Brazil: Cảnh sát đột kích hai nhà lập pháp, làm dấy lên lo ngại về đàn áp chính trị
Marcos Schotgues
CURITIBA — Trong vòng chưa đầy mười ngày, các nhà điều tra liên bang Brazil đã đột kích vào văn phòng và tư gia của hai nhà lập pháp cánh hữu.
Hai nghị sĩ bị nhắm đến, Dân biểu Carlos Jordy và Dân biểu Alexandre Ramagem, đều là đồng minh trung thành của cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro – người đã thua ông Lula da Silva theo chủ nghĩa xã hội trong cuộc bầu cử năm 2022.
Ông Jordy, một nhân vật đối lập trứ danh trong Quốc hội, đã trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra sau khi một người biểu tình liên quan đến vụ bạo loạn ngày 08/01/2023 tại các tòa nhà chính phủ quan trọng gọi ông trong một cuộc trao đổi tin nhắn là “lãnh đạo của tôi” và viết rằng ông có quyền “ngăn chặn hoàn toàn [vụ bạo loạn].” Lệnh khám xét này do Cảnh sát Liên bang thực thi, dựa trên một âm mưu được cho là “phản dân chủ” chống nhà nước.
Cuộc bạo loạn ngày 08/01/2023 – gợi nhớ đến vụ xâm nhập Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 06/01/2021 – đã diễn ra tình trạng xâm nhập ồ ạt vào các tòa nhà chính phủ quan trọng ở Brazil sau các cuộc biểu tình gây nghi ngờ về tính hợp pháp của quá trình bầu cử và phản đối ông Lula.
Ông Jordy đã phản đối cách đưa tin rằng vụ xâm nhập này là một “cuộc đảo chính” hoặc “nổi dậy” như chính phủ ông Lula, hệ thống tư pháp Brazil, và các hãng truyền thông địa phương khẳng định. Trong khi chi tiết về sự kiện nói trên vẫn còn được bàn cãi, thì những người theo phái bảo tồn truyền thống cho rằng những bài đưa tin về những sự kiện này trên truyền thông chính thống đã được vũ khí hóa để nhắm vào những người bất đồng chính kiến.
Ông Ramagem, từng là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Brazil (ABIN), là mục tiêu trong một cuộc điều tra khác tập trung vào các hoạt động giám sát bất hợp pháp bị cáo buộc xảy ra dưới thời chính phủ ông Bolsonaro.
Theo các nhà chức trách, trong số những mục tiêu tình nghi của hoạt động gián điệp có các Thẩm phán Tối cao Pháp viện và các chính trị gia. Theo một báo cáo của Cảnh sát Liên bang, các hoạt động tình báo được cho là nhằm cung cấp thông tin cho các mục đích chính trị và lợi ích cá nhân tại ABIN dưới sự quản lý của ông Ramagem – bao gồm những nỗ lực được cho là nhằm bảo vệ hai người con trai của cựu tổng thống Bolsonaro khỏi bị truy tố.
Ông Ramagem đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và việc sử dụng trái phép các công cụ gián điệp để theo dõi các nhân vật của công chúng theo lệnh của ông. Ông cho biết cơ quan của ông đã hành động để khắc phục những sai sót trong ABIN và việc sử dụng các công cụ mà ông bị cáo buộc lạm dụng đã có từ trước thời chính phủ ông Bolsonaro lẫn nhiệm kỳ của ông tại ABIN.
Nhiều người cho rằng đây là cuộc bức hại chính trị
Ông Ramagem và ông Jordy đều là những ứng cử viên rất có triển vọng trong các cuộc bầu cử thị trưởng năm 2024, mỗi người đều tranh cử ở hai thành phố lớn nhất tiểu bang Rio de Janeiro. Hai ông và các nhà lãnh đạo cánh hữu khác cho rằng họ đang bị đàn áp chính trị ngay giữa các cuộc vận động tranh cử của mình.
Ông Ramagem nói trong một video trên trương mục X của mình rằng, “Dù đó có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, thì cả hai chúng tôi đều là những ứng cử viên thị trưởng có triển vọng. Cuộc đàn áp đang được thực hiện, một cách rõ ràng và hiển nhiên, chống lại quyền tự do ngôn luận, như đã thấy trên mạng xã hội […] làm người dân kinh sợ không dám dùng quyền dân chủ để xuống đường.”
“Biểu ngữ của phe cánh hữu được đưa vào các cuộc gặp gỡ với cử tri là điều [mà họ] không mong muốn.”
