Các cuộc bầu cử ở Liên minh Âu Châu: Người thắng và kẻ thua
Ella Kietlinska
Sau khi các cuộc bầu cử khép lại ở tất cả các nước Liên minh Âu Châu (EU), nhóm trung hữu trong Nghị viện Âu Châu hiện giữ nhiều ghế nhất đã giành được nhiều ghế nhất, trong khi nhóm chủ trương ôn hòa Renew Europe và nhóm Xanh (Greens) mất nhiều ghế nhất trong nghị viện của liên minh này.
Các đảng cánh hữu đã không đạt được những thành tựu mong đợi đáng kể như dự đoán.
Theo số liệu kiểm phiếu ban đầu được Nghị viện Âu Châu công bố tính đến 2 giờ 47 phút sáng ngày 10/06, nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện Âu Châu, Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) trung hữu, đã giành được 8 ghế. Số liệu kiểm phiếu sơ bộ này cũng xác định những bên thua cuộc nặng nề nhất là Renew Europe, mất 22 ghế, và Đảng Xanh/Liên minh Tự do Âu Châu (Greens/EFA), mất 19 ghế.
Số lượng Thành viên Nghị viện Âu Châu (MEP) không thuộc bất kỳ nhóm chính trị nào đã giảm 17 người.
Theo số liệu kiểm phiếu ban đầu, các cử tri cũng đã bầu ra 53 MEP mới không liên minh với bất kỳ nhóm chính trị nào của Nghị viện sắp mãn nhiệm. Phát ngôn viên của EU cho biết họ sẽ có cơ hội tham gia bất kỳ nhóm chính trị hiện có nào, thành lập các nhóm mới, hoặc vẫn giữ trạng thái không liên kết.
EU yêu cầu ít nhất 23 MEP đại diện cho 1/4 số quốc gia EU phải cùng nhau thành lập một nhóm chính trị.
Hai nhóm cánh hữu – Đảng Bảo tồn Truyền thống và Cải tổ Âu Châu (European Conservatives and Reformists-ECR) và Đảng Bản sắc và Dân chủ (Identity and Democracy-ID) – lần lượt giành được 4 và 9 ghế.
Nhóm cánh tả có tên Cánh Tả trong Nghị viện Âu Châu (The Left in the European Parliament-GUE/NGL) mất một ghế.
Theo một phát ngôn viên của Nghị viện Âu Châu, tổng số cử tri đi bỏ phiếu ở tất cả các nước EU, ước tính vào khoảng 11 giờ tối theo giờ địa phương, là 51%.
Các cuộc bầu cử bắt đầu hôm 06/06 và kết thúc vào đêm hôm 09/06. Các điểm bỏ phiếu cuối cùng ở Ý đóng cửa lúc 23 giờ tối, theo giờ địa phương.
Nghị viện Âu Châu mới
Nghị viện mới sẽ bao gồm 720 ghế do những thay đổi về dân số ở các nước thành viên EU, trong khi Nghị viện Âu Châu sắp mãn nhiệm, được bầu năm 2019, có 705 thành viên.
Trong một tuyên bố, Nghị viện Âu Châu cho biết: “Sau bầu cử, Pháp, Tây Ban Nha, và Hà Lan mỗi nước sẽ có thêm hai ghế, trong khi Áo, Đan Mạch, Bỉ, Ba Lan, Phần Lan, Slovakia, Ireland, Slovenia, và Latvia mỗi nước được bổ sung thêm một ghế.”
Theo trang web của Nghị viện, các MEP được tổ chức theo đảng phái chính trị của họ, chứ không phải theo quốc tịch. Những MEP thuộc một nhóm chính trị không thể bị buộc phải bỏ phiếu theo một đường lối cụ thể.
Nhìn chung, trên toàn EU, hai nhóm chủ lưu và ủng hộ Âu Châu là Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và Đảng Xã hội, vẫn là những lực lượng thống trị.
Kết quả theo quốc gia
Nổi bật trong đêm bầu cử đầy bất ngờ là đảng National Rally của bà Marine Le Pen, đảng cánh hữu của Pháp. Đảng này đã thắng áp đảo tại các cuộc bỏ phiếu ở Pháp đến mức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức giải tán nghị viện quốc gia và kêu gọi một cuộc bầu cử mới.
Bà Le Pen nói: “Chúng tôi sẵn sàng xoay chuyển tình thế đất nước, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của người Pháp, sẵn sàng chấm dứt tình trạng nhập cư ồ ạt.”
Các cuộc thăm dò ý kiến lúc người dân ra khỏi điểm bỏ phiếu dự đoán rằng, đảng bảo tồn truyền thống Huynh đệ nước Ý (Brothers of Italy) của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dự kiến sẽ giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu vào cuối tuần này. Điều này sẽ củng cố vị thế đảng này là đảng được yêu thích nhất ở Ý.
Cuộc thăm dò ý kiến của đài phát thanh truyền hình nhà nước RAI cho biết Brothers of Italy đã giành được từ 26 đến 30% số phiếu bầu, trong đó Đảng Dân Chủ (PD) đối lập trung tả đứng thứ hai với tỷ lệ ủng hộ từ 21 đến 25%.
Tại Đức, đảng cánh hữu Lựa chọn vì nước Đức (Alternative for Germany-AfD) đã thoát khỏi bê bối để giành được vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử EU hôm Chủ Nhật (09/06), đạt được những thắng lợi đặc biệt là trong các cử tri trẻ, trong khi Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz có kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay.
AfD đã tăng 12 điểm phần trăm lên 17 phần trăm trong số những người từ 16 đến 24 tuổi, ngang bằng với thành tích của phe bảo tồn truyền thống là đảng được yêu thích nhất đối với nhóm tuổi đó và ở miền Đông Cộng sản cũ này [Đông Đức].
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz và đối tác liên minh thứ ba, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp, cũng trong tình trạng tồi tệ, dự kiến sẽ giành được lần lượt 14% và 5% số phiếu bầu, giảm từ mức 15.8% và 5.4% trong cuộc bầu cử gần đây nhất.