Các chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi vì sao FBI tịch thu sổ thông hành của cựu TT Trump
MATTHEW VADUM
Các chuyên gia pháp lý nói với The Epoch Times rằng việc FBI tịch thu sổ thông hành của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump trong cuộc đột kích vào Mar-a-Lago hôm 08/08 dường như khả nghi về mặt pháp lý.
Một trong các luật sư cho biết cơ quan chấp pháp này sẽ phải trả lại giấy tờ thông hành cho ông Trump.
Bình luận của họ được đưa ra sau khi vị cựu tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa lên mạng xã hội hôm 15/08 để phàn nàn rằng FBI đã “đánh cắp” các sổ thông hành của ông trong cuộc đột kích gần đây.
“Wow! Trong cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago, họ đã đánh cắp ba sổ thông hành của tôi (một đã hết hạn), cùng với mọi thứ khác,” ông Trump viết trên trang @realDonaldTrump của mình tại Truth Social trong một bài đăng được đánh dấu thời gian 1 giờ 22 phút chiều.
“Đây là một cuộc tấn công vào một đối thủ chính trị ở cấp độ chưa từng thấy trước đây tại Đất nước chúng ta. Thế giới thứ Ba!” ông nói thêm.
Vài phút trước đó, ông Trump đã viết trên trang mạng xã hội dạng tiểu blog này rằng sự phản đối của công chúng đối với cuộc đột kích sẽ gây tổn hại cho Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng 11 năm nay.
“Đảng Cộng Hòa có thể giành được nhiều ghế hơn nữa, cả ở Hạ viện lẫn Thượng viện, do phản ứng dữ dội đối với cuộc đột kích vào Mat-a-Lago [nguyên văn]. Các cuộc thăm dò cho thấy, trong vài tuần qua, Đảng Cộng Hòa đã giành lại được nhiều cử tri bị mất hơn nhờ cuộc Đột Nhập không báo trước của FBI – điều mà lẽ ra sẽ không bao giờ nên xảy ra!”
Không rõ tại sao FBI lại lấy các sổ thông hành của ông Trump, trong đó có thể gồm sổ thông hành ngoại giao mà ông được cấp sau khi ông nhậm chức vào tháng 01/2017. Nếu không có sổ thông hành, ông Trump sẽ không thể đi ra khỏi Hoa Kỳ.
Bắt đầu từ sáng ngày 08/08, FBI bất ngờ thực hiện trát khám xét tại Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng tư nhân ở Palm Beach, Florida, nơi cựu tổng thống hiện đang sinh sống, mà không thông báo trước. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang chống lại yêu cầu của nhiều hãng thông tấn khác nhau về việc công khai chứng thư hữu thệ ủng hộ yêu cầu cấp trát khám xét; họ cho rằng làm như vậy có thể cản trở cuộc điều tra và làm lộ các phương pháp thu thập bằng chứng của FBI. Đảng Cộng Hòa cũng đã kêu gọi công bố chứng thư hữu thệ này. TT Joe Biden khẳng định ông không biết về cuộc khám xét cho đến khi cựu TT Trump thông báo.
Ban đầu trát khám xét được niêm phong nhưng Thẩm phán Tòa Sơ thẩm Liên Bang Bruce E. Reinhart, người đã ban hành trát hôm 05/08, đã hủy niêm phong trát này theo một phán quyết hôm 12/08, cùng với một biên bản của FBI về tài sản bị tịch thu, giúp những tài liệu này được công bố ra công chúng.
Cả trát khám xét lẫn biên bản các tài sản bị tịch thu đều không đề cập cụ thể đến các sổ thông hành của ông Trump. Các tòa án thường sẽ yêu cầu một người bị buộc tội giao nộp sổ thông hành để anh ta không thể trốn khỏi đất nước, nhưng trong trường hợp này, ông Trump không bị buộc tội – điều này khiến việc tịch thu sổ thông hành của ông trở nên bất thường.
Bản thân trát khám xét nêu rõ các vật phẩm bị tịch thu bao gồm: “Tất cả các tài liệu và hồ sơ cấu thành bằng chứng, hàng lậu, vật phẩm chiếm được sau hành vi phạm tội, hoặc các vật dụng sở hữu bất hợp pháp khác vi phạm Đề mục 18 U.S.C. §§ 793, 2071, hoặc 1519.”
Việc tham chiếu đến ba điều khoản trong luật của Hoa Kỳ dường như có nghĩa là chính phủ ông Biden đang điều tra ông Trump vì cáo buộc giải quyết sai các tài liệu nhạy cảm của chính phủ, hoạt động gián điệp, và cản trở công lý – tất cả những điều mà cựu tổng thống phủ nhận ông đã làm.
Những người chỉ trích nói rằng các đối thủ chính trị của ông Trump đang cố làm tổn hại danh tiếng của ông và khiến ông không đủ tư cách để tái tranh cử năm 2024.
Mục 2071 của Đề mục 18 trong Bộ luật Hoa Kỳ nêu rõ rằng hơn bất kỳ ai, sở hữu một loại tài liệu cụ thể, “cố ý che giấu, loại bỏ, cắt xén, xóa, làm sai lệch, hoặc phá hủy những tài liệu này một cách hợp pháp, sẽ bị phạt theo đề mục này hoặc bị phạt tù không quá ba năm, hoặc cả hai; đồng thời sẽ bị tước bỏ chức vụ của mình và không đủ tư cách nắm giữ bất kỳ chức vụ nào tại Hoa Kỳ.”