Ông Jordy đồng ý.
Ông Jordy viết trong một tuyên bố trực tuyến, “[Hệ thống] công lý đã mất đi sự cân bằng, mà chỉ còn lại thanh kiếm của họ. Nếu Quốc hội không có phản ứng nào nhằm thiết lập lại các đặc quyền và sự cân bằng [quyền lực], thì chế độ độc tài sẽ đả động tới tất cả, ngay cả những người cổ vũ chế độ chuyên chế. Hay quý vị nghĩ rằng quyền lực bị lấy đi rồi thì sẽ được trao trả lại?”
Các hoạt động gần đây của cảnh sát đã làm dấy lên một loạt phản ứng từ các nghị sĩ Brazil.
Thượng nghị sĩ Brazil Eduardo Girão nói với The Epoch Times: “Chế độ được thành lập ở Brazil – dựa trên sự liên kết về hệ tư tưởng giữa các thẩm phán hoạt động tại Tối cao Pháp viện và chính phủ ông Lula – vẫn tiếp tục nỗ lực đàn áp các đối thủ chính trị, tuyên bố thêm một nạn nhân nữa và khiến dân chúng Brazil sợ hãi.”
“Tuần trước, là Dân biểu Jordy, lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện. Hôm qua, đến lượt Dân biểu Ramagem, lãnh đạo phe thiểu số trong Quốc hội. Ai sẽ là người tiếp theo bị phỉ báng vì chống lại “hệ thống” thối nát này?”
Ông Girão nói: “Chúng tôi đang trải qua một cuộc săn lùng thực sự đối với những ai chống đối ‘những người nắm quyền’ trong nước.”
Nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, con trai của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, đã chia sẻ một đoạn video về ông Jordy tại một cuộc họp báo trên mạng xã hội của mình và viết rằng “Brazil đã trở thành một chế độ độc tài rồi.”
Một đất nước bị chia rẽ
Bối cảnh chính trị của Brazil ngày càng mang đặc điểm chia rẽ sâu sắc, với việc Tối cao Pháp viện là trung tâm của cuộc tranh cãi. Những người theo phái bảo tồn truyền thống ở địa phương thường xem các hành động của Pháp viện là độc tài, nêu lên một loạt phán quyết mà họ cho là vi phạm các quyền tự do chính trị và vượt quá phạm vi của ngành tư pháp.
Tuyên bố Westminster – một tài liệu nhấn mạnh những lo ngại về quyền tự do ngôn luận trên toàn thế giới được phát hành hồi tháng 10/2023 – đã cho thấy “tình trạng hình sự hóa ngôn luận chính trị” ở Brazil. Tuyên bố này, thu hút sự chú ý của quốc tế, đặc biệt đề cập đến Thẩm phán Tối cao Pháp viện Alexandre de Moraes. Các nhà phê bình cáo buộc ông Moraes dẫn đầu các nỗ lực đàn áp những người bất đồng chính kiến và nhắm vào các nhân vật đối lập – những hành động mà họ cho là trái với các nguyên tắc dân chủ.
Ký tên vào Tuyên bố Westminster có hàng chục ký giả, học giả, chính trị gia, và những người khác thuộc nhiều tầng lớp chính trị khác nhau. Trong đó cũng bao gồm hai ký giả Matt Taibbi và Michael Shellenberger, người tố cáo Edward Snowden, nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange, nhà tâm lý học Jordan B. Peterson, và nhà làm phim Oliver Stone.
Thẩm phán Moraes đã can dự vào một số vụ đình đám, trong đó ông ra lệnh điều tra và đột kích các chính trị gia và nhà hoạt động cánh hữu nổi tiếng. Ông đã cho phép các hoạt động nhắm vào cả ông Jordy và ông Ramagem. Hành động của ông thường bị những người theo phái bảo tồn truyền thống xem là có động cơ chính trị và là một mối đe dọa cho quyền tự do ngôn luận.
Nhận thức này đã góp phần làm xã hội Brazil ngày càng rạn nứt thêm, và vai trò của Tối cao Pháp viện đang trở thành một vấn đề khiến xã hội phân cực. Những người ủng hộ Pháp viện cho rằng Pháp viện cần phải hành động như vậy để duy trì nhà nước pháp quyền và chống thông tin sai lệch, trong khi những người lên án xem đó là một công cụ đàn áp chính trị và thường cho rằng Pháp viện đã bị “vũ khí hóa”.