BRICS có phải là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ?
Daniel Lacalle
Hội nghị thượng đỉnh của cái gọi là BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi – đã khép lại với lời mời tham gia nhóm này được mở rộng cho Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Hội nghị thượng đỉnh này đã đưa đến nhiều bài báo với tiêu đề về tác động của nhóm lan rộng ra nhiều quốc gia, kể cả suy đoán về việc đồng dollar Mỹ sẽ không còn là đồng tiền dự trữ toàn cầu nếu như nhóm này được hiểu là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hoặc thậm chí là đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Tuy nhiên, vài điều cần phải được làm rõ.
Nhiều nhà phân tích chính trị tin rằng Trung Quốc cho vay, đầu tư, hoặc ủng hộ mà không nhận lại gì. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, nhưng lại tỏ ra không quan tâm đến việc biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tiền của nước này được quản lý chặt chẽ và hiện được sử dụng trong 5% giao dịch toàn cầu.
Trung Quốc và Nga nắm quyền kiểm soát nguồn vốn. Không thể có đồng tiền dự trữ toàn cầu nếu không có tự do lưu động vốn. Để có một loại tiền pháp định ổn định, ngoài việc dự trữ vàng thỏi, đòi hỏi phải có những yêu cầu khác nữa. Các vấn đề bảo đảm tự do kinh tế, đầu tư, an ninh pháp lý, và tự do lưu động vốn, cũng như một hệ thống tài chính mở, minh bạch, và đa dạng là rất cần thiết.
Trung Quốc và Nga cũng là những nước cho vay đòi hỏi khắt khe và chặt chẽ hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều chính trị gia. Nếu chúng ta nhìn vào các tiêu đề báo, có vẻ như một số chính trị gia ở các thị trường mới nổi nghĩ rằng tham gia với Trung Quốc và Nga sẽ là một giải pháp toàn diện miễn phí.
Một vấn đề khác khi tạo ra đồng tiền BRICS là, nói một cách hợp lý, cả Trung Quốc và Nga đều không hề có ý định đánh mất đồng tiền quốc gia của mình để hòa cùng với một nhóm các tổ chức phát hành có thành tích không chắc chắn trong việc kiểm soát sự mất cân bằng tiền tệ của họ. Trong 10 năm qua, đồng tiền của các nước khách mời của BRICS đã mất giá đáng kể so với đồng dollar Mỹ. Theo Bloomberg, đồng peso của Argentina (ARS) đã giảm 98%, đồng bảng của Ai Cập (EGP) giảm 78%, đồng rupee của Ấn Độ (INR) giảm 35%, đồng birr của Ethiopia (ETB) giảm 68%, đồng real của Brazil (BRL) giảm 55%, và theo The Economist thì đồng rial của Iran (IRR) đã giảm 90%. Việc kết hợp các đồng tiền yếu với nhau không tạo ra một đồng tiền mạnh. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ (yuan) hoặc đồng ruble trên toàn cầu thì khả thi hơn nhiều.
Chúng ta không được quên rằng hiệu suất của đồng RUB của Nga (âm 68% so với đồng USD, theo Bloomberg) trong thập niên qua cũng kém mặc dù có một ngân hàng trung ương tương đối thận trọng.
Đồng tiền tốt nhất trong “khối BRICS và các nước khách mời” so với đồng USD trong 10 năm qua là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, với mức mất giá chỉ 14%.
Đối với loại tiền pháp định ổn định, thì nhà phát hành cần phải bảo vệ nó như một dự trữ về giá trị, một phương thức thanh toán được chấp nhận rộng rãi, và một đơn vị đo lường. Tự do về vốn và các định chế độc lập, vốn mang lại sự an toàn pháp lý cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, là rất cần thiết.
Ngoài ra, Trung Quốc dường như không quan tâm đến việc đương đầu với tất cả các thách thức cần thiết để [đồng nhân dân tệ của họ] trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nếu muốn làm như vậy thì phải bắt đầu với hệ thống tài chính và tiền tệ có mức độ độc lập cao khỏi quyền lực chính trị. Họ có thể mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ thông qua hệ thống tài chính của mình và cho các quốc gia đối tác vay.
Nhiều nhà phân tích bỏ qua yếu tố rằng điều đã làm nên thành công của Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ giống như ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới là hệ thống này không chịu sự kiểm soát hoàn toàn của nhà nước hoặc quản lý công. Fed có thể không hoàn toàn độc lập, nhưng nó độc lập với tư cách là ngân hàng trung ương để đồng dollar Mỹ có khả năng là tiền pháp định.
Việc tham dự cùng các quốc gia có chính phủ chủ trương tiền tệ hóa chi tiêu công không kiểm soát và tình trạng mất cân bằng tiền tệ gia tăng ồ ạt không thể tạo ra một đồng tiền ổn định – trừ phi họ thực thi theo mẫu hình của đồng Euro, điều có vẻ khó thành công. Trong khu vực đồng Euro, thì Đức – quốc gia có chính sách tài khóa thận trọng và có trách nhiệm nhất – đã đưa ra các đường hướng chính của các quy định tài khóa và tiền tệ cho phần còn lại của khối này.
