Các nhà lãnh đạo hy vọng chiến thắng của ông Milei báo hiệu làn sóng chống cộng toàn cầu
Marcos Schotgues
BUENOS AIRES, ARGENTINA — Việc đắc cử tổng thống Argentina mang tính bước ngoặt của ông Javier Milei có thể là một chuyển biến quan trọng đối với tình trạng các chính phủ cánh tả thống trị Mỹ Latinh. Một số người đang hy vọng diễn biến này sẽ phát triển vượt xa hơn là sự bất ngờ đơn thuần.
“Ông ấy đang khởi động một cuộc cách mạng bắt đầu từ đây, sẽ đi ngang châu Mỹ, tới tận phương bắc, và sau đó tiến đến châu Âu,” bà Lilia Lemoine, một nữ nghị sĩ tân cử ở Argentina và là đồng minh lâu năm của ông Milei, nói với The Epoch Times tại lễ nhậm chức của Tổng thống Milei hôm 10/12.
Ông Milei – một người theo chủ nghĩa tự do và tự nhận mình là “nhà tư bản vô chính phủ” – đã lật đổ sự kìm kẹp của cánh tả, một thế lực mà đến đầu năm 2023 vẫn thống trị ở tất cả các quốc gia ở châu Mỹ ngoại trừ Uruguay, Paraguay, El Salvador, và Ecuador.
Ông Milei nói trong diễn văn nhậm chức: “Cũng giống như sự sụp đổ của Bức tường Berlin đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên bi thảm đối với thế giới này, cuộc bầu cử này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của chúng ta.”
Nhà lập pháp Brazil Cristiano Caporezzo đã gọi việc ông Milei đắc cử là “hoàn toàn mang tính lịch sử.”
Ông Caporezzo nói với The Epoch Times: “Cuộc bầu cử này đánh dấu một thời điểm rất chiến lược đối với Mỹ Latinh, một cuộc ‘tái chinh phục’ lục địa này của cánh hữu.”
“Chiến thắng của ông Milei ở Argentina sẽ mang lại sức mạnh nhất định cho các cuộc bầu cử ở Chile. Nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh sẽ bắt đầu hướng tới chủ nghĩa bảo tồn truyền thống.”
Thượng nghị sĩ María Fernanda Cabal cũng tham dự lễ nhậm chức của ông Milei tại Buenos Aires hôm 10/12.
Bà nói với The Epoch Times: “Hôm nay ông ấy đã mang đến cho chúng ta niềm hy vọng, ở Mỹ Latinh, cũng như ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.”
“Những gì chúng ta thấy là ông Javier Milei đã mở ra cơ hội và tất cả những chính phủ đang cầm quyền, những xã hội đang phải chịu đau khổ với tất cả những nhà hoạt động đi ngược lại bản tính của con người đó… hiện tại, mọi thứ đang đi đúng hướng,” bà Cabal nói.
“Chúng tôi hy vọng rằng [cựu Tổng thống Donald] Trump sẽ thắng cử. Chúng tôi hy vọng rằng ông Jose Antonio Kast ở Chile sẽ chiến thắng, và chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi cũng có thể cứu Colombia.”
Ông Ernesto Araújo – cựu bộ trưởng ngoại giao Brazil – hiện là một phụ tá chiến lược cho các vấn đề quốc tế tại tổ chức tư vấn Fundación Disenso có trụ sở tại Tây Ban Nha, nói với The Epoch Times rằng ông nhận thấy sự thay đổi theo hướng bảo tồn truyền thống đang diễn ra trên toàn cầu.
Ông Araújo nói: “Đây có thể là một cuộc ‘tái chiếm’ nền tự do thực sự trên toàn thế giới, có thể được khởi xướng từ đây tại Argentina. Tôi thích suy nghĩ rộng mở, và tôi nghĩ điều này thực sự có thể xảy ra.”
“Nếu [những đề nghị của chính phủ ông Milei] thành công, thì mọi người có thể nhận ra rằng các ý tưởng về nền tự do có tác dụng; rằng những ý tưởng đó có tác dụng ở một nước lớn.”
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Milei đã bỏ bớt chín bộ trong chính phủ, thực hiện các bước giúp các mối quan hệ đối tác thương mại bền vững hơn, và chuẩn bị trấn áp các cuộc biểu tình có thể nảy sinh từ các biện pháp kinh tế quyết liệt sắp tới.
Ông đã hứa sẽ giảm chi tiêu chính phủ và loại bỏ Ngân hàng Trung ương Argentina, đồng thời có thể sẽ sử dụng đồng dollar Mỹ làm một loại tiền tệ chính thức. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã cam kết sẽ thay thế hệ thống giáo dục công lập bằng một hệ thống thay thế dựa trên phiếu thưởng, và chuyển mô hình chăm sóc sức khỏe công cộng sang hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên bảo hiểm.
Ông Milei nói trong bài diễn văn nhậm chức: “Khế ước xã hội mới này mang đến cho chúng ta một đất nước khác biệt, một đất nước mà Nhà nước không chỉ huy cuộc sống của chúng ta, mà thay vào đó bảo vệ các quyền của chúng ta, một đất nước mà ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”
Ông Hermann Tertsch – một thành viên người Tây Ban Nha trong Nghị viện Âu Châu – đã ăn mừng chiến thắng của Tổng thống Milei tại lễ nhậm chức của ông ở Buenos Aires hôm 10/12.
Ông Tertsch nói với The Epoch Times: “Tôi tin rằng chiến thắng này – chiến thắng của sự thật – ở Argentina là một chiến thắng mang tầm vóc lịch sử, và là một chiến thắng có tác động to lớn.”
“Chiến thắng này rất quan trọng, và có ảnh hưởng đến toàn bộ châu Mỹ, cũng như đến toàn phương Tây – một bước ngoặt vô cùng quan trọng.”
Chiến thắng gần đây ở Hà Lan của ông Geert Wilders – nhà lãnh đạo theo phái bảo tồn truyền thống thuộc Đảng Tự Do – đã khiến những người bảo tồn truyền thống trong khu vực phấn chấn. Tuy đắc cử nhưng ông Wilders phải thành lập một liên minh đa số với các đảng chính trị khác thì mới có thể trở thành Thủ tướng.
Ông Terstch nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử Nghị viện Âu Châu, chúng ta có thể tạo ra nền chính trị cánh hữu.”
“Chúng ta có thể ngăn chặn những điều quái dị trong Nghị trình 2030, trong hiệp ước xanh, trong tất cả sự can thiệp trường kỳ của những thứ này vào sinh kế [của người dân], việc loại bỏ nguồn sinh kế mà Ủy ban Âu Châu hiện tại đang thúc đẩy. Điều này có thể thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi Ủy ban. Và rồi chúng ta sẽ thấy sự khác biệt ở châu Âu.”
Nghị trình 2030 là kế hoạch của Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được 17 “mục tiêu phát triển bền vững” vào năm 2030. Các mục tiêu bao gồm “bình đẳng giới tính”, “sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm”, và hành động về khí hậu.
“Hiệp ước xanh” được ông Tertsch nhắc đến là “Thỏa thuận Xanh Âu Châu” – một thỏa thuận mà trong đó các nước thuộc Liên minh Âu Châu cam kết đạt được “trung hòa khí hậu” vào năm 2050.
Ông Terstch nói: “Chúng ta đã nhượng bộ quá nhiều trong 50, 60 năm qua, đến mức không thể nhượng bộ được nữa. Giờ đây chúng ta chỉ có thể chiếm lại. Và chúng ta đang trong một chiến dịch tái chiếm toàn diện.”
Nhưng nền chính trị theo hướng bảo tồn truyền thống và tự do đang phải đương đầu với một số lực lượng kiên quyết và phối hợp với nhau thật chặt chẽ.
Ông Araújo nói: “[Đây] không chỉ là về kinh tế, đây không chỉ là về tình trạng lạm phát tăng vọt của Argentina, cũng không phải về thực trạng không tăng trưởng.”
“Mà đây còn liên quan đến vấn đề buôn bán ma túy, về tội phạm có tổ chức. Chính là vấn đề tội phạm có tổ chức ở Mỹ Latinh có mối liên hệ với tội phạm có tổ chức trên toàn cầu. Đây là vấn đề về khối toàn trị Trung Quốc–Nga–Iran.”
Các chính quyền xã hội chủ nghĩa trên khắp Mỹ Latinh – đặc biệt là chế độ Venezuela – đã tạo thuận tiện hoặc tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy quốc tế, đồng thời phối hợp với Iran, Trung Quốc, và Nga để chống lại lợi ích của Hoa Kỳ và an ninh khu vực trong nhiều năm.
Hồi năm 2020, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội nhà độc tài Venezuela Nicolás Maduro cùng 14 cựu quan chức và quan chức đương nhiệm khác về âm mưu “khủng bố bằng ma túy” nhằm đưa ma túy “tràn ngập” Hoa Kỳ.
Hồi tháng 02/2023, các tàu quân sự của Iran bị trừng phạt vì tiến hành khủng bố đã cập cảng Brazil và vào tháng Sáu, một thỏa thuận quốc phòng giữa Iran và Bolivia đã kéo hai quốc gia này xích lại gần nhau hơn.
Các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Mỹ Latinh đã cho phép các nhóm khủng bố được Iran hậu thuẫn hoạt động tràn lan ở Nam Mỹ trong nhiều năm.
Trong nhiều năm, chế độ cộng sản Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh trên diện rộng thông qua các thỏa thuận thương mại, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng, và liên kết với các nhóm cánh tả cực đoan trong khu vực.
Diễn đàn São Paulo là trung tâm của các nhóm và các chính quyền thuộc cánh tả.
Được Tổng thống Brazil Lula da Silva và nhà độc tài Cuba Fidel Castro thành lập hồi năm 1990, diễn đàn này đã liên hiệp các nhóm du kích cộng sản khủng bố ma túy như FARC của Colombia và các đảng chính trị thường nắm quyền, bao gồm MORENA của Mexico và Đảng Công Nhân Brazil.
Mục tiêu mà họ tuyên bố là đẩy khu vực này đến gần cánh tả hơn nữa.
Diễn đàn São Paulo kế thừa khuôn khổ hợp tác giữa các đảng cánh tả vốn đã và vẫn đang liên kết với nhau trong hơn một thế kỷ với các tổ chức, chẳng hạn như Đệ tam Quốc tế Cộng sản.
Ông Mike Gonzales đến từ Quỹ Di Sản đã gọi Diễn đàn São Paulo là “tổ chức quốc tế theo chủ nghĩa Marx lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.”
Các nhà lãnh đạo của nhóm này thường hô hào những lập luận chống Mỹ và là những nhà độc tài hoặc dung túng cho chủ nghĩa độc tài.
Trung Cộng đang ngày càng hợp tác nhiều hơn với các đảng trong Diễn đàn São Paulo, trong đó có một số đảng hiện đang nắm quyền.
Vào tháng 03/2022, trước các cuộc bầu cử ở Brazil và Colombia, Trung Cộng và Diễn đàn São Paulo đã tổ chức một chuỗi các cuộc đối thoại. Trong một cuộc nói chuyện, ông Tôn Nham Phong (Sun Yanfeng) – một quan chức Trung Cộng thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc (CICIR) và Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc – cho biết ông ủng hộ chiến thắng của phe cánh tả ở cả hai quốc gia này.
Ông Tôn nói: “Tôi thực sự hy vọng Colombia và Brazil có thể sớm trở thành những quốc gia do các lực lượng chính trị cấp tiến thuộc cánh tả lãnh đạo.”
“Khi các nền kinh tế chính của Mỹ Latinh được lãnh đạo bởi các lực lượng cánh tả, thì trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hợp tác lớn hơn giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Diễn đàn São Paulo.”
Tháng 07/2022, Trung Cộng đã tổ chức một hội nghị quốc tế với 100 đảng theo chủ nghĩa Marx, được gọi là “Diễn đàn của Trung Cộng và các Đảng Chính trị theo chủ nghĩa Marx Thế giới”.
Sáu đảng đến từ Mỹ Latinh nổi bật tại hội nghị này là: Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Brazil, Đảng Cộng sản Uruguay, Đảng Lao động Mexico, Đảng Cộng sản Argentina, và Đảng Cộng sản Chile.
Đảng Cộng sản Brazil và Đảng Cộng sản Chile hiện nằm trong liên minh cầm quyền ở những quốc gia này
Tuy nhiên, nếu những người chống cộng tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới, thì điều này có thể hạn chế sự phối hợp giữa các chính quyền xã hội chủ nghĩa đang thống trị, các doanh nghiệp tội phạm, và các phong trào xã hội, đồng thời giúp hạn chế buôn bán ma túy, và nới rộng những quy định hạn chế tự do ở Mỹ Latinh.
Cô Karolina Añez – con gái của cựu tổng thống đang bị cầm tù Bolivia Jeanine Añez – hy vọng ông Milei sẽ gây ảnh hưởng đến nền chính trị ở quê hương cô.
“Chiến thắng của ông Milei là chiến thắng trước tất cả những ai phản đối tự do. Đó là niềm hy vọng cho Bolivia, cho những người bị cầm tù vì lý do chính trị. Ông ấy sắp sửa đấu tranh cho tự do trên tất cả các quốc gia của chúng ta. Đó là một sự thay đổi, một sự thay đổi hoàn toàn, đó là sự thay đổi của một thời đại, ngọn hải đăng soi đường cho tất cả chúng ta. Và chúng tôi tin chắc rằng ông sẽ làm tốt,” cô Añez nói với The Epoch Times ở Buenos Aires.
“Bolivia đang sống trong thời kỳ đen tối, nơi mọi công dân đang bị đàn áp và bỏ tù vì có suy nghĩ khác biệt dưới chế độ MAS,” cô nói, đề cập đến đảng Phong trào Tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (MAS).
Cô Añez cho biết mẹ cô trở thành một tù nhân chính trị “vì bà đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, bởi vì bà tuân theo nền dân chủ,” và bởi vì bà đã hoàn thành trách nhiệm của mình đối với đất nước.
MAS, phe chính trị thống trị hiện nay ở Bolivia, ngày càng gắn bó với Venezuela và Iran. MAS là nhóm chính trị nòng cốt lâu năm trong Diễn đàn São Paulo.
Báo cáo năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền ở Bolivia cho biết việc bỏ tù bà Jeanine Añez là “một ví dụ về ‘các vấn đề mang tính cơ cấu’ trong bộ máy quản lý tư pháp, chẳng hạn như việc sử dụng rộng rãi biện pháp giam giữ để phòng ngừa.”
Những lo ngại mà báo cáo nêu ra gồm có “những cáo buộc với phạm vi quá rộng và mơ hồ đối với bà Áñez cũng như việc lạm dụng quá mức biện pháp giam giữ để phòng ngừa.”
Bên kia Thái Bình Dương
Đài Loan dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 13/01/2024.
Bất chấp lập trường của Đảng Dân chủ Cấp tiến đương nhiệm về một số vấn đề, các các nhà lãnh đạo của đảng này cho đến nay vẫn tỏ ra không sẵn sàng khuất phục trước những lời kêu gọi liên tục của Trung Cộng về việc nhường lại quyền kiểm soát cho Bắc Kinh, và thay vào đó họ nhấn mạnh vào việc tăng cường răn đe quân sự.
Trung Cộng chưa bao giờ cai trị Đài Loan nhưng vẫn tuyên bố Đài Loan là của họ. Là một nước sản xuất phần lớn các chất bán dẫn thiết yếu dùng cho các thiết bị điện tử hiện đại, và cũng là rào cản tự nhiên về mặt chiến lược ngăn cách bờ biển phía đông Trung Quốc với Thái Bình Dương rộng mở, đảo quốc Đài Loan là tâm điểm của địa chính trị hiện đại.
“Nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan, các yêu cầu của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh sẽ liên quan đến các lĩnh vực chính trị và kinh tế cũng như quân sự,” ông Evan Ellis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và là giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Cao đẳng Chiến lược Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, đã viết trong một bài báo xuất bản hồi tháng 01/2023.
“Ngay cả trước khi bắt đầu khai chiến, CHND Trung Hoa có thể sẽ điều động nhân sự đến Mỹ Latinh và các khu vực khác trên thế giới để trợ giúp việc thu thập thông tin tình báo trong thời chiến, và tiến hành các hoạt động đặc biệt. Các công ty có trụ sở tại CHND Trung Hoa hoạt động trong khu vực này có thể là nơi hợp lý để tiếp đón và trợ giúp những nhân sự này, cũng như bất kỳ thiết bị đặc biệt nào mà những người này mang đến.”
Hồi tháng 03/2021, Đô đốc Craig Faller – cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ – nói với Quốc hội rằng Trung Cộng đang “tìm cách thiết lập cơ sở hạ tầng tiếp vận và căn cứ toàn cầu ở bán cầu của chúng ta để khai triển và duy trì sức mạnh quân sự ở những nơi xa hơn.”