Quan điểm của các chuyên gia
Ông Jim Burling, phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Pacific Legal Foundation, một công ty luật quốc gia bất vụ lợi vì lợi ích công, chuyên tranh tụng về sự lạm dụng của chính phủ, nói rằng việc tịch thu những sổ thông hành này “có vẻ như là hành động quá sớm trong trường hợp này.”
Ông Burling nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn: “Sổ thông hành thường bị tịch thu nếu ai đó bị xem là có nguy cơ bỏ trốn.”
Nhưng ở đây, “chúng ta không phải đang đối diện với một công dân bình thường. Chúng tôi đang đứng trước một cựu tổng thống. Ý tôi là, mọi người có thực sự nghĩ rằng ông ấy sẽ cố gắng chạy đến Lebanon để không bị dẫn độ không? Nói như vậy chỉ là để nhận ra sự phi lý của việc này,” ông Burling lập luận.
Là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới, ông Trump có thể được nhận ra ngay lập tức.
“Ông ấy sẽ nhuộm tóc sang một màu khác ư? Điều khiến tôi thấy vô lý: đó là ông ấy sẽ đi du lịch ẩn danh đến một quốc gia ngoại quốc, nơi không có hiệp ước dẫn độ. Điều đó chỉ khiến tôi thấy là hoàn toàn phi lý,” ông nói.
Bên cạnh đó, ông Trump không bị truy tố, ông Burling nói.
“Và tôi chắc chắn rằng việc này đã không được đưa ra trước một đại bồi thẩm đoàn. Mục đích của cuộc đột kích là để thu thập bằng chứng, sau đó bằng chứng sẽ được đệ trình lên một đại bồi thẩm đoàn. Đại bồi thẩm đoàn này sẽ đưa ra bản cáo trạng và sau đó họ sẽ thực hiện các bước thích hợp. Nhưng dường như đối với tôi, lý do họ cảm thấy cần phải lấy sổ thông hành của một vị tổng thống thật đáng ngờ.”
Ông Burling cho biết ông nghi ngờ rằng FBI đã vô tình lấy sổ thông hành của ông Trump.
“Tôi nghĩ FBI sẽ cẩn thận hơn thế, đúng không nào? Họ sẽ không phạm một sai lầm như vậy. Ý tôi là, sổ thông hành rõ ràng là một sổ thông hành. Và nếu ông ấy có một tủ thông tin mật bị khóa, thì đó không phải là nơi quý vị sẽ giấu sổ thông hành phải không nào. Vì vậy, điều đó thật phi lý. FBI quá cẩn thận. Nếu họ lấy nó, thì họ biết họ đang làm gì. Tôi sẽ tán dương họ nếu họ biết họ đang làm những gì, tôi hy vọng thế.”
Nhà bình luận pháp lý Curt Levey, chủ tịch Ủy ban Tư pháp, cho biết đôi khi cảnh sát tịch thu những đồ vật không được quy định trong trát khám xét.
Ông Levey cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không biết về bất kỳ lệnh cấm nào của pháp luật đối với việc tịch thu sổ thông hành của một mục tiêu bị lục soát.
“Như một vấn đề thực tế, trong những cuộc khám xét này, họ thường lấy các tủ két và rất dễ dàng lấy đi những thứ không hoàn toàn phù hợp với các chi tiết của trát.”
Các luật sư trong vụ án có thể tranh luận về việc loại trừ bằng chứng vì một cuộc khám xét vượt quá giới hạn của trát, nhưng “một thẩm phán sẽ cung cấp một phạm vi rộng cho dữ kiện là họ đang tịch thu các thứ ở tốc độ khẩn trương và họ có thể lấy những thứ không được liệt kê chính xác trong trát khám xét.”
Dù thế nào thì chính phủ “cũng sẽ phải trả lại sổ thông hành.”
Ông Levey từ chối cho rằng các hành động của FBI là ác ý. “Tôi không thấy bất kỳ điều ác ý nào trong hành động này,” ông nói.
Ông Levey cho hay, dựa trên tài khoản truyền thông xã hội của ông Trump về những gì đã xảy ra, vốn rất ít chi tiết, thật khó để biết điều gì đã xảy ra một cách cụ thể với những sổ thông hành này.
FBI có nhìn thấy các sổ thông hành và cố tình lấy chúng không, ông hỏi. “Chúng tách biệt hay ở trong một tủ két?”
“Có vẻ như họ đã lấy cả các két đựng đồ mà có thể họ đã không tìm kiếm cẩn thận.”
“Chắc chắn, tôi không trách ông Trump vì đã bực mình. Tôi cũng sẽ rất buồn bực nếu họ thực hiện một cuộc lục soát cho một thứ, và sổ thông hành của tôi biến mất,” ông Levey nói.
“Vì vậy, tôi không muốn bảo vệ những gì FBI đã làm mà chỉ giải thích rằng, khi quý vị đang lấy các tủ két, không chắc mọi đồ vật trong mỗi hộp đều phù hợp với trát khám xét. Và nếu tôi nhớ ngôn ngữ của trát, thì nó khá, khá là mơ hồ.”
Tổ chức bất vụ lợi của ông Levey tự mô tả là họ “nỗ lực khôi phục tầm nhìn của các Tổ phụ Lập quốc về một cơ quan tư pháp liên bang được điều hành bởi pháp quyền và dựa trên Hiến Pháp.”