Không may là, khu vực đồng Euro và Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) – bằng cách bắt chước Hoa Kỳ và Hệ thống Dự trữ Liên bang – đã mất đi hầu hết các lựa chọn để trở thành đồng tiền thực sự thay thế đồng dollar Mỹ. Tuy nhiên, đồng Euro là thành công lớn nhất về tiền pháp định trong thời kỳ hậu Bretton Woods, vì vậy chúng ta đừng tước đi giá trị của đồng tiền này.
Đồng tiền thay thế của khối BRICS sẽ khởi đầu bằng những vấn đề nghiêm trọng. Trung Quốc và Nga sẽ gặp khó khăn lớn khi áp đặt các hạn chế về chính sách tài khóa và tiền tệ lên các đối tác của họ. Chúng ta đừng quên rằng một vài đối tác trong số này gia nhập nhóm với suy nghĩ rằng từ giờ trở đi họ sẽ có thể tiếp tục in tiền và chi tiêu mà không cần kiểm soát, trong khi sự mất cân đối tiền tệ của họ sẽ được chuyển cho các quốc gia khác.
Đồng Euro đã thành công trong thế giới tiền pháp định vì các nền dân chủ với các tổ chức độc lập, tự do kinh tế rộng rãi và sự chắc chắn về pháp lý đã đồng ý điều chỉnh các chính sách của họ cho một dự án chung – tạo ra một loại tiền tệ vững chắc tránh được sự sụp đổ do những vòng xoáy lạm phát tạo ra mà trong lịch sử đã là chuyện bình thường ở châu Âu – khi các chính phủ nỗ lực chuyển sự mất cân bằng sang tiền lương và tiết kiệm của người dân thông qua việc làm đồng tiền mất giá. Với BRICS và các quốc gia khách mời thì dường như không dễ dàng có thể làm vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể gia tăng vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng cách thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ nghiêm ngặt. Trung Quốc là nước cho vay mạnh nhất trong tất cả các nước BRICS, nhưng họ khó có thể đảm nhận vai trò tương tự như Đức – một quốc gia sẵn sàng gánh chịu sự lạm dụng của các nước khác để đổi lấy một dự án chung.
Trung Quốc có thể sẽ kiểm soát hơn nữa các quốc gia trong nhóm, nhưng nước này sẽ không gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh của khối dân số đông đảo của mình bằng cách đặt cược vào một loại tiền tệ mới. Chính quyền Trung Quốc có lẽ đang phân tích xem đồng Euro có thể mất đi sức mạnh tiền tệ như thế nào khi thực hiện lãi suất âm và tiền tệ hóa các khoản thâm hụt công cũng như đi đến kết luận rằng họ không thể chấp nhận rủi ro tương tự với một số trong số những đối tác mới này. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ tận dụng tối đa sức mạnh tài chính của mình để cho vay, tăng cường các lựa chọn tăng trưởng trong nước và quốc tế, và tiếp cận nguồn hàng hóa phong phú giá rẻ.
Trung Quốc đã thành công lớn trong hội nghị thượng đỉnh BRICS. Chính quyền Trung Quốc có lẽ biết rằng nhiều đối tác của họ sẽ tiếp tục bị mất cân bằng hơn nữa, và điều này có thể cho phép Trung Quốc củng cố vị thế lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, tôi thấy khó tin rằng Trung Quốc sẽ đồng ý tạo ra một loại tiền tệ mà các nước khác có thể sử dụng để gây ra mất cân bằng lạm phát.
Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, chính phủ có thể gây nguy hiểm cho uy tín của đồng dollar Mỹ nếu họ tiếp tục gây thâm hụt 2 ngàn tỷ USD mỗi năm – hơn mức thâm hụt ước tính 14 tỷ USD vào năm 2030 – và với số lượng ngày càng nhiều những cố vấn vô trách nhiệm nói rằng chính phủ có thể tạo ra tất cả số tiền họ muốn mà không gặp rủi ro. Độ tin cậy về tài khóa, tính độc lập về tổ chức, và tự do kinh tế của đồng dollar Mỹ – loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới – củng cố cho vị trí dẫn đầu về tiền tệ của nước này. Nếu chính phủ làm suy yếu những thế mạnh này, thì đồng dollar Mỹ sẽ mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ của mình.
Sự kết thúc của đồng dollar Mỹ, nếu ngày đó đến, sẽ không có khả năng xảy ra thông qua sự cạnh tranh từ một loại tiền pháp định khác, vì các chính phủ bị cám dỗ quá mạnh cho việc phá hủy sức mua của đồng tiền được phát hành này. Điều đó có thể sẽ bắt nguồn từ các loại tiền tệ độc lập.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do Hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương”, và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính”.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.