JOHN SEILER

Với việc Dân biểu California Kevin McCarthy cuối cùng đã yên vị ở vị trí Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, dưới đây là bốn sửa đổi mà ông và các đồng nghiệp của mình từ cả hai đảng có thể thúc đẩy để dành sự giúp đỡ riêng cho người dân California.

1. Cho phép phá sản vì khoản nợ đại học. Tất nhiên, mọi người nên thanh toán nợ của mình. Nhưng nếu quý vị phải trả 200,000 USD tiền hóa đơn y tế, 100,000 USD tiền thẻ tín dụng, và 100,000 USD nợ đại học thì sao? Vì vậy, ít nhất quý vị nên tính đến việc phá sản. Tuy nhiên, một đạo luật được Quốc hội thông qua vào năm 2005 khiến việc đưa nợ đại học vào hồ sơ phá sản là gần như không thể.

Việc một cá nhân bị phá sản, mặc dù là điều đáng tiếc, nhưng đôi khi là cần thiết để tiếp tục cuộc sống. Trường hợp này cũng khiến các ngân hàng có kỷ luật hơn để bảo đảm rằng họ không cho vay một cách liều lĩnh. Ở Âu Châu, việc tuyên bố phá sản khó khăn hơn nhiều – điều này làm bó hẹp các lựa chọn, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Ở Hoa Kỳ, từ khi đất nước được thành lập gần 250 năm trước, người ta cho rằng điều tốt nhất là giúp những người lâm vào cảnh cơ cực làm lại cuộc đời – để “con người ta luôn háo hức hướng tới vùng đất Mỹ mới mẻ, hoang sơ” như nhân vật Huck Finn. Đó là một phần trong tinh thần dám nghĩ dám làm của chúng tôi.

Việc cải tiến này sẽ tốt hơn rất nhiều so với cố gắng xóa bỏ các khoản sinh viên nợ của Tổng thống (TT) Biden. Nỗ lực này cũng sẽ khiến những người cho vay phải suy xét kỹ lưỡng việc cung cấp các khoản vay cho các sinh viên vốn đang theo đuổi những tấm bằng vô dụng.

Hai ý tưởng tiếp theo hoạt động song hành cùng nhau.

2. Khôi phục toàn bộ khoản khấu trừ thuế cá nhân của tiểu bang và địa phương (SALT) – điều này đặc biệt sẽ giúp ích cho người dân California. Sửa đổi thuế thu nhập năm 2017 đã cắt giảm thuế cho mọi người. Nhưng chính sách này không chỉ dành cho người giàu. Tôi đã được giảm thuế, mặc dù tôi không phải là người giàu có, đặc biệt là ở tiểu bang California đắt đỏ.

Thật không may, Việc sửa đổi trên đã giới hạn khoản khấu trừ thuế thu nhập của tiểu bang ở mức 10,000 USD cho các cặp vợ chồng đã kết hôn. Đó là mức tăng [thuế] mạnh cho những người giàu ở các tiểu bang như California, với tỷ lệ cao nhất là 13.3%. Đó là lý do khiến nhiều người giàu có đã rời bỏ tiểu bang này. Ngoài mức thuế cao của tiểu bang, những người này phải trả mức thuế liên bang cao hơn so với Texas, Florida, và các tiểu bang khác vốn không áp thuế thu nhập của tiểu bang.

Khi tôi còn là thư ký báo chí cho Thượng nghị sĩ tiểu bang John Moorlach từ năm 2017 đến 2020, một số triệu phú đã phàn nàn với ông ấy rằng họ phải rời khỏi tiểu bang này vì việc chấm dứt khấu trừ SALT đang hủy hoại họ về mặt tài chính. Những người với tài sản trị giá hàng chục triệu dollar này đã trả mức thuế thu nhập liên bang cao nhất là 37%.

Tuy nhiên, đối với những người chọn chuyển đến Texas hoặc Florida, với thuế thu nhập của tiểu bang bằng 0, thì thuế suất 37% đó giảm xuống bằng 0.

Vào năm 2019, Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã thực sự thông qua một sửa đổi như vậy, nhưng đề xướng này đã bị Thượng viện của Đảng Dân Chủ bác bỏ. Các thành viên Đảng Dân Chủ từ các tiểu bang như California vẫn khao khát thực hiện việc sửa đổi này. Kết hợp sửa đổi này với sửa đổi tiếp theo, như mong muốn của Đảng Cộng Hòa.

