Bức ảnh hiếm hoi về con hổ Siberia trong rừng già nước Nga
Hình ảnh tuyệt đẹp về một con hổ cái Siberia ôm cây cổ thụ trong khu rừng hẻo lánh của nước Nga đã giành được một trong những giải thưởng nhiếp ảnh danh giá nhất thế giới.
Nhiếp ảnh gia người Nga Sergey Gorshkov đã đánh bại 49,000 tác phẩm khác từ khắp nơi trên thế giới để giành giải cao nhất trong cuộc thi Nhiếp ảnh gia Động vật Hoang dã của năm 2020.
Để có thể chụp được khoảnh khắc của bức ảnh có tựa đề “The Embrace” (tạm dịch: “Ôm Trọn Vòng Tay”) thật không hề dễ dàng. Ông Gorshkov đã mất gần một năm để chụp được bức hình bằng cách giấu máy ảnh trong rừng. Và sự kiên nhẫn của ông đã được đền đáp xứng đáng, cả về hình ảnh và giải thưởng sau đó.
Bà Roz Kidman Cox, chủ tịch hội đồng giám khảo đã mô tả tác phẩm là “bức ảnh độc đáo về khoảnh khắc thân tình trong khu rừng huyền diệu,” theo Guardian.
Sinh vật tuyệt vời trên là một con hổ Amur hoặc Siberia, chủ yếu sống trong các vùng rừng già rộng lớn ở phía đông nước Nga, và một ít có thể sống bên kia biên giới là Trung Quốc và Bắc Hàn. Loài hổ này đã gần như tuyệt chủng do nạn săn trộm, khai thác gỗ, hủy hoại môi trường sống của chúng… Tuy nhiên, với các chương trình khảo sát gần đây giúp nâng cao nhận thức về việc bảo vệ những sinh vật oai hùng này, có thể đã giúp nâng số lượng hổ Siberia lên khoảng 500–600 con.
Nói về hình ảnh, bà Kidman Cox nói rằng bức ảnh kể câu chuyện “với màu sắc rực rỡ và sự xuất hiện trở lại của hổ Amur, một biểu tượng của vùng hoang dã của nước Nga.”
Bà nói thêm, “Đó là một cảnh tượng không giống nơi nào khác, những tán cây dưới ánh nắng mùa đông làm nổi bật cây linh sam cổ thụ và bộ lông của con hổ cái cỡ lớn khi nó ôm chặt thân cây một cách trìu mến và đang hít vào mùi hương của con hổ đực lưu lại trên nhựa cây; đây là cách mà hổ cái để lại lời nhắn gửi.”
Ông Gorshkov cho biết cơ hội chụp được hình ảnh của con vật hiếm hoi này là rất nhỏ, nhưng ông vẫn quyết tâm. Ông đã len lỏi khắp khu rừng để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống – mùi hương, lông hoặc vết xước – và cuối cùng ông lắp máy ảnh đối diện với cây linh sam Mãn Châu tuyệt đẹp để ghi hình. Sau gần một năm, ông đã thành công.
Ông Tim Littlewood, thành viên ban giám khảo và giám đốc điều hành khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh, cho biết: “Cảnh tượng con hổ cái đắm mình trong môi trường tự nhiên của nó đem lại cho chúng ta hy vọng. Thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo, chúng ta được nhắc nhở về vẻ đẹp của thế giới tự nhiên và trách nhiệm chung trong việc bảo vệ thiên nhiên.”