Bộ Ngoại giao chậm trễ di tản người Afghanistan ủng hộ quân đội Hoa Kỳ khi rút quân
Hôm 07/06, trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hàng ngàn người Afghanistan đã hỗ trợ Hoa Kỳ từ năm 2001 và muốn rời khỏi đất nước của họ có thể vẫn phải ở lại đó sau khi quân đội Hoa Kỳ rút binh vào mùa hè này.
“Chúng tôi đang hết sức cố gắng xem xét tất cả trường hợp có thể xảy ra để bảo đảm rằng sẽ hồi báo và chăm sóc những người đã từng giúp đỡ chúng tôi và những người đang tìm cách rời đi,” ông Blinken cho biết khi Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa–Texas) hỏi về vấn đề này. Ông McCaul thành viên thiểu số cao cấp của Ủy ban Ngoại giao.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi còn nhiều việc tồn đọng… chúng tôi đã tăng thêm nhân viên, chủ yếu ở Hoa Thịnh Đốn vì phần lớn công việc này thực sự được thực hiện ở Hoa Thịnh Đốn. Vào cuối tháng 07/2021, chúng tôi sẽ bổ sung thêm 50 người ở D.C. để xúc tiến việc này trong vài tháng tới.”
“Chúng tôi hy vọng có thể giải quyết công việc tồn đọng trong vài tháng tới với tốc độ một ngàn [hồ sơ] một tháng.”
Ông phân loại vài loại tình huống trong số ước tính 26,000 người Afghanistan được cho là muốn được Hoa Kỳ đưa ra khỏi đất nước của họ vì sợ bị phe Taliban sát hại khi quân đội Hoa Kỳ rời đi.
Ông Blinken cho biết có thể có thêm 9,000 người như vậy, và ông có thể sẽ quay lại với Quốc hội vào cuối mùa hè này để xin phép tăng số lượng Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV). Việc này cần được thực hiện trước khi Hoa Kỳ có thể chuyển họ đến một địa điểm khác bên ngoài Afghanistan.
Khoảng 26,000 đến 35,000 người Afghanistan đã cung cấp thông tin tình báo cho lực lượng Hoa Kỳ về các kế hoạch, hoạt động và địa điểm của phe Taliban, cũng như dịch thuật và các dịch vụ hậu cần, văn hóa và hành chính khác kể từ năm 2001. Vợ hoặc chồng và con em của họ cũng sẽ rời khỏi Afghanistan cùng họ.
Nhóm bất vụ lợi No One Left Behind (Không Ai Bị Bỏ Lại Phía Sau) ước tính rằng có hơn 300 người đã bị phe Taliban ám sát kể từ năm 2014.
Theo ông McCaul, vấn đề bây giờ là binh sĩ Hoa Kỳ sẽ sớm rời khỏi đó, có thể sớm nhất là vào cuối tháng Bảy.
Ông McCaul nói với ông Blinken rằng: “Chúng ta chỉ còn hai tháng trước khi Bộ Quốc phòng hoàn toàn rời khỏi Afghanistan, do đó sẽ bỏ những người này lại.”
Nếu Bộ Ngoại giao duy trì tốc độ giải quyết mà ông Blinken mô tả là 1,000 hồ sơ mỗi tháng, thì sẽ cần khoảng từ hai đến ba năm để hoàn thành công việc này.
Ông Blinken cho biết: “Vâng, đầu tiên, chúng tôi đang xem xét mọi phương án, và thứ hai là, tôi không nghĩ thực tế là lực lượng quân đội của chúng ta đang rút quân – chúng ta không rút quân; chúng ta ở lại; đại sứ quán của chúng ta ở lại; các chương trình của chúng ta đang ở lại; chúng ta đang làm việc để bảo đảm các đối tác khác của chúng ta luôn ở lại; Chúng ta đang xây dựng tất cả những điều đó.”
“Bất cứ điều gì xảy ra ở Afghanistan, nếu có một tình trạng xấu đi đáng kể … Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra chỉ trong 1 tuần; vì vậy tôi không nhất thiết phải đánh đồng việc lực lượng của chúng ta rời đi vào tháng Bảy, tháng Tám, hoặc tháng Chín như một tình trạng xấu đi ngay lập tức.”
Ông McCaul nói với The Epoch Times sau buổi điều trần rằng câu trả lời của ông Blinken thật đáng thất vọng.
Ông McCaul nói: “Tôi rất thất vọng khi Bộ trưởng Blinken không có câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi của tôi về việc di tản những người Afghanistan đã liều mạng hỗ trợ chúng ta đi đến quốc gia thứ ba. Bộ Quốc phòng cho biết họ đang lập các kế hoạch; Bộ Ngoại giao nên thông báo cho Quốc hội biết nơi họ có thể được đưa đến.”
Sự chú ý của giới truyền thông đối với vấn đề loại bỏ các đồng minh của Afghanistan ngày càng tăng lên, cả hai trang xã luận của Wall Street Journal và Washington Post đều kêu gọi các chương trình di tản đặc biệt trong tuần lễ kết thúc vào ngày 06/06.
Theo The Atlantic, có lẽ giờ đây Tổng thống Joe Biden có thể chuộc lại lỗi lầm của mình; năm 1975 ông đã phản đối các nỗ lực đặc biệt của Hoa Kỳ để di tản các công dân miền Nam Việt Nam – những người đã nỗ lực giúp đỡ cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam – trong một bài diễn văn tại Thượng viện rằng, “Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải di tản một, hoặc 100,001 người dân ở miền Nam Việt Nam.”
The Atlantic cho hay, “Với tốc độ bình thường này, [những người Afghanistan] vẫn sẽ phải chờ đợi nhiều năm sau khi những người lính Hoa Kỳ cuối cùng rời khỏi đất nước của họ. Trong khi chờ đợi, cố gắng lẩn trốn, nhiều người trong số họ sẽ bị Taliban truy lùng ráo riết. Chúng ta sẽ rời đi, và những người Afghanistan tin vào lời hứa của chúng ta sẽ bị sát hại. Cuộc chiến của chúng ta sẽ kết thúc – thậm chí Hoa Kỳ có thể không nghe thấy tin tức nào về sự thiệt mạng của họ.”