3. Thực hiện việc sửa đổi thuế thu nhập năm 2017 vĩnh viễn. Một số chính sách cắt giảm thuế sẽ kết thúc vào năm 2025, chỉ hai năm nữa kể từ bây giờ. Và khoảng 65% dân số – hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu – sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế vào năm 2027, đánh dấu mốc 10 năm của việc sửa đổi.

Tệ hơn cả bản thân việc tăng thuế là sự không chắc chắn về luật thuế đang khiến mỗi người nộp thuế đều lo lắng. Để hoạch định, các cá nhân và doanh nghiệp cần nắm rõ về thuế suất trong tương lai. Quý vị có đủ tiền để trả khoản vay mua nhà trong thập niên tới không? Đủ tiền để lợp mái nhà không? Đủ tiền để mở rộng kinh doanh và tạo việc làm không? Sự không chắc chắn đồng nghĩa với việc trì hoãn, vốn sẽ làm giảm hoạt động kinh tế.

Đợt cắt giảm thuế năm 2003 của TT George W. Bush hết hạn vào năm 2010, đã tạo ra sự không chắc chắn. Điều đó làm các vấn đề khác nặng hơn, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng nợ nhà đã ảnh hưởng nặng nề đến California, làm trầm trọng thêm cuộc Đại Suy thoái. Chúng ta đừng lặp lại điều đó.

4. Loại bỏ cần sa khỏi danh sách các chất được kiểm soát theo Danh mục I. Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy Hoa Kỳ (DEA), “Cần sa là một chất thuộc Danh mục I theo Đạo luật về Các chất bị Kiểm soát, có nghĩa là cần sa có khả năng bị lạm dụng cao, hiện không được chấp nhận sử dụng trong điều trị y tế ở Hoa Kỳ, và không được chấp nhận là an toàn khi sử dụng dưới sự giám sát y tế.”

Ngoại trừ California, nơi đã hợp pháp hóa cần sa dùng cho mục đích y tế kể từ khi thông qua Dự luật 215 vào năm 1996 – và sử dụng cho mục đích giải trí kể từ Dự luật 64 vào năm 2016. Quý vị thấy các quầy thuốc hợp pháp ở khắp mọi nơi ở Nam California. Nhưng việc giữ cần sa trong Danh mục I ngăn cản các tổ chức hợp pháp này hoạt động bình thường, đặc biệt là đối với ngân hàng. Đây là một chủ đề phụ trong bộ phim truyền hình mới mẻ, hấp dẫn có tên là “Vua Tulsa” (Tulsa King), do nam tài tử Sylvester Stallone thủ vai chính.

Trong số năm “Danh mục” về ma túy, Danh mục I là hạn chế nhất, và bao gồm cả bạch phiến, được đánh đồng một cách vô lý với điếu thuốc cần sa (thuốc lá cuốn tay bên trong có cần sa). Ngay cả fentanyl và ma túy đá (methamphetamine) rất nguy hiểm cũng nằm trong Danh mục II ít hạn chế hơn.

Tương tự như những gì xảy ra với việc phá thai, cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa cần sa đã khiến cho vấn đề này được chuyển giao về các tiểu bang. Tính hợp pháp của cần sa khác nhau ở từng tiểu bang, giống như luật về rượu kể từ khi Lệnh cấm, Tu chính án thứ 18, đã bị bãi bỏ bằng Tu chính án thứ 21 vào năm 1933. Xu hướng này là sự quay trở về nền tảng chế độ liên bang của đất nước một cách sáng suốt. Đã đến lúc Quốc hội cần điều chỉnh Đạo luật về Các chất bị Kiểm soát cho phù hợp.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Ông John Seiler là một nhà viết bình luận kỳ cựu của California. Ông đã viết các bài xã luận cho nhật báo Orange County Register trong gần 30 năm. Ông là một cựu binh của Lục quân Hoa Kỳ và là cựu tham vụ báo chí của Thượng nghị sĩ Tiểu bang California John Moorlach. Ông viết blog tại johnseiler.substack.com

Nhã Đan biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn