Bộ trưởng Yellen chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc đối với các công ty Hoa Kỳ
Dorothy Li và Frank Fang
Vào ngày thứ hai trong chuyến công du ngoại giao tới Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ nên cạnh tranh dựa trên một “bộ quy tắc công bằng”. Bà bảo vệ các chính sách của Hoa Thịnh Đốn chống lại các hoạt động thương mại không công bằng liên tục của chế độ cộng sản này.
Bà Yellen đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên với tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) hôm 07/07.
Theo một bản ghi chép lại do bộ này phát hành, Bộ trưởng Ngân khố trình bày trong bài diễn văn được chuẩn bị sẵn rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm “sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh” với Trung Quốc cộng sản mà “không bên nào đạt được hết thảy lợi ích, mà là với một bộ quy tắc công bằng, có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia theo thời gian.”
Bà Yellen bảo vệ những nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia khỏi các mối đe dọa do chính quyền Trung Quốc gây ra, đồng thời lưu ý rằng những biện pháp này không nên làm cho mối bang giao song phương Hoa Kỳ–Trung Quốc trở nên xấu hơn.
“Trong một số trường hợp nhất định, Hoa Kỳ sẽ cần theo đuổi các hành động có mục tiêu để bảo vệ an ninh quốc gia của mình,” bà nói. “Và chúng ta có thể bất đồng trong những trường hợp này.”
“Tuy nhiên, chúng ta không nên cho phép bất kỳ sự bất đồng nào dẫn đến những hiểu lầm làm xấu đi mối quan hệ kinh tế và tài chính song phương một cách không cần thiết,” bà nói.
Nhận xét của bà Yellen được cho là sẽ khiến chính quyền Trung Quốc thất vọng. Trong một tuyên bố được đưa ra trước đó hôm 07/07, một quan chức của Bộ Tài chính cho biết Bắc Kinh hy vọng Hoa Thịnh Đốn sẽ thực hiện “các bước cụ thể” để cải thiện bang giao kinh tế và thương mại cũng như tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển. Bản ghi còn nói thêm rằng “không bên nào chiến thắng từ một cuộc chiến thương mại hoặc từ việc đoạn giao và phá vỡ các chuỗi liên kết.”
Trước khi bà Yellen đến Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất cảng mới đối với gali và germanium – hai khoáng chất quan trọng đối với ngành sản xuất chất bán dẫn – mà các chuyên gia xem là một hành động trả đũa cho những hạn chế của phương Tây đối với công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.
Bà Yellen đã chỉ trích các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới của Bắc Kinh trong một buổi họp với các đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ trước đó hôm thứ Sáu. Bộ trưởng Ngân khố cũng chỉ trích cách nhà cầm quyền này đối xử với các công ty Hoa Kỳ, nói với nhóm đại diện này rằng bà “đặc biệt lo ngại” trước “các hành động trừng phạt” doanh nghiệp Mỹ của Bắc Kinh.
Bà Yellen cũng đã hội đàm với cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương. Ông Lưu từng là nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với chính phủ cựu TT Trump.
Những cuộc thảo luận này là một phần trong chuyến công du bốn ngày của vị Bộ trưởng Ngân khố tới Bắc Kinh nhằm mục đích thúc đẩy các tuyến liên lạc thường xuyên với Trung Quốc cộng sản.
Sau khi đến Trung Quốc hôm 06/07, bà Yellen tuyên bố trên Twitter rằng chuyến công du của bà “đem đến một cơ hội giao tiếp và tránh thông tin sai lệch hoặc hiểu lầm,” vì bà muốn “tăng cường liên lạc” với Trung Quốc “về một loạt vấn đề.”
Tuy nhiên, sự lạc quan của bà về việc cải thiện mối bang giao song phương hoàn toàn trái ngược với một số thành viên Đảng Cộng Hòa, khi cho rằng chỉ vài tuần trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có mặt ở Trung Quốc, nhưng không có bước đột phá lớn nào từ chuyến công du đó. Chính quyền Trung Quốc đã từ chối chấp nhận sự cố gắng nối lại liên lạc quân sự trực tiếp của ông Blinken.
“Sau khi Ngoại trưởng Blinken rời Bắc Kinh mà không có nhiều điều để thể hiện cho chuyến công du của mình, việc tăng cường bằng cách gửi thêm các quan chức cấp Nội các như Bộ trưởng Yellen chỉ kéo dài vòng luẩn quẩn này – chúng ta đang tự kiểm duyệt chính mình trong khi Trung Cộng tận dụng tối đa,” Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa–Wisconsin), chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố trên Twitter hôm 07/07.
Bà Nikki Haley, cựu thống đốc South Carolina – người đang tìm kiếm đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào năm 2024 – đã đặt câu hỏi tại sao trước đó Tổng thống Joe Biden đã cử ông Blinken và bây giờ là bà Yellen đến Trung Quốc.
“Ông Biden đang cố làm hòa với Trung Quốc, và ông Tập Cận Bình đang cười nhạo chúng ta,” bà Haley viết trên Twitter hôm 06/07. “Chúng ta nên tin kẻ thù của mình khi họ nói cho chúng ta biết họ là ai.”
‘Sân chơi bình đẳng’
Trước khi gặp ông Lý Cương, bà Yellen đã nói chuyện với các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ, nói với họ rằng bà đang truyền đạt những mối lo ngại của họ tới phía Trung Quốc.
“Trong các cuộc họp với những người đồng cấp, tôi đang truyền đạt những lo ngại mà tôi đã nghe được từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ – bao gồm việc Trung Quốc sử dụng các quy định phi thị trường như mở rộng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trong nước, cũng như các rào cản đối với các doanh nghiệp ngoại quốc tiếp cận thị trường,” bà nói trong văn bản được chuẩn bị trước.
