Các nhà cung cấp vũ khí phương Tây là người thắng đậm trong cuộc chiến Nga–Ukraine
Mike Fredenburg
Thỏa thuận gần đây của Đức về việc cung cấp đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO trị giá 400 triệu USD cho Ukraine là rất hào phóng, nhưng thỏa thuận này hóa ra có thể không phù hợp vì có lý do hợp lý để nghi ngờ liệu cuộc chiến này có còn tiếp diễn đến năm 2025 – thời điểm những đạn pháo này sẵn sàng được chuyển giao – hay không.
Số vũ khí trị giá 400 triệu USD nói trên được chia thành hai đơn hàng lớn: một đơn hàng 305 triệu USD đặt một công ty Pháp không được tiết lộ danh tính sản xuất 68,000 quả đạn pháo 155 mm, và một đơn hàng khác từ hãng Rheinmetall trị giá 110 triệu USD ước tính có tổng cộng hơn 24,000 quả đạn pháo – nâng số lượng đạn pháo mà Đức sẽ gửi đến Ukraine lên đến khoảng 92,000.
Mỗi đầu đạn trong những giao dịch mua đạn pháo này có giá trung bình 4,485 USD, nhưng rõ ràng giá này đã là rẻ rồi – vì mua số lượng ít hơn có thể khiến giá lên tới 8,500 USD. Đây là số tiền rất lớn tính trên mỗi đầu đạn, nhưng chưa đủ để mua các đầu đạn được dẫn hướng chính xác. Do đó, chúng ta có thể giả định rằng việc mua vũ khí cho Ukraine chủ yếu là các loại đạn phân mảnh nổ mạnh không được dẫn hướng tiêu chuẩn. Những quả đạn này sẽ gần tương đương với loại đạn M795 155 mm của Quân đội Hoa Kỳ – giá chỉ 1,400 USD mỗi đầu đạn hồi năm 2020. Vì vậy, chúng ta thấy rằng mức giá [trong thỏa thuận của Đức] đắt hơn từ 300 đến 600% cho một đầu đạn không dẫn hướng.
Rõ ràng, đây là vấn đề cung cầu, và các nhà cung cấp vũ khí bán cho Đức có thể ra giá cao bởi vì kho dự trữ đạn pháo 155 mm của NATO hiện đã cạn kiệt đến mức các quốc gia NATO đang phải cố gắng giữ lấy bất cứ thứ gì còn lại để dùng cho mục đích riêng, cũng như mua đầu đạn 155 mm để bổ sung vào kho dự trữ của riêng họ.
Hàng chục ngàn quả đạn pháo mà cuối cùng Ukraine sẽ nhận được là vô cùng cần thiết, vì đạn nổ mạnh 155 mm giúp phá hủy các pháo đài và các xe thiết giáp hạng nặng hiệu quả hơn so với các loại đạn chùm 155 mm gây tranh cãi mà Hoa Kỳ đang cung cấp cho Ukraine. Nhưng do đạn pháo sẽ không được chuyển đến Ukraine cho đến khoảng năm 2025, nên có mối lo ngại chính đáng về việc liệu cuộc chiến này có còn tiếp diễn [đến lúc đó] hay không.
Trong khi đó, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố rằng kể từ tháng 02/2022 – khi Nga xâm chiếm Ukraine – Nga đã tăng sản lượng đạn pháo lên gấp 17.5 lần. Đó là một con số vô cùng lớn, và thực sự khó tin, đặc biệt nếu chúng ta đang nói về loại đạn lớn hơn 122 mm và 152 mm. Con số này sẽ đáng tin hơn một chút nếu [đạn] súng cối cỡ nhỏ cũng được tính là pháo.
Để tham khảo, trước khi Nga xâm lược Ukraine, Quỹ Jamestown ước tính sản lượng đạn pháo 122 mm và 152 mm hàng năm của Nga ở mức tối đa là khoảng 1.7 triệu quả đạn hồi năm 2021 – nếu tính luôn 570,000 quả đạn hiện có được tân trang. Nhưng phải lưu ý rằng các nhà phân tích phương Tây luôn đánh giá thấp khả năng của Nga trong việc lách các lệnh trừng phạt, ngoài ra những dự đoán rằng Nga sẽ sớm hết đạn pháo, hỏa tiễn, và phi đạn hay đạn tự hành (missile) đã được chứng minh là sai.
Với việc Nga thực hiện sản xuất ba ca, 24/7, và mở thêm các nhà máy sản xuất vũ khí mới, chắc chắn rằng Nga đang tiến tới sản xuất hơn 2 triệu quả đạn pháo cỡ lớn mỗi năm. Mặc dù chỉ có Nga mới thực sự biết có bao nhiêu triệu quả đạn pháo đang được sản xuất tại các nhà máy của nước này, nhưng một quan chức quốc phòng cao cấp của Estonia, đồng minh NATO, ước tính rằng Nga đang vượt phương Tây tới bảy lần về sản lượng đạn pháo. Vì vậy, kể từ tháng 02/2022 mặc dù Nga gần như chắc chắn không tăng sản lượng đạn pháo lên gấp 17.5 lần, nhưng rõ ràng rằng quốc gia này đang sản xuất nhiều đạn pháo hơn thời trước chiến tranh.
Tại Hoa Kỳ, việc sản xuất đạn pháo 155 mm được dự tính sẽ tăng từ khoảng 28,000 đầu đạn mỗi tháng hiện nay, lên tới 100,000 đầu đạn mỗi tháng vào năm 2025. Chúng ta thấy sản lượng đạn pháo ở châu Âu thậm chí còn tăng dần lên.
Tâm lý cấp bách gia tăng sản xuất của Hoa Kỳ và các đối tác NATO yếu hơn những gì chúng ta đang thấy ở Nga. Tâm lý thiếu khẩn cấp này cho chúng ta biết rằng Hoa Kỳ và Châu Âu không xem Nga là một mối đe dọa hiện hữu. Thay vào đó, những gì chúng ta thấy là những hợp đồng có rủi ro thấp được ký kết mà trong thời gian tới sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Ukraine.
Tất nhiên, ngay cả khi Ukraine buộc phải xin hòa trước khi các hợp đồng thực sự bắt đầu cung cấp số lượng đạn pháo đáng kể, thì những hợp đồng dành cho Ukraine này có thể được dùng để giúp bổ sung kho đạn dược của Hoa Kỳ/NATO vốn đã bị cạn kiệt do cuộc chiến ủy nhiệm của Hoa Kỳ/NATO chống lại Nga.
Như bối cảnh hiện nay, ngoài Trung Quốc – những người chiến thắng lâu dài nhất trong cuộc chiến này là các hãng cung cấp vũ khí phương Tây – những bên sẽ được hưởng lợi trong nhiều năm tới khi bán hàng trăm tỷ USD vũ khí và đạn dược với giá cao để bổ sung và xây dựng kho dự trữ của Hoa Kỳ và các quốc gia NATO, những quốc gia đã cùng nhau cung cấp cho Ukraine khoảng 100 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi cuộc chiến nổ ra.
Trong khi sự phát triển tương đối chậm của các công ty quốc phòng Tây phương đã hạn chế lợi nhuận và doanh thu liên quan đến cuộc chiến 2022, thì đến năm 2023, lợi nhuận liên quan đến chiến tranh đã bắt đầu tăng và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Bên thua cuộc lớn nhất là Ukraine. Nền kinh tế của quốc gia này đã sụp đổ vì hàng trăm ngàn người thương vong trong cuộc chiến cướp đi sinh mạng của người dân Ukraine và Nga một cách nhẫn tâm và vô ích.
Ông Mike Fredenburg viết về công nghệ quân sự và các vấn đề quốc phòng với trọng tâm là cải tổ quốc phòng. Ông có bằng cử nhân về kỹ thuật cơ khí và bằng cao học về quản lý vận hành sản xuất.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.