Binh lính và chiến hạm Mỹ đến Eo biển Hormuz trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran
Joseph Lord
Hôm 06/08, hai chiến hạm chở 3,000 binh sĩ Mỹ đã tới Eo biển Hormuz của Hồng Hải trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran leo thang.
Theo các quan chức ở Hoa Thịnh Đốn, việc quân đội tới eo biển này diễn ra sau khi Hoa Kỳ ngăn Iran bắt giữ hai tàu chở dầu thương mại ngoài khơi bờ biển Oman hôm 05/07.
Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã thông báo việc binh lính mới đến trên tàu USS Bataan và tàu USS Carter Hall.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết hành động này sẽ “mang lại cho khu vực các vật lực hải quân và hàng không bổ sung, cũng như nhiều Thủy quân lục chiến và Thủy thủ Hoa Kỳ hơn, đem đến khả năng linh hoạt và khả năng hàng hải cao hơn cho Hạm đội 5 của Hoa Kỳ.” Hạm đội 5 là cơ quan giám sát các hoạt động của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực Trung Đông.
Eo biển Hormuz là khu vực hàng hải rất quan trọng về chiến lược, vì khoảng 20% nguồn cung cấp dầu của thế giới đi qua khu vực này. Trong bối cảnh giá năng lượng vốn đã cao, Hoa Kỳ nóng lòng ngăn chặn bất kỳ sự tăng giá nào nữa có thể xảy ra do một vụ đụng độ quân sự ở eo biển này.
3,000 quân nhân thuộc Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến (MEU) và được huấn luyện cho các chiến dịch đổ bộ. Những chiến hạm được gửi đến khu vực này có khả năng chở phi cơ – bao gồm cả những phản lực cơ F-16 và F-35 đã được quyết định gửi đến khu vực này theo công bố trước đó – và các chiến hạm hải quân có thể trợ giúp trong một cuộc tấn công đổ bộ, qua đó cho thấy mối lo ngại của các cấp cao hơn về khả năng leo thang.
Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ nói rằng mục tiêu của việc này là để ngăn chặn chứ không phải kích động sự leo thang.
Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, cho biết hôm 07/08 rằng mục tiêu của việc tăng cường lực lượng đã được công bố trước đó của Hoa Kỳ trong khu vực là để “hợp tác với các đối tác trong khu vực để ngăn chặn khả năng gây hấn nhằm duy trì các tuyến đường vận chuyển đó luôn mở, và một lần nữa, hướng tới mục tiêu lâu dài là duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.”
“Và vì vậy… chúng tôi đã khai triển các nguồn vật lực bổ sung này để chúng tôi có thêm lựa chọn, để đẩy nhanh các mốc thời gian, và một lần nữa, là để bảo đảm sự ổn định nói chung.”
Hành động gửi thêm các nguồn lực đến khu vực này diễn ra sau cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Iran hôm 05/07 trước những cố gắng của Iran nhằm bắt giữ hai tàu thương mại trong khu vực.
Theo các nguồn tin nhà nước Iran, tàu Richmond Voyager – một tàu du lịch mang cờ Bahamas – đã xung đột với một tàu Iran, được cho là khiến năm thành viên thủy thủ đoàn bị thương.
Hải quân Hoa Kỳ đã phản ứng trước tín hiệu cấp cứu từ tàu Richmond Voyager. Những người trên tàu này cho biết rằng con tàu đã bị các nhà chức trách Iran bắn và yêu cầu dừng lại. Khi tàu USS McFaul đến, các nhà chức trách Iran nhanh chóng rời đi.
Iran sau đó nói rằng hành động bắt giữ con tàu này là làm theo lệnh của tòa án.
Ông Chevron, người quản lý tàu Richmond Voyager, sau đó xác nhận rằng con tàu vẫn hoạt động và thủy thủ đoàn an toàn.
Theo quân đội Hoa Kỳ, đây chỉ là vụ mới nhất, và rằng Iran đã thực hiện những nỗ lực tương tự để bắt giữ các tàu thương mại ngoại quốc 20 lần trong hai năm qua.
Ông Ryder nói với báo chí rằng sự khởi xướng để giảm bớt những căng thẳng này phải bắt đầu từ Iran.
“Tôi nghĩ người Iran là người giao tiếp hay nhất trong việc đe dọa (nguyên văn) bằng hành động của họ khi bắt giữ các tàu thương mại trong khu vực, và trong một trường hợp… bắn vào một tàu thương mại,” ông Ryder nói. “Vì vậy, như chúng tôi đã thực hiện trong một thời gian rất dài, chúng tôi đang phối hợp với các đối tác của mình trong khu vực khi có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, bởi vì một lần nữa, không chỉ có quân đội Hoa Kỳ kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thương mại. Chúng tôi đang hành động như một phần của liên minh rộng lớn hơn về nỗ lực đó.”
Khi các quan chức quân sự mong muốn tiếp tục tập trung vào Trung Quốc và Nga, thì Ngũ Giác Đài cũng đã cho thấy trong các bình luận với The Associated Press rằng họ có thể đưa quân đội Hoa Kỳ lên các tàu thương mại treo cờ ngoại quốc để bảo vệ những tàu này khỏi bị các lực lượng Iran bắt giữ và quấy rối thêm nữa trong khu vực.
Trên thực tế, Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc chiến ngầm với Iran kể từ khi chế độ cách mạng Hồi giáo hiện tại – thế lực lật đổ nhà vua do Hoa Kỳ hậu thuẫn – được thành lập.
Tuy nhiên, việc đưa binh lính Mỹ lên các tàu thương mại sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối bang giao căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Tehran, vì ngay cả trong “Cuộc chiến Tàu chở dầu” vào cuối những năm 1980, ước tính lúc đó Iran đã tấn công hơn 160 tàu thương mại, thì Hoa Kỳ cũng chưa có hành động nào như vậy.”