Bà Yellen nói thêm rằng bà “đặc biệt lo lắng” trước các hành động trừng phạt của giới chức Trung Quốc đối với các công ty Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.
Mới đây, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron Technology của Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc khiến doanh thu toàn cầu có “tỷ lệ phần trăm thấp ở mức hai con số” gặp nguy hiểm. Hồi tháng Năm, cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc cho biết nhà sản xuất vi mạch bán dẫn có trụ sở tại Idaho này không đạt được yêu cầu về đánh giá bảo mật mà không nêu rõ những rủi ro nào mà họ phát hiện được. Hành động đó có nghĩa là các sản phẩm của Micron sẽ bị cấm cung cấp cho các công ty Trung Quốc đang vận hành các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bà cũng bày tỏ những lo ngại về các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới của Bắc Kinh đối với gali và germanium, hai kim loại mà Trung Quốc chiếm một thị phần đáng kể trong sản lượng toàn cầu.
“Chúng tôi vẫn đang đánh giá tác động của những hành động này, nhưng những hành động đó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng,” bà Yellen nói thêm. Hai kim loại này rất quan trọng để tạo ra chất bán dẫn, vốn là những vi mạch bán dẫn nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại di động cho đến xe điện và hệ thống hỏa tiễn.
TSMC, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan, đã nói trong một tuyên bố với Reuters rằng họ không cho rằng các hạn chế xuất cảng của Trung Quốc có “bất kỳ tác động trực tiếp nào” đến hoạt động sản xuất của họ.
“Tôi sẽ luôn bảo vệ lợi ích của quý vị và làm việc để bảo đảm có một sân chơi bình đẳng. Điều này bao gồm việc phối hợp với các đồng minh của chúng ta để ứng phó với các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc,” bà Yellen nói thêm.
Trong cuộc khảo sát thường niên về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc được công bố hồi tháng Ba, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã xác định việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) ở Trung Quốc là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các thành viên của cơ quan này.
“Gần 1/4 thành viên cho biết, việc bảo vệ IP không đầy đủ làm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, với sự khó khăn trong việc truy tố các hành vi vi phạm IP và bảo vệ IP không đầy đủ là hai thách thức chính,” cuộc khảo sát cho biết.
Hôm 15/06, ông Gallagher, bà Steel, và hơn 20 thành viên khác của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã gửi một bức thư tới Tổng chưởng lý Merrick Garland, yêu cầu Bộ Tư pháp báo cáo tóm lược về nỗ lực của bộ này trong việc chống hành vi trộm cắp IP của Trung Quốc. Họ viết trong thư rằng hành vi trộm cắp IP của Trung Quốc gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ 600 tỷ USD mỗi năm.
Bà Yellen kêu gọi Bắc Kinh áp dụng các hoạt động định hướng thị trường hơn nhưng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách đoạn giao với Trung Quốc.
Bà giải thích rằng, “Việc đoạn giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu.”
‘Vi phạm nhân quyền’
Ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), một cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Thiên An Môn đang sống lưu vong và là người sáng lập tổ chức bất vụ lợi Trung Quốc Nhân đạo tại Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi rằng với hồ sơ nhân quyền của chế độ cộng sản này, tại sao bà Yellen lại đến Trung Quốc.
Tại sao bà Yellen lại đến Trung Quốc khi “Trung Cộng đang tham gia vào hoạt động diệt chủng” và “chính quyền Hồng Kông đang treo thưởng cho thông tin về các nhà hoạt động ở ngoại quốc?” ông Chu viết trên Twitter hôm 06/07.
“Nhà cầm quyền [Trung Cộng] cần chuyến thăm của bà để bình thường hóa các hành vi vi phạm nhân quyền và đàn áp xuyên quốc gia,” ông Chu tiếp tục. “Tách rời thương mại và đầu tư ra khỏi nhân quyền là sai lầm tồi tệ nhất của [chính phủ] Hoa Kỳ; đừng lặp lại thêm nữa.”
Trung Quốc đã sử dụng “cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan” như một cái cớ để nhốt hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở vùng viễn tây Tân Cương – nơi những người bị giam giữ phải chịu cảnh lao động cưỡng bức, tra tấn, truyền bá chính trị, cưỡng bức phá thai, và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác trong các trại tập trung của Trung Quốc.
Cả chính phủ cựu TT Trump lẫn TT Biden đều chính thức tuyên bố cách mà Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác diệt chủng” và “tội ác chống nhân loại”.
Người Duy Ngô Nhĩ không phải là nhóm duy nhất bị nhắm mục tiêu ở Trung Quốc. Trung Cộng cũng đã bức hại một cách có hệ thống các tín đồ Cơ Đốc, các học viên Pháp Luân Công, và người Tây Tạng, cũng như các luật sư nhân quyền Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, mới đây công an địa phương đã ban hành lệnh bắt giữ và treo tiền thưởng cho thông tin về tám nhà hoạt động lưu vong ủng hộ dân chủ, vì cho rằng họ đã vi phạm luật an ninh quốc gia của thành phố này. Do đó, hành động này đã vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức chính phủ ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, và Canada.
Bà Vương Á Thu (Wang Yaqiu), nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York, cho biết trong một tweet trước khi bà Yellen đến Trung Quốc rằng không nên loại bỏ các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ra khỏi những cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Không có gì sai khi đàm phán về kinh doanh,” bà Vương viết hôm 02/07. “Nhưng đàm phán kinh tế với Trung Quốc không thể dựa trên việc bỏ qua sự lạm dụng của Bắc Kinh, bởi vì thông qua 40 năm làm như vậy, giờ đây chúng ta phải đối đầu với một Trung Cộng mạnh hơn và hung hăng hơn.”