Các chủ trang trại muốn trì hoãn việc đeo thẻ gắn chip điện tử do USDA đề xướng
Matthew Lysiak
Theo một chuyên gia trong ngành, đề nghị của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) quy định bắt buộc đeo thẻ điện tử gắn tai cho gia súc và bò rừng (hay bò rừng bison) khi đi qua ranh giới các tiểu bang sẽ gây ra những chi phí không cần thiết và mang tính trừng phạt đối với các chủ trang trại Mỹ, đồng thời còn khiến giá thịt bò tăng thêm.
Ông Justin Tupper, chủ tịch Hội Chăn nuôi Gia súc Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Nếu đề xướng này được thông qua, hoạt động thương mại sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Ngành này gặp khó khăn hơn khi thực hiện công việc cơ bản của mình.”
Ông bày tỏ, “Các chủ trang trại hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc cố gắng giữ giá thịt bò ở mức thấp, và chúng tôi sẽ buộc phải chuyển chi phí của khoản chi tiêu mới này sang cho người tiêu dùng.”
Ông Tupper nói thêm: “Mỗi bước trong này sẽ đặt ra một khoản chi phí đáng kể, chưa kể đến rủi ro khác đối với động vật.”
Hiện nay, hầu hết vật nuôi đều được theo dõi bằng các thẻ có 11 chữ số được in rõ và dễ theo dõi. Ngày 19/01, tạp chí Federal Register đã công bố các quy định đề xướng nhằm bổ sung việc nhận dạng bằng tần số vô tuyến như một yêu cầu đối với thẻ gắn tai “có thể nhìn bằng mắt và đọc được bằng điện tử để được công nhận sử dụng làm thẻ gắn tai chính thức cho việc hoạt động di chuyển liên tiểu bang của gia súc và bò rừng.”
Theo đề xướng này, vật nuôi theo quy định của Dịch vụ Kiểm định Sức khỏe Động vật và Thực vật của USDA sẽ bao gồm toàn bộ gia súc và bò rừng bison đủ khả năng sinh sản từ 18 tháng tuổi trở lên; tất cả bò sữa cái ở mọi lứa tuổi; tất cả bò sữa đực được đẻ sau ngày 11/03/2013; gia súc và bò rừng bison ở mọi lứa tuổi được sử dụng cho các sự kiện rodeo (cưỡi ngựa) hoặc giải trí; và gia súc và bò rừng bison ở mọi lứa tuổi được sử dụng để trình diễn hoặc triển lãm.
Gắn thẻ nhận dạng điện tử để theo dõi hoạt động di chuyển của gia súc đã và đang là điều gây tranh cãi kể từ năm 2003 sau trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm não thể xốp ở bò (bovine spongiform encephalopathy), còn được gọi là bệnh bò điên, lần đầu tiên được phát hiện ở Hoa Kỳ. Kể từ đó, ngành chăn nuôi gia súc đang dần chuyển sang con đường hướng tới áp dụng các quy tắc và công nghệ truy vết nguồn gốc. Ông Tupper cho biết rằng hầu hết chủ chăn nuôi đều ủng hộ việc truy vết nguồn gốc gia súc, nhưng hệ thống này phải thống nhất và không được trở thành một hình thức trừng phạt các chủ trang trại Mỹ.
“Đã có ước tính rằng các thẻ này có thể tiêu tốn từ 30 triệu USD trở lên,” ông Tupper cho biết. “Nếu họ buộc chúng tôi phải thực hiện điều này thì họ phải là người chịu trách nhiệm chi trả.”
Cộng đồng chăn nuôi đã nhận được ủng hộ của Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa–Wyoming), người đã đề xướng lên Hạ Viện hôm 27/09 sửa đổi “để ngăn chặn chính phủ liên bang buộc các chủ trang trại phải gắn thẻ chip cho gia súc và bò rừng bison.”
“Việc này rất nguy hiểm và cần phải dừng lại,” bà Hageman nói. “Chúng ta đã có sẵn một hệ thống nhận dạng hiệu quả, mạnh mẽ, và giá cả phải chăng… Điều này sẽ khiến các chủ trang trại của chúng ta phải tiêu tốn theo đúng nghĩa đen hàng triệu hàng triệu hàng triệu dollar để tuân thủ.”
“Nếu các tổ chức chăn nuôi ở quy mô vừa và nhỏ cũng bị buộc phải tham gia vào cùng hệ thống này và không đủ vốn đầu tư, họ sẽ bị loại khỏi thị trường.”
Những chướng ngại và khó khăn
Hôm 27/09, Hạ viện đã thẳng thừng bác bỏ sửa đổi trong đó ngăn chặn USDA theo dõi điện tử đối với gia súc, trong khi Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã hoàn tất cuộc tranh luận về dự luật chi tiêu tài khóa 2024 cho USDA, Cục Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cũng như Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai.
Dự luật chi tiêu tài khóa 2024, vốn bao gồm quy định trên, được cho là có đủ sự ủng hộ để được Hạ viện thông qua, nhưng sẽ vấp phải sự phản đối ở Thượng viện. Ngày bỏ phiếu vẫn chưa được ấn định.
Các chủ trang trại Hoa Kỳ đã gặp phải hàng loạt chướng ngại và khó khăn. Các chủ trang trại đang phải đối mặt với mối đe dọa từ thị trường “thịt” tổng hợp sau khi USDA bật đèn xanh cho hai nhà sản xuất bắt đầu sản xuất và bán các sản phẩm giống thịt gà được tạo ra trong phòng thí nghiệm của họ ở Hoa Kỳ. Nhu cầu về thịt tổng hợp được thúc đẩy phần lớn bởi các tổ chức doanh nghiệp và cơ quan chính phủ hoạt động song song với phong trào môi trường.
Mối đe dọa ngay trước mắt đó là giá thịt bò, vốn đang tăng trên toàn quốc, tăng khoảng 2% từ tháng 11/2022 đến tháng 06/2023. Hạn hán đã làm giảm diện tích đất chăn thả gia súc, trong khi thức ăn chăn nuôi đắt đỏ hơn. USDA cho biết số lượng gia súc hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1962.
Ông Bernt Nelson, một nhà kinh tế của Liên đoàn Cục Trang trại Hoa Kỳ, nói với Fox 5 rằng những người chăn nuôi gia súc – và người tiêu dùng – không nên trông mong giá thịt bò giảm trong tương lai gần.
Ông Nelson nói: “Giá thịt sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất một năm nữa. Tôi nghĩ phải đến năm 2025, trước khi chúng ta có thể bắt đầu xây dựng lại nguồn hàng tồn kho đó; trong trường hợp đó, nguồn cung thịt bò của chúng ta có thể sẽ tăng lên, và khi đó chúng ta sẽ thấy giá cả giảm dần.”
Tuy nhiên, theo ông Tupper, nếu các quy định mới được thông qua và bắt buộc tất cả gia súc phải được truy xuất nguồn gốc điện tử theo các hướng dẫn mới này, thì các chủ trang trại sẽ phải tăng giá hơn nữa để duy trì hoạt động kinh doanh.
Ông Tupper cho biết: “Chúng tôi muốn có thể tiếp tục kinh doanh, nhưng cũng cần phải bảo vệ người tiêu dùng.”
“Họ chỉ đủ khả năng chi trả một khoản tiền nhất định vào thời điểm này.”