Boeing tuyên bố chấm dứt sản xuất Dreamliner 787 ở Washington
Ngày 1/10, hãng Boeing đã thông báo rằng họ sẽ chấm dứt sản xuất máy bay 787 Dreamliner ở bang Washington, và sẽ sáp nhập hoạt động sản xuất loại máy bay này vào cơ sở ở South Carolina vào giữa năm 2021.
Boeing cho biết việc sản xuất phi cơ 787 sẽ vẫn tiếp tục tại nhà máy của hãng ở Everett, tiểu bang Washington, cho đến khi cơ sở ở North Charleston, South Carolina, có thể bắt đầu sản xuất 6 phi cơ mỗi tháng.
Ông Stan Deal – chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes – tuyên bố, “Đội ngũ của chúng tôi ở Puget Sound sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc sản xuất hiệu quả các dòng phi cơ 737, 747, 767, và 777, và cả hai địa điểm sẽ cùng phát huy các sáng kiến của Boeing để nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, và tối ưu hóa hoạt động vận hành”.
Hãng Boeing cho biết quyết định của họ được đưa ra do nhu cầu cấp bách phải “duy trì thanh khoản và tái bố trí một số ngành kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hiện tại để nâng cao tính hiệu quả và cải thiện năng suất trong dài hạn.”
Hồi tháng 7 Boeing đã tuyên bố rằng họ đang cân nhắc hiện thực một nghiên cứu là sáp nhập hoạt động sản xuất phi cơ 787 vào một địa điểm duy nhất.
“Bản đánh giá đã xem xét các tác động và lợi ích đối với khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên của Boeing và sức mạnh tổng thể của hệ thống sản xuất. Nghiên cứu về Boeing 787 là một phần của quá trình rà soát doanh nghiệp đang được tiến hành để đánh giá lại tất cả các lãnh vực về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, danh mục và hoạt động đầu tư, cũng như sự vững mạnh và ổn định của chuỗi cung ứng,” công ty cho biết.
Hạ nghị sĩ Rick Larsen (Dân Chủ), người đại diện cho Khu vực 2 của tiểu bang Washington và là chủ tịch Tiểu ban Hàng không của Hạ viện Hoa Kỳ, gọi quyết định này là “thiển cận và không đúng chỗ”.
Vào ngày 29/9, ông Larsen cho biết rằng, “Khi nền kinh tế phục hồi và du lịch hàng không quay trở lại, tôi sẽ đấu tranh để đưa hoạt động sản xuất phi cơ 787 trở lại Everett” – nơi Boeing tuyển dụng khoảng 30,000 nhân viên – và quảng bá các lợi ích của việc duy trì dây chuyền sản xuất tại tiểu bang Washington.
“Tây Bắc Thái Bình Dương là nơi có lực lượng lao động hàng không và vũ trụ giỏi nhất thế giới. Sức mạnh của ngành hàng không và vũ trụ của khu vực này bao gồm hệ thống giáo dục, lực lượng lao động được đào tạo, chuỗi cung ứng vững chắc, kinh nghiệm sản xuất phong phú, và chất lượng cuộc sống nói chung,” ông nói.
Việc chấm dứt sản xuất Dreamliner của hãng Boeing ở Tây Bắc Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều áp lực cắt giảm sản lượng và việc làm. Hãng cũng tìm cách bảo toàn tiền mặt trong đại dịch. Công ty đã lỗ 2.4 tỷ USD trong quý 2 năm nay, và đã tuyên bố cắt hơn 12,000 việc làm vào cuối tháng 5, bao gồm cả việc sa thải 6,770 lao động.
Hãng cũng cho biết việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang bang South Carolina – nơi ít có hoạt động công đoàn (non-union state) nhằm giảm sự phụ thuộc vào tiểu bang Washington, nơi Boeing có nhiều sóng gió trong mối quan hệ với các công đoàn trước đây.
Tuy nhiên, việc đánh cược vào tiểu bang miền nam (South Carolina) để cắt giảm chi phí không phải là không có rủi ro. Nếu nhu cầu về phi cơ 787 tăng trở lại ở mức khoảng 10–11 chiếc mỗi tháng, Boeing sẽ phải đầu tư vào việc mở rộng cơ sở ở South Carolina, trong khi chi phí nâng cấp thiết kế tiềm năng trong tương lai cũng có thể không thấp.
Nhà phân tích Richard Aboulafia của Teal Group cho biết, “Nếu họ thực hiện một phiên bản nâng cấp của phi cơ 787 trong vòng 5 hoặc 8 năm nữa, họ sẽ phải làm điều đó hoặc là từ nơi xa xôi, hoặc phải tái thiết các cơ sở thiết kế và máy móc cơ khí đắt tiền mà họ đã có ở Everett.”