Các công ty khai thác Bitcoin bỏ chạy khỏi Trung Quốc khi Trung Cộng ‘đàn áp’ tiền điện toán
Sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Cộng gần đây tuyên bố loại bỏ các hoạt động khai thác và kinh doanh bitcoin, một số công ty và nhóm khai thác nổi tiếng đã thông báo rằng họ sẽ rời khỏi Trung Quốc và chuyển hoạt động kinh doanh sang các quốc gia khác. Một số nền tảng khai thác đã thông báo về việc họ chặn các địa chỉ IP từ Trung Quốc.
Khai thác (mining) tiền điện toán đề cập đến quá trình tính toán toán học thông qua các máy điện toán kết nối mạng ngang hàng (peer-to-peer), gọi là computer nodes (một node là một thiết bị điện toán trên một mạng blockchain), cho mạng lưới chuỗi khối (blockchain), và cạnh tranh trong việc xác thực giao dịch.
Các công ty điều hành các computer nodes này là các “thợ khai thác,” và các node này là “các giàn khai thác”.
BitDeer, một nền tảng khai thác trên nền tảng đám mây, đã thông báo rằng họ sẽ chặn tất cả các địa chỉ IP ở Trung Quốc đại lục từ ngày 26/05 để phù hợp với các quy định của Trung Cộng.
Cũng trong ngày 26/05, Mars Cloud Mine thông báo sẽ chặn quyền truy cập vào các địa chỉ IP ở Trung Quốc đại lục.
Mars Cloud Mine cũng thông báo hôm 23/05 rằng một số giàn khai thác của họ sẽ được chuyển đến Kazakhstan.
Hôm 25/05, BitFuFu, một nền tảng cho thuê sử dụng theo thời gian (time-sharing platform) dành cho các thợ khai thác, đã thông báo rằng họ sẽ nâng cấp nền tảng hiện có vào ngày 26/05. Sau khi nâng cấp, nền tảng này sẽ chặn tất cả các IP ở Trung Quốc đại lục, tiếp tục bảo đảm rằng không có dịch vụ cho thuê nào được cung cấp cho khu vực Trung Quốc.
Hôm 23/05, Huobi, công ty sở hữu một nhóm khai thác mỏ, tiết lộ rằng đã tạm ngừng cung cấp các giàn khai thác và dịch vụ phái sinh (derivatives) cho người dùng ở Trung Quốc đại lục, cũng như các dịch vụ lưu trữ cho những người dùng đã mua các sản phẩm khai thác bitcoin.
Hôm 23/05, BTC.TOP, một nhóm đào mã kim (crypto), đã thông báo về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Người sáng lập Jiang Zhuoer đã viết trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng, “Các dịch vụ khai thác chung sẽ không còn mở cho Trung Quốc đại lục nữa, và chúng tôi sẽ chủ yếu khai triển hoạt động khai thác ở Bắc Mỹ trong tương lai.”
Các công ty khai thác chuyển ra hải ngoại
Hầu hết các công ty khai thác đã chọn chuyển ra ngoại quốc dưới áp lực từ chính sách quản lý của Trung Cộng; Kazakhstan và Bắc Mỹ là một trong những khu vực phổ biến nhất.
Ngoài thông báo của Mars Cloud nói rằng một số máy khai thác của họ sẽ được chuyển đến Kazakhstan, BIT Mining có trụ sở tại Thâm Quyến cũng đã thông báo họ sẽ đầu tư vào khai thác tại Hoa Kỳ và Kazakhstan.
BIT Mining cho biết họ dự định đầu tư hơn 25 triệu USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu khai thác ở Texas với Dory Creek LLC, một công ty con của dịch vụ khai thác trên nền tảng đám mây Bitdeer. Họ cũng sẽ đầu tư hơn 9 triệu USD để xây dựng một trung tâm khai thác ở Kazakhstan với một công ty địa phương.
Ông Wu Hongliang, cựu giám đốc phụ trách công chúng của Bitmain, nói với hãng thông tấn Trung Quốc Securities Daily rằng quy định của Trung Cộng đã có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp khai thác [mã kim] và một số lượng lớn thợ khai thác Trung Quốc hiện đang tìm kiếm các địa điểm phù hợp ở ngoại quốc để xây dựng các trang trại khai thác mới, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Kazakhstan, Nga, và Canada, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung ở các nước này.
Ngoài ra, nhiều thợ khai thác đang bán bớt các giàn khai thác bitcoin của họ ở Trung Quốc.
Ông Long Dian, người sáng lập hãng thông tấn công nghệ chuỗi khối của Trung Quốc HuoXun, cũng cho biết, “Làn sóng rút lui đã bắt đầu và nhiều công ty khai thác lớn đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội ra ngoại quốc. Trong trung hạn và dài hạn, ngành công nghiệp khai thác trong nước sẽ bước vào giai đoạn thu hẹp và ‘đi ra ngoại quốc’ sẽ trở thành một phổ biến mới.”
Ba cuộc tấn công trong một tuần
Trong thời gian chỉ có một tuần, hoạt động khai thác và kinh doanh tiền điện toán ở Trung Quốc đã bị ba hiệp hội ngành tài chính lớn, gồm Ủy ban Tài chính của Trung Cộng và chính quyền địa phương, tấn công mạnh.
Hôm 19/05, Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Chi trả và Thanh toán của Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung gây áp lực buộc các tổ chức tài chính và thanh toán của Trung Quốc cấm việc cung cấp các dịch vụ tiền điện toán và sản phẩm tài chính có liên quan.
Hôm 21/05, tại cuộc họp của Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính của Hội đồng Nhà nước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã tuyên bố giám sát các hoạt động khai thác và kinh doanh bitcoin.
Hôm 26/05, trang web chính thức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Nội Mông đã đưa ra “tám biện pháp” nhằm kiểm soát chặt chẽ hành vi khai thác tiền điện toán.
Theo các biện pháp này, các trung tâm dữ liệu, doanh nghiệp, quán cà phê Internet, cá nhân, công chức và các đối tượng khác đều có thể trở thành đối tượng bị trừng phạt và các hình phạt bao gồm hủy bỏ chính sách ưu đãi, thu hồi giấy phép, đình chỉ và cải chính, đưa vào danh sách đen những người vi phạm.
Các vi phạm cũng có thể được chuyển đến các cơ quan tư pháp, cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát của Trung Cộng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times Hoa ngữ, ông Yang Cong (bút danh), một người kỳ cựu trong ngành công nghiệp mã kim (cryptocurrency) ở Trung Quốc, cho biết có ba lý do khiến Trung Cộng lo sợ các loại mã kim này.
Đầu tiên, bản chất phi tập trung của các loại mã kim ngăn chặn Trung Cộng thao túng tỷ giá hối đoái, phát hành tiền tệ, hoặc kiểm soát lạm phát và giảm phát.
Ông Yang cho biết bản chất tự do và dân chủ của mã kim có thể tạo ra sự tái thiết của trật tự và cấu trúc xã hội. Vì vậy, từ góc độ này, nó làm lung lay nền tảng của Trung Cộng, và sớm muộn gì Trung Cộng cũng sẽ đàn áp nó.
Thứ hai, Trung Cộng đã khai triển đồng nhân dân tệ điện toán (digital yuan) và có kế hoạch tung ra toàn bộ trong Thế vận hội mùa đông năm 2022. Trung Cộng đã bắt đầu giới thiệu sản phẩm này cho các tổ chức tài chính trong nước. Theo ông Yang, bảo đảm sự thống trị của đồng nhân dân tệ điện toán là một lý do khác để Trung Cộng đàn áp các loại mã kim.
Thứ ba, một lượng lớn nhân dân tệ hoặc USD dự trữ có thể được chuyển ra ngoại quốc thông qua các tính năng ẩn danh và chống làm giả của các loại mã kim, Trung Cộng cũng lo ngại nghiêm trọng về điều này.
Ông Yang tin rằng Trung Cộng đang tung ra một cuộc đàn áp toàn diện đối với bitcoin và tất cả các loại mã kim. Ông tin rằng các sàn giao dịch, các doanh nghiệp liên quan đến tiền điện toán (digital currency), các nhà cung cấp dịch vụ khai thác và nhóm khai thác, và các giao dịch [liên quan đến mã kim] đều trở thành mục tiêu. Đây gần như là một lệnh cấm hoàn toàn đối với các loại mã kim.
Ông Yang nhận định rằng, “Trung Cộng sẽ không cho phép tính linh hoạt cao của các loại mã kim ảnh hưởng đến sự ổn định của chế độ Trung Cộng.”