duyệt, vì quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng của cô là lý do mà cô và nhiều bằng hữu của mình chạy trốn khỏi chế độ cộng sản Trung Quốc.
“Nhiều người đã thiệt mạng ở Trung Quốc vì đức tin của mình và thậm chí không được cất lên tiếng nói về những trải nghiệm của mình, và vô số người sống sót sống với những vết sẹo tinh thần và thể chất có thể chẳng bao giờ lành lại,” cô Tian nhận định.
“Việc mất một số tài khoản mạng xã hội dường như là một tổn thất không đáng kể đối với một tiếng nói cất lên cho những sinh mạng vô tội đã, đang và sẽ bị đàn áp.”
Cô Tian cho biết cô cũng sẽ không thay đổi nguồn cảm hứng cho các thiết kế của mình.
“Theo một nghĩa nào đó, nghệ thuật và nền văn minh nhân loại là một món quà từ thiên thượng. Nếu việc tìm kiếm thần tính trong sáng tạo nghệ thuật trở thành điều ‘đáng xấu hổ’, thì đấy là một sự ô nhục đối với nhân loại. Nếu tâm linh trong một nhóm trở thành ‘điều cấm kỵ của cộng đồng’, thì đó là một sự đáng tiếc cho cộng đồng.
Cô Tian khẳng định rằng, “Tôi cảm thấy rằng nếu tôi thỏa hiệp, thứ tôi mất sẽ chính là nguồn cảm hứng sáng tạo của mình; điều này còn lớn hơn nhiều so với việc mất tài khoản thương hiệu hoặc thậm chí mất đi thương hiệu.”