BlackRock ‘đã đàm phán chống lại nước Mỹ’ với các khoản đầu tư tại Trung Quốc?
Consumers’ Research, một tổ chức bất vụ lợi, đã phát hành một chiến dịch quảng cáo có nhan đề “Đặt cược vào Trung Quốc” nhắm đến đại công ty quản lý đầu tư BlackRock về các khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc.
Đoạn quảng cáo dài 30 giây tuyên bố rằng nhà quản lý tiền này đang đổ hàng tỷ USD vào Bắc Kinh, “nâng đỡ các lãnh đạo Trung Cộng”. Quảng cáo này cho biết BlackRock đã đầu tư vào các công ty giám sát được quân đội quốc gia sử dụng. Quảng cáo cũng trích dẫn tỷ phú George Soros và tạp chí Wall Street Journal của ông, có nhan đề “Sai lầm Trung Quốc của Blackrock” (BlackRock’s China Blunder), gọi sự mạo hiểm tại Trung Quốc của công ty này là một “khoản đầu tư tồi” và “sai lầm bi thảm”.
Quảng cáo nói rằng, “Giám đốc điều hành [BlackRock] Larry Fink rất thích nói với người Mỹ về cách sống, nhưng ông ấy đã đàm phán chống lại Mỹ, lấy lòng Trung Quốc.”
Theo Consumers’ Research, quảng cáo này là một phần của sáng kiến rộng lớn hơn được gọi là Sáng kiến Người tiêu dùng trước tiên. Phong trào này nhắm vào các công ty được cho là “thức tỉnh” và các chính sách của họ khi họ tham gia vào các giao dịch đáng ngờ.
“Không có ‘thức tỉnh’ nào có thể che giấu được những gì BlackRock thực sự đang làm. Ý tưởng cho rằng một công ty Mỹ đang lấy hàng tỷ USD và dùng nó để đặt cược vào thành công của Trung Quốc là điều rất đáng lo ngại. Chúng tôi không thể cho phép điều này tiếp tục. Rót tiền từ các khoản tiết kiệm hưu trí khó kiếm được của người Mỹ cho Trung Quốc là không an toàn từ cả khía cạnh an ninh quốc gia và tài chính,” ông Will Hild, chủ tịch của Consumers’ Reseach, cho biết trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông.
“Chúng tôi không thể để những giám đốc điều hành như ông Larry Fink cố gắng dạy người Mỹ cách sống như thế nào trong khi kết thân với một trong những kẻ vi phạm nhân quyền hàng đầu thế giới.”
“Bằng cách công khai các giao dịch mờ ám của BlackRock cho tất cả mọi người thấy, chúng tôi đang gửi đi một thông điệp rằng các công ty sẽ không bỏ qua việc lợi dụng những người Mỹ chăm chỉ. Bất kỳ công ty nào cố gắng sử dụng chính trị thức tỉnh để che đậy hành vi sai trái của họ nên coi chiến dịch quảng cáo này và hãy biết họ có thể là người tiếp theo.”
BlackRock đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Đây không phải là lần đầu tiên BlackRock bị xướng tên vì mối liên hệ với Trung Cộng. Trong một cuộc phỏng vấn với “Squawk Box” của CNBC hồi tháng trước, người dẫn chương trình Joe Kernen đã gây sức ép với ông Fink về việc thúc đẩy công bằng khí hậu trong khi bỏ tiền vào nhà sản xuất khí thải nhà kính lớn nhất. Vị giám đốc điều hành này đã bác bỏ những lo ngại bằng cách nói rằng BlackRock cam kết với chính phủ để nâng đỡ nền kinh tế xanh và rút ra khỏi nhiên liệu hóa thạch.
BlackRock tiếp tục lạc quan về Trung Quốc
Trình bày tại Diễn đàn Lujiazui ở Thượng Hải thông qua hội nghị truyền hình vào tháng 06/2020, ông Fink cho biết Trung Quốc “sẽ là một trong những cơ hội lớn nhất cho BlackRock.” Ông nhắc lại quan điểm này trong một lá thư gửi cổ đông vào đầu năm nay, viết rằng những nỗ lực của công ty ở ngoại quốc là một “cơ hội đáng kể để đáp ứng các mục tiêu dài hạn của các nhà đầu tư ở Trung Quốc và quốc tế.”
Vào tháng Sáu, BlackRock đã trở thành nhà quản lý tài sản ngoại quốc đầu tiên kiểm soát toàn phần công ty con của mình là quỹ tương hỗ (mutual fund) trị giá 3.6 ngàn tỷ USD tại Trung Quốc. Vào tháng Chín, công ty này đã thành lập một quỹ đầu tư cổ phần tại Trung Quốc, huy động được 1.03 tỷ USD từ hơn 111,000 nhà đầu tư.
Ông Fink đã trở nên rất lạc quan về [thị trường] Trung Quốc. Theo công ty dịch vụ tài chính Morningstar, BlackRock và HSBC đã trở thành những nhà mua nợ Evergrande lớn nhất. BlackRock đã mua 31.3 triệu nợ có vấn đề của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc này từ tháng Một đến tháng Tám, tăng tỷ trọng thành 1% tài sản trong Quỹ trái phiếu lãi suất cao của Á Châu trị giá 1.7 tỷ USD.
Bất chấp sự suy thoái của chứng khoán Trung Quốc, các nhà phân tích của BlackRock cho rằng các nhà đầu tư toàn cầu đang đánh giá thấp cổ phiếu của quốc gia này và khuyến nghị các nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của các công ty bị đánh giá thấp khi chúng đang rẻ.
Vào tháng Chín, các nhà phân tích của BlackRock viết: “Chúng tôi tin rằng việc định giá lại là đáng kể, cổ phiếu của Trung Quốc đang thấp hơn các công ty cùng ngành của Mỹ hơn 30% trong năm nay, và việc tăng phần bù rủi ro đối với cổ phiếu Trung Quốc là thái quá. Theo quan điểm của chúng tôi, các nhà đầu tư đã được bù đắp rủi ro ở mức định giá hiện tại.”
Mùa hè vừa qua, BlackRock tuyên bố rằng các nhà đầu tư nên tăng gấp ba lần đầu tư vào tài sản của Trung Quốc, ngay cả khi rủi ro pháp lý treo lơ lửng trên nhiều lĩnh vực chính, đặc biệt là công nghệ.
Bà Wei Li, chiến lược gia đầu tư của Viện đầu tư của BlackRock, nói với Financial Times vào tháng Tám rằng, “Trung Quốc (không chỉ) xuất hiện quá ít trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu, mà theo quan điểm của chúng tôi, còn ít cả trong các chỉ số chứng khoán toàn cầu.”
BlackRock không phải là tổ chức duy nhất cắm rễ ở Bắc Kinh. Fidelity, HSBC, JPMorgan Chase, và UBS đã thành lập quỹ đầu tư và mua cổ phần của các công ty ở Trung Quốc. Dòng vốn ngoại quốc chảy vào chứng khoán Trung Quốc đạt mức 5 tỷ USD trong tháng Mười, mức lớn nhất kể từ tháng Năm.
Nền kinh tế tiếp tục hỗ trợ sự lạc quan của Wall Street?
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã giảm xuống 49.2 trong tháng Mười, thấp hơn dự báo thị trường là 49.7 – bất cứ con số nào dưới 50 cho thấy sự suy giảm. Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp, do sản lượng, các đơn đặt hàng mới, và các doanh số xuất cảng giảm.
Chỉ số PMI sản xuất của Caixin, một phép đo của khu vực tư nhân, vẫn nằm trong phạm vi mở rộng trong tháng thứ hai liên tiếp, đạt mức cao nhất trong bốn tháng là 50.6. Nhu cầu trong nước lớn hơn đối với tổng số đơn đặt hàng mới đã thúc đẩy số liệu này. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng chi phí sản xuất đang tăng nhanh.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng các ước tính ban đầu cho tháng 11 không quá khả quan.
Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holdings Inc., đã viết trong một ghi chú rằng, “Dự kiến đến tháng 11, chỉ số PMI phi sản xuất có thể giảm đáng kể do làn sóng COVID-19 mới và chính sách “Không COVID” (zero-COVID) ngày càng khắc nghiệt của Trung Quốc, trong khi chỉ số PMI của sản xuất có thể vẫn yếu do những cú sốc từ cả phía cung và cầu.”
Trung Quốc đang trên bờ của lạm phát trì trệ?
Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, đã cảnh báo trong một nghiên cứu rằng nền kinh tế có thể “đã trải qua tình trạng lạm phát trì trệ.” Lạm phát trì trệ phát sinh khi tăng trưởng kinh tế chậm cùng với lạm phát tăng nhanh.
Ông Zhang viết: “Một dấu hiệu đáng lo ngại là lạm phát chuyển từ giá đầu vào sang giá đầu ra. Lạm phát giá đầu vào đã ở mức cao trong nhiều tháng, do giá hàng hóa tăng cao. Nhưng sự tăng vọt của chỉ số giá đầu ra trong tháng Mười là đáng báo động.”
Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ANZ, nói với “Squawk Box Asia” của CNBC rằng, “chúng tôi có thể thấy rõ tình trạng lạm phát trì trệ trong công nghiệp ở Trung Quốc,” và thêm rằng, “khu vực công nghiệp rõ ràng đang ở trong tình trạng rất khó khăn.”
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế trong quá trình phục hồi sau đại dịch, bao gồm các quy định nghiêm ngặt về COVID-19, lạm phát cao hơn, tình trạng thiếu điện trên toàn quốc và mức nợ gia